Dịch vụ tài chính - ngân hàng được ưu tiên phát triển

Dịch vụ tài chính - ngân hàng là một trong bốn ngành dịch vụ được định hướng ưu tiên phát triển. Lâm Đồng cũng đã kịp thời có những kịch bản, định hướng phát triển, giữ vững sự phát triển nền kinh tế địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 531 về 'Phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050'.

Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế cũng là một giải pháp phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng

Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế cũng là một giải pháp phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng

Theo đó, chiến lược nêu rõ mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP. Trong thời kỳ 2030 - 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 60% GDP. Với mục tiêu này, các ngành dịch vụ được ưu tiên phát triển gồm: Dịch vụ du lịch; Dịch vụ logistics và vận tải; Dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông và dịch vụ tài chính - ngân hàng. Trong đó, dịch vụ tài chính - ngân hàng được định hướng với những hoạch định cụ thể, rõ ràng.

Song song với các định hướng được vạch rõ thì các giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng - tài chính cũng được xây dựng cụ thể: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; tăng cường ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của ngành tài chính, ngân hàng. Trong lĩnh vực bảo hiểm đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước về kinh doanh bảo hiểm. Ở lĩnh vực chứng khoán cũng nhanh chóng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng; phát triển nhanh quy mô chất lượng của thị trường.

Ông Trương Quốc Thụ - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng nhận định ngành kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và chưa thể phục hồi như giai đoạn trước COVID-19, nên ngành ngân hàng Lâm Đồng vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 01/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các chỉ đạo của Thủ tướng, của tỉnh. Theo đó, toàn ngành tiếp tục thực hiện các chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kép về phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; các chỉ đạo về thanh toán không dùng tiền mặt; xử lý nợ xấu; đảm bảo an toàn hệ thống và ứng dụng công nghệ số là kim chỉ nam trong phát triển và tiếp tục phát huy kết quả về thủ tục hành chính của ngành ngân hàng và trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa cũng nhấn mạnh tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021: Khó khăn của cả nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng cần sự chia sẻ, hỗ trợ của hệ thống ngân hàng để đạt đến mục tiêu là phát triển phồn thịnh, ổn định, sức khỏe của hệ thống tài chính tiền tệ tốt… Chính vì vậy, định hướng phát triển trong thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp, như đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; trong đó, nông nghiệp công nghệ cao vẫn là lĩnh vực chủ đạo trong ngắn hạn, để đến năm 2030 có thể chủ động các khoản chi của tỉnh và đóng góp vào nguồn ngân sách của Trung ương.

Với chiến lược tổng thể phát triển của Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng cũng đã sớm có những hoạch định mang tính then chốt, với những kịch bản cung ứng vốn cho nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh. Ở giai đoạn tiếp theo, ngành ngân hàng tăng cường sự kiểm tra, kiểm soát theo mục tiêu đảm bảo hệ thống tiền tệ an toàn tuyệt đối; quan tâm giám sát hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn như hệ thống các ngân hàng thương mại; ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt; mở rộng mạng lưới tín dụng đến vùng sâu, vùng xa... thông tin kịp thời đến chính quyền địa phương và các ban, ngành, góp phần làm tăng hiệu quả xử lý các vấn đề liên quan; cố gắng hạn chế thấp nhất tình trạng tín dụng đen trên địa bàn; phản hồi kịp thời đến UBND tỉnh Lâm Đồng tình hình hoạt động của ngành.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh về thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, ngành ngân hàng đã chủ động thực hiện các giải pháp để đảm bảo hiệu quả kinh doanh tiền tệ, cung ứng kịp thời nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các giải pháp phù hợp, kịp thời và có hiệu quả của ngành tài chính - ngân hàng đã góp phần quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, khôi phục và mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

DIỄM THƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202105/dich-vu-tai-chinh-ngan-hang-duoc-uu-tien-phat-trien-3057064/