Hà Nam chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, đạt được nhiều kết quả nổi bật
Hà Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên phạm vi toàn tỉnh tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững của tỉnh.
Với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, Hà Nam đã thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện với quyết tâm cao, lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng. Qua đó, đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo điểm nhấn trong công tác chuyển đổi số.
Với quyết tâm chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, nhiều giải pháp đã được Hà Nam triển khai đồng bộ và quyết liệt. Nổi bật là sự thay đổi nhận thức của người đứng đầu, lãnh đạo chính quyền, cơ quan đơn vị địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Qua đó, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động điều hành quản lý của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nhận thức, lối sống, cách làm việc của người dân.
Ông Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam cho biết, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ và 70% là thay đổi và 30% là công nghệ. Chuyển đổi số phải hướng tới đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số hiệu quả phải là toàn dân và toàn diện, trong đó vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Thực tế ở Hà Nam trong những năm qua, người đứng đầu không những chỉ đạo mà còn là người trực tiếp làm, trực tiếp dùng và sử dụng thành thạo. Vì vậy, thời gian qua Hà Nam đã thực sự có những thành công trong công cuộc chuyển đổi số.
Một trong những điểm nhấn ở Hà Nam là đẩy mạnh phát triển chính quyền số: Các hệ thống thông tin, nền tảng số, ứng dụng dùng chung quy mô cấp tỉnh được khai thác vận hành ổn định. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hà Nam đã và đang triển khai hiệu quả hệ thống quản lý hệ thống văn bản và điều hành đảm bảo liên thông được 4 cấp chính quyền từ cấp xã, đến cấp huyện, tỉnh, Trung ương, phần mềm đã được tích hợp chữ ký số.
Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND các thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo điều hành và gửi nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tinh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia.
Hệ thống thư điện tử của tỉnh đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỷ lệ công chức từ cấp huyện trở lên thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 96%; duy trì hiệu quả hoạt động hệ thống hội nghị trực tuyến từ cấp Trung ương, tỉnh, huyện tới cấp xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, thời gian qua lực lượng Công an các địa phương trong tỉnh nỗ lực huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc và đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong lĩnh vực y tế, 100 cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận công dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám chữa bệnh, số lượng thẻ BHYT của tỉnh đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gần 803 nghìn người.
Trong lĩnh vực giáo dục đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý trường học, 100% thông tin học sinh trên địa bàn tỉnh được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo được xác thực định danh với dữ liệu dịch vụ. Tỉ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt trên 94%.
Một trong những tiện ích về chuyển đổi số có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất chính là những tác động đến từ kinh tế số. Hà Nam là một trong những địa phương đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao điển hình trong lĩnh vực trồng trọt. Với hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại, quá trình sản xuất rau củ quả đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đồng thời hình thành vùng hàng hóa theo chuỗi giá trị, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững.
Theo Ban quản lý ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, toàn tỉnh đã có 6 khu nông nghiệp công nghệ cao được phê duyệt với tổng diện tích trên 600ha. Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đăng tải trên các sàn thương mại điện tử; 100% hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có tài khoản tham gia sàn thương mại điện tử và được đào tạo, tập huấn.
Những nỗ lực chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đã làm thay đổi nhận thức cách làm truyền thống của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn một số hạn chế như hạ tầng số, các nền tảng số chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra; việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đơn vị chưa hiệu quả; nhân lực về chuyển đổi số còn hạn chế.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện có mục tiêu chuyển đổi số, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tổ chức phát động các phong trào chia sẻ cách làm hay về chuyển đổi số, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024.
Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng; tập trung phát triển kinh tế số; quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin, phân tích và xử lý dữ liệu số cho cán bộ, công chức các cấp...