Dịch vụ 'du lịch báo hiếu' ra đời ở nước nào?

Người báo hiếu không những có dịp chứng tỏ với bà con hàng xóm xa gần tấm lòng hiếu thảo dành cho cha mẹ mà còn là khả năng (tài chính) của mình.

Gìn giữ phát huy quá khứ. Quá khứ được gìn giữ và phát huy khi việc ấy mang đến giá trị gia tăng cho khách hàng! Đó là điều hết sức “trần tục” mà doanh nghiệp phải nắm! Nói rõ: gìn giữ và phát huy quá khứ, dưới cái nhìn của khách hàng, là để ổn định hiện tại và cảm nhận làm chủ được tương lai! Do đó, “quá khứ đang sống” là thị trường tiềm năng so với “quá khứ đã chết”!

“Quá khứ đã chết” là lĩnh vực của các hoạt động kinh doanh thuộc loại “dịch vụ lễ bái” (worship service). Còn “quá khứ đang sống” là thuật ngữ nói về tính chất của thị trường phục vụ người cao tuổi (senior market/grey market). Các thuật ngữ này phổ biến vào những năm 1992-1993 tại Mỹ và châu Âu để chỉ định một lĩnh vực mới: thế giới ngày càng nhiều người già và những người cao tuổi này không phải là “quá khứ bỏ đi” (trong nghĩa tiềm lực kinh tế) mà ngược lại.

 Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.

Ở các nước phát triển, chính người già đỡ đần con cháu khá nhiều về mặt tài chính và ở các nước đang phát triển thì con cháu lại có bổn phận giúp đỡ ông bà cha mẹ. Ngoài ra, “senior market” còn là “đầu tàu” kéo theo “worship service”: người cao tuổi thường hay chú trọng đến việc lễ bái.

“Senior market” còn có thêm một khía cạnh hết sức quan trọng. Do chế độ “hưu non” (trung bình khoảng 55 tuổi) phổ biến ở một số nước châu Âu, rất nhiều người nghỉ hưu thuộc diện này vẫn còn tráng kiện và nhất là họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức quý báu. Tách hẳn những con người ấy ra khỏi “thị trường lao động” là một thiếu sót: tổ chức được việc chuyển giao các kinh nghiệm và kiến thức tích lũy nói trên chính là mang đến giá trị gia tăng cho người nghỉ hưu lẫn xã hội.

Tóm lại, quá khứ trong các ý nghĩa trên đâm ra gắn với hiện tại và tương lai: trong các mối quan hệ gia đình giúp đỡ nhau giữa ông bà và con cháu nói riêng và giữa xã hội và những người cao tuổi nói chung phát sinh các lĩnh vực đòi hỏi những giá trị gia tăng đặc thù mà doanh nghiệp phải biết cách đáp ứng.

Trước 1987, thế giới đã có Ngày tình nhân, Ngày của Mẹ, Ngày của Cha và cả Ngày Nhà giáo, thiếu ngày cho bà! Công ty Kraft Jacobs Suchard (KJS) của Pháp nổi tiếng với kẹo chocolate Suchard và cà phê nhãn hiệu Grand Mère (bà nội/bà ngoại), dự tính “định chế hóa” một ngày trong năm (ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 3, là ngày đầu tiết xuân mà loài hoa jonquille, biểu tượng cho sự trường tồn của quá khứ, nở rộ) để làm Ngày của Bà.

Hai lý do được chính thức đưa ra: gần 40% trẻ em ở Pháp là do bà nội hoặc bà ngoại chăm sóc và không ít phụ nữ đã “lên chức bà” mà thật ra tuổi vừa ngoài 50, còn rất trẻ trung, năng động và rất thông hiểu tâm lý con cháu. Do đó “bà nội/bà ngoại” là hình ảnh nối liền các thế hệ rất cần thiết cho tình keo sơn gắn bó gia đình và xã hội.

Cùng cộng tác với các công ty bán hoa, bán bánh và các hiệp hội báo chí đặt dưới sự bảo trợ của một nhóm phụ nữ Pháp nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực từ khoa học đến văn chương, KJS đã thành công trong việc “định chế hóa” Ngày của Bà (dần dần lan rộng ra châu Âu) vì đã mang đến một giá trị gia tăng mà xã hội và các gia đình châu Âu đang cần. Trong lĩnh vực kinh doanh, công ty cũng đã thành công trong việc gắn được tên tuổi thương hiệu Café Grand Mère ở Pháp với hình ảnh Ngày của Bà!

• “Du lịch báo hiếu” phát xuất từ Nhật vào nửa đầu thập niên 80 rồi lan sang Hàn Quốc. Ngày nay “phong trào” này tràn ra ở nhiều nước châu Á: người cao tuổi được con cháu báo hiếu cho đi du lịch lấy làm vui sướng và hãnh diện; người báo hiếu không những có dịp chứng tỏ với bà con hàng xóm xa gần tấm lòng hiếu thảo dành cho cha mẹ mà còn là khả năng (tài chính) của mình; người tổ chức các “tour báo hiếu” tất nhiên là thu phần lợi nhuận do những giá trị gia tăng như trên mang đến cho khách hàng!

“Du lịch báo hiếu” còn là một biểu tượng xã hội có công dụng đề cao tình cảm gia đình “trên dưới thuận hòa” trong bối cảnh đời sống công nghiệp và thị trường phát triển làm thui chột dần dần một số truyền thống.

• Hiệp hội những người nghỉ hưu ở Mỹ (American Association of Retired Persons) nổi tiếng tích cực và hiệu quả nhờ phát hành tạp chí Modern Maturity: với tối thiểu 23 triệu ấn bản mỗi năm, độc giả không chỉ là những người nghỉ hưu mà còn thuộc nhiều lứa tuổi và mọi giới vì họ tìm thấy ở tạp chí rất nhiều bài viết phổ biến các kinh nghiệm nghề nghiệp cần thiết và cả những hướng dẫn hữu ích của “người đi trước” trong việc tiêu dùng!

Do đó, tên của tạp chí, Modern Maturity, thật sự mang ý nghĩa biểu trưng: “chín muồi” không phải chỉ để chờ ngày “rụng xuống” mà là phải “ươm” những mầm mống mới cho đời. Quá khứ biến thành nền tảng của hiện tại và cơ sở cho tương lai!

• Hiệp hội Liên kết các Thế hệ vì Việc làm và Doanh nghiệp (Entente des Générations pour l’Emploi et l’Entreprise) ở Pháp với gần 3.000 hội viên gồm những người nghỉ hưu nguyên là kỹ sư, cán bộ quản lý, luật sư, ... chuyên tư vấn “không công” cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng các chương trình và dự án phát triển kinh doanh. Hội chỉ nhận cử “chuyên gia nghỉ hưu” làm tư vấn hoàn toàn phi vụ lợi với hai điều kiện: doanh nghiệp gặp khó khăn có khả năng phải sa thải nhân viên hoặc doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp.

Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Pháp đã dựa vào chuyên gia của hiệp hội này mà phát triển. Châu Âu có khá nhiều hội nhóm phi vụ lợi như trên. Trong các trường hợp này, giá trị gia tăng đến với cả hai phía: phía những người nghỉ hưu, nhất là hưu non, có dịp đóng góp kinh nghiệm và kiến thức của mình nếu họ muốn, phía doanh nghiệp có thể được tư vấn và học hỏi thêm mà không tốn kém nhiều!

Tôn Thất Nguyễn Thiêm/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/dich-vu-du-lich-bao-hieu-ra-doi-o-nuoc-nao-post1492499.html