Dịch vụ đồ ăn qua mạng 'hút khách' vì dịch corona
Do ảnh hưởng dịch corona, hiện nay người dân, người tiêu dùng Tp. Hồ Chí Minh đã hạn chế tụ tập nơi đông người để phòng lây nhiễm. Các dịch vụ trực tuyến cũng phát triển nhanh chóng, trong đó có dịch vụ đặt đồ ăn uống qua mạng, giao tận nơi qua người giao hàng (shipper) đã tăng rõ rệt.
Ghi nhận của PV Báo Công Thương tại các quầy thức ăn đồ uống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, số lượng khách đến quán khá ít, chủ yếu cửa hàng bán với các đơn đặt hàng qua mạng nhờ shipper giao tận nơi. Trong đó, có nhiều đơn hàng đặt thức uống với số lượng lớn mang về nhà, về công ty thay vì đến tận tiệm như trước đây.
Chị Chi - nhân viên một quán trà sữa trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1) - cho biết: Thời điểm trước Tết và khi chưa có dịch corona xảy ra, lượng khách đến quán tương đối đông, tuy nhiên những ngày gần đây quán chủ yếu bán trà sữa từ các đơn đặt hàng qua mạng, nhiều lúc cao điểm, các shipper phải xếp hàng chờ tại quán, thậm chí mua trà sữa tại quán để uống trong lúc chờ lấy nhận hàng.
Anh Hoàng - chủ quán mì Quảng trên đường Phạm Văn Đồng chia sẻ: Mấy ngày nay, quán chủ yếu bán từ các đơn đặt hàng qua mạng. Đơn hàng từ việc bán online đã tăng lên đáng kể từ 10 - 20 đơn/ngày, đã tăng lên 30 - 40 đơn/ngày. Hầu hết khách thanh toán bằng chuyển khoản.
Bạn Nguyễn Văn Nam - nhân viên giao hàng của GoViet - cho biết: Hai tuần nay được nghỉ học do dịch corona, tranh thủ thời gian nghỉ học mình chạy giao hàng cho GoFood. Những ngày gần đây, lượng khách đặt hàng trên GoFood rất đông, ngày thường mình chạy khoảng 10 cuốc giao hàng nhưng mấy ngày nay, trung bình một ngày mình chạy 20 cuốc giao hàng, trừ chi phí cũng kiếm 500 - 800 nghìn đồng/ngày.
Chị Lưu Thị Trường Điệp (quận 12) chia sẻ: Cuối tuần gia đình tôi thường cùng nhau đi ăn các món Việt tại quán quen thuộc, tuy nhiên gần đây tâm lý lo sợ dịch bệnh khi ra đường hoặc đến chỗ đông người, gia đình đã chọn giải pháp đặt thức ăn qua mạng. “Việc đặt thức ăn đồ uống qua mạng khá tiện lợi, vừa tiết kiệm thời gian vừa phòng tránh dịch bệnh, đỡ mất tiền xăng xe”, chị Điệp vui vẻ nói.
Theo thống kê nhanh từ GoViet, dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 17/1 đến ngày 2/2/2020, đã có tổng gần 900 nghìn đơn hàng ẩm thực được đặt qua nền tảng GoFood, doanh thu của các đối tác nhà hàng tăng 120% so với Tết năm ngoái.
Đại diện GoViet cho biết, số lượng người dùng GoFood cũng tăng 40% so với Tết năm ngoái, tuy con số này trong tuần Tết giảm hai con số so với tuần trước Tết, với tỉ lệ người dùng ở Hà Nội giảm nhiều hơn TP. Hồ Chí Minh hơn 10%.
Lý giải về sự chệnh lệch trên, đại diện GoViet cho rằng, số người dùng giữa hai miền là do thói quen ăn uống và sinh hoạt ngày Tết khác nhau. Cụ thể người miền Nam có xu hướng ăn ngoài và đặt đồ ăn chế biến sẵn nhiều hơn, trong khi người miền Bắc thích tự nấu ăn và ăn uống tại gia nhiều hơn trong dịp Tết.
“Thống kê trong một tuần (từ ngày 1 đến hết ngày 6/2), có tổng hơn 500 nghìn đơn hàng được đặt qua GoFood với món được đặt nhiều nhất là trà sữa. Lượng đơn hàng tăng đều đặn mỗi ngày với số đơn hàng vào ngày 6 tăng hơn 40% so với ngày 1/2. Đây cũng là xu hướng bình thường khi mọi người bắt đầu đặt đồ ăn bên ngoài trở lại sau khi bắt đầu làm việc sau dịp Tết”, đại diên GoViet chia sẻ thêm.
Trong khi đó, để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… lại chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2/2020.
Theo Bộ Công Thương, việc mở rộng kênh bán hàng online, huy động các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics vào cuộc... cũng là một trong những biện pháp được Bộ Công Thương đưa ra nhằm phòng chống dịch nCoV.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dich-vu-do-an-qua-mang-hut-khach-vi-dich-corona-132452.html