Dịch vụ khám sức khỏe trực tuyến bùng nổ tại Trung Quốc
Lo sợ tình trạng lây nhiễm chéo trong các bệnh viện khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người dân Trung Quốc đã tìm đến các dịch vụ khám sức khỏe trực tuyến để được chẩn đoán và tư vấn.
Theo hãng tin Reuters (Anh), khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) bùng phát nguy hiểm, hàng trăm triệu dân Trung Quốc đã không ra khỏi nhà vì lệnh phong tỏa. Thậm chí ngay tại những khu vực không bị cách ly, nhiều người gặp phải các triệu chứng như ho hoặc hắt hơi cũng không dám đến bệnh viện. Chính bởi vậy, khám sức khỏe trực tuyến trở thành một lựa chọn thích hợp nhất, đặc biệt khi ngày càng có nhiều nền tảng cung cấp dịch vụ khám sức khỏe miễn phí ra đời.
Nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến JD Health đã nhận được nhu cầu tư vấn trực tuyến liên quan đến hô hấp hàng ngày tăng gấp 9 lần, trong khi các cuộc tư vấn sức khỏe tâm thần cũng tăng gấp 5 đến 7 lần so với giai đoạn trước khi bùng phát dịch bệnh, bà Xiao Jianbo, Giám đốc phụ trách chăm sóc sức khỏe trực tuyến của JD Health, cho biết.
Mỗi ngày, bác sĩ Liu Yafeng – một trong 200 bác sĩ làm việc cho JD Health - đều phải tiếp nhận tư vấn trực tuyến cho 200 bệnh nhân trên khắp đất nước. Anh cho biết khoảng 1/5 các bệnh nhân của mình đến từ tỉnh Hồ Bắc – nơi bắt nguồn loại virus này và hầu hết mọi người đều bị đè nặng bởi nỗi sợ hãi không đáng có.
“Hầu hết các yêu cầu mà tôi đã tiếp nhận từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 đều liên quan đến dịch COVID-19. Tôi sẽ cùng bệnh nhân tìm hiểu tất cả các triệu chứng nhiễm COVID-19 được liệt kê trong hướng dẫn của chính phủ. Nếu không có biểu hiện hoặc bằng chứng rõ ràng, tôi khẳng định với bệnh nhân rằng họ không nhiễm virus. Có một số người chỉ gặp phải những triệu chứng như hắt hơi hoặc ho cũng rất đã lo lắng. Nhưng chỉ có ít người gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đến mức cần được kiểm tra.”, bác sĩ Liu Yafeng cho biết.
Đối với những người có triệu chứng đáng lo ngại, Liu đề nghị bệnh nhân đến gặp trực tiếp bác sĩ và chụp CT để chẩn đoán lâm sàng. Theo anh, cách làm này giúp mọi người không đổ xô đến viện và tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.
Bác sĩ Liu chia sẻ khi dịch bệnh trong giai đoạn bùng phát nguy hiểm, anh phải làm việc khoảng 12 tiếng mỗi ngày, nhưng hiện nay khi sự hoảng loạn về dịch bệnh đang có xu hướng suy giảm, anh chỉ phải làm việc 8 tiếng mỗi ngày.
Bên cạnh JD Health, công ty công nghệ Baidu Inc cũng cho ra mắt nền tảng tư vấn sức khỏe trực tuyến của họ mang tên Wenyisheng. Nền tảng này mỗi ngày phải xử lý khoảng 850.000 câu hỏi tư vấn, tăng khoảng 50 lần so với năm trước đó.
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến từ lâu đã được coi là một lĩnh vực đầy hứa hẹn ở Trung Quốc vì tình trạng thiếu bác sĩ và nhiều người dân ở các vùng xa không có cơ hội được tiếp cận các bác sĩ chuyên khoa.
Giáo sư Jeffrey Towson, người chuyên viết về lĩnh vực y tế kỹ thuật số Trung Quốc, cho biết tư vấn sức khỏe trực tuyến có thể giảm bớt sự lo lắng của người dân vì họ được các y bác sĩ trấn an. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “tư vấn sức khỏe trực tuyến không phù hợp với những vấn đề y tế nghiêm trọng”.