Dịch vụ thuê và cho thuê xe ô tô tự lái: Đòi hỏi quản lý chặt chẽ hơn

Gần đây, dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái ngày càng trở nên phổ biến. Không thể phủ nhận tiện ích của dịch vụ này, tuy nhiên, trong thực tế đã phát sinh nhiều tình huống như: Người thuê mang xe đi cầm cố, lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn, rồi những rủi ro với người thuê xe khi bị lừa đặt cọc... Những vấn đề này đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn...

Rủi ro cho người cho thuê xe...

Hiện nay, dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái khá phát triển nên khách hàng dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu. Mức giá thuê các loại xe ô tô bình dân 4 chỗ dao động 600.000-800.000 đồng/ngày; xe 7 chỗ hoặc cao cấp hơn có giá 800.000-1,5 triệu đồng/ngày. Thủ tục thuê xe đơn giản, khách hàng chỉ cần căn cước công dân, hộ khẩu và tiền đặt cọc khoảng 30-70 triệu đồng/xe. Tuy nhiên, đây cũng là "mảnh đất màu mỡ" để các đối tượng xấu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Hướng dẫn rõ cho khách quy trình sử dụng trước khi giao xe cho thuê tại công ty cho thuê xe tự lái của anh Vũ Hoàng Minh. Ảnh: VD.

Hướng dẫn rõ cho khách quy trình sử dụng trước khi giao xe cho thuê tại công ty cho thuê xe tự lái của anh Vũ Hoàng Minh. Ảnh: VD.

Chia sẻ về những rủi ro khi cho thuê xe ô tô tự lái, anh Vũ Hoàng Minh, Giám đốc một công ty cho thuê xe tự lái trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết, thâm niên 15 năm trong nghề đã cho anh rất nhiều bài học để đời. Tính sơ sơ đã có khoảng 10 ô tô bị người thuê xe lừa mang đi bán hoặc gây tai nạn rồi chây ỳ không giải quyết. Trong số ô tô này, anh Minh may mắn tìm lại được 5 chiếc sau một hành trình rất gian nan.

Theo anh Minh, có trường hợp công ty gửi đơn tố cáo nhiều lần và cơ quan công an đã tiến hành điều tra nhưng không thể tìm ra tung tích của người thuê xe vì họ đã trốn khỏi nơi cư trú. Cũng có trường hợp lực lượng công an tìm ra ô tô của anh Minh nhưng khi kiểm tra máy móc, thân vỏ thì phát hiện xe đó được lắp ghép từ 3 chiếc xe khác nhau nên không đủ căn cứ để nhận lại tài sản.

Hoặc có trường hợp đã tìm thấy người thuê xe nhưng họ nói xe bị ăn cắp, hiện không đủ tiền để chi trả nên xin khắc phục hậu quả dần. Đối với trường hợp này, cơ quan công an cũng không có đủ bằng chứng chứng minh là người thuê xe có hành vi ăn cắp, chiếm dụng tài sản để đưa ra truy tố. "Có nhiều trường hợp người thuê xe gây tai nạn trên đường nên phải bồi thường nhưng họ chây ỳ, lâu dần rơi vào quên lãng", anh Minh kể.

Còn nhiều rủi ro trong việc cho thuê xe tự lái. Ảnh: VD.

Còn nhiều rủi ro trong việc cho thuê xe tự lái. Ảnh: VD.

Còn theo anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ một cơ sở cho thuê xe tự lái trên địa bàn phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), có tình huống oái oăm là người thuê xe mang xe đi cầm cố rồi biến mất tăm. "Tôi đã từng cho một người thuê chiếc Toyota Vios trị giá trên 600 triệu đồng trong 10 ngày. Nhưng chỉ sau 2 ngày, ô tô của tôi bị cắt định vị, cũng không liên lạc được với người thuê. Tìm đến nhà theo địa chỉ trên căn cước công dân và hộ khẩu thì cửa nhà đóng im ỉm, hàng xóm nói nhiều ngày nay chủ nhà không về. Dù tôi đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an nhưng việc tìm kiếm chủ xe hiện vẫn trong vô vọng", anh Cường buồn bã chia sẻ.

...đến người đi thuê

Không chỉ người cho thuê xe ô tô gặp rủi ro, nhiều người thuê xe cũng bị mất tiền oan từ dịch vụ này. Cụ thể, anh Cao Văn Hưng (ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông) có nhu cầu thuê xe nên đã nhắn tin và gọi điện thoại cho một cơ sở có địa chỉ trên mạng Facebook tên Nguyễn Thế Sơn, thì nhận được hình ảnh, thông tin xe và được yêu cầu phải đặt cọc giữ suất là 500.000 đồng. Tuy nhiên, đến ngày giao hẹn lấy xe, người cho thuê đã chặn số điện thoại của anh. "Khi tìm hiểu về chủ xe này, tôi mới biết mình không phải là nạn nhân duy nhất. Tài khoản Facebook tên Nguyễn Thế Sơn đã lừa rất nhiều người dưới hình thức đòi đặt cọc", anh Hưng bức xúc nói.

Cùng cảnh ngộ, chị Ngô Thị Bắc, phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cho biết, chị đã tìm nguồn cho thuê xe trên Facebook qua tài khoản "Dịch vụ thuê xe A. Hải" và sau đó tin tưởng đặt cọc ngay 500.000 đồng do chủ tài khoản nói còn 1 xe duy nhất cho ngày chị cần đi công tác. Nhưng đến ngày nhận xe, chị Bắc không thể liên lạc được với chủ xe, cũng không đòi được tiền đặt cọc... Những vụ việc tương tự vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết.

Cần hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để bảo vệ các bên liên quan trong giao dịch của dịch vụ thuê xe tự lái. Ảnh: VD

Cần hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để bảo vệ các bên liên quan trong giao dịch của dịch vụ thuê xe tự lái. Ảnh: VD

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, trong đó có phương tiện giao thông vận tải cơ giới. Theo đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (chủ sở hữu phương tiện) phải bồi thường thiệt hại do phương tiện gây ra; nếu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp phương tiện bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người thuê phải bồi thường thiệt hại. Nếu bên thuê gây tai nạn, làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác thì bên thuê phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Về việc quản lý dịch vụ thuê và cho thuê xe ô tô tự lái, trong Luật Đường bộ năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đã bổ sung quy định về dịch vụ cho thuê phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đây là cơ sở quan trọng để ban hành các quy định chi tiết hơn nhằm quản lý, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê, người đi thuê phương tiện, từ đó bảo vệ được quyền lợi các bên liên quan.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dich-vu-thue-va-cho-thue-xe-o-to-tu-lai-doi-hoi-quan-ly-chat-che-hon-674698.html