Dịch vụ tiện ích trong trường học: Gỡ rào cản, nâng chất lượng
Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo, các trường đại học đang nỗ lực nâng cao dịch vụ phục vụ SV… bằng nội lực bên trong hoặc liên kết với các đối tác bên ngoài.
Tuy nhiên, để có những mô hình, dịch vụ tốt là điều không đơn giản, nhiều đơn vị phải vượt qua một số trở ngại cùng những quy định chặt chẽ.
Mang đến nhiều tiện ích cho SV
SV, GV Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM rất tự hào về Cửa hàng tiện ích sinh viên UniMart do Đoàn Thanh niên trường thành lập và quản lý từ năm 2014.
Theo ThS Nguyễn Đăng Quang - Bí thư Đoàn trường IU, vốn đầu tư ban đầu của UniMart khoảng 200 triệu với các dịch vụ cơ bản. Đây là nơi cung cấp các tiện ích, hỗ trợ cho nhu cầu học tập hàng ngày của SV cũng như cán bộ (CB), GV như photocopy, in ấn tài liệu học, bài thuyết trình, báo cáo môn học, văn phòng phẩm các loại...
“Cửa hàng tiện ích sinh viên Unimart cũng là nơi cung cấp việc làm thêm ngay tại trường cho sinh viên. Các bạn có thể sắp xếp giờ học và đăng ký ca làm hợp lý. SV nhà trường vì thế vừa làm thêm mà vẫn có thời gian cho việc tự học…” - Bí thư Đoàn trường IU chia sẻ.
Để hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập tại trường, ngoài hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cũng cung cấp nhiều dịch vụ bổ trợ cho sinh viên. Bên cạnh khu ký túc xá trong trường có số lượng gần 3.000 chỗ, IUH cung cấp thêm các tiện ích đi kèm như căng tin hiện đại, phòng tập gym, siêu thị mini… Ngoài ra, IUH còn cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý cũng như giải đáp các thắc mắc cho sinh viên tại Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ sinh viên trường.
“Với hệ thống phòng thí nghiệm được đầu tư trang thiết bị hiện đại như Viện Sinh học Thực phẩm, Khoa Công nghệ Hóa, Phòng máy tính của Khoa Công nghệ thông tin, Nhà máy 4.0 của Khoa Công nghệ Cơ khí… nhà trường đủ sức cung ứng các dịch vụ cho doanh nghiệp bên ngoài. Tuy nhiên hiện các dịch vụ này đều mang tính hỗ trợ doanh nghiệp chứ chưa được thương mại hóa” – bà Nguyễn Thị Thương - Giám đốc Trung tâm Thông tin & Truyền thông IUH cho biết.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Mang lại mô hình, dịch vụ để phục vụ SV, GV là hướng đi tốt nhưng thực tế một số cơ sở GDĐH công lập đang gặp phải vướng mắc, nhất là khi đụng đến quy định chặt chẽ liên quan đến sử dụng tài sản công.
Thời gian qua, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) nổi bật với những thành công trong quá trình thực hiện hoạt động theo mô hình tự chủ ĐH. Bên cạnh những thành quả về chất lượng trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, chất lượng các dịch vụ trong trường cũng gia tăng đáng kể.
Theo bà Nguyễn Phương Thúy - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ sinh viên HCMUTE, dịch vụ trong trường chia làm 2 dạng: Cho thuê tài sản ngắn ngày và cho thuê tài sản dài ngày để phục vụ CB, viên chức và SV. Cho thuê tài sản ngắn ngày áp dụng theo hình thức trực tiếp, thời hạn cho thuê dưới 15 ngày hoặc từ 15 ngày trở lên nhưng không liên tục (thuê hội trường, phòng học, sân bãi, quảng cáo...). Cho thuê tài sản dài ngày là các dịch vụ như: Cho thuê mặt bằng làm bãi giữ xe, căng tin, quán cà phê, photo, máy bán nước tự động, cây ATM…
Sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê tài sản dài ngày, nhà trường phải lập đề án và được Bộ GD&ĐT phê duyệt sau đó thẩm định giá tài sản rồi tiến hành tổ chức đấu giá và ký hợp đồng cho thuê mặt bằng. Vì nhà trường không có chức năng thẩm định và tổ chức đấu giá nên các bước này phải thuê đơn vị chuyên nghiệp thực hiện. Quy trình thực hiện mất nhiều thời gian, nhưng khi triển khai không có đơn vị nộp hồ sơ sẽ gây lãng phí. Chưa kể có đơn vị đã trúng đấu giá nhưng do dịch bệnh dẫn tới kinh doanh không hiệu quả phải kết thúc hợp đồng sớm. Khi đó để tiếp tục có dịch vụ phục vụ CB, viên chức, SV dù nhỏ, trường vẫn phải thực hiện lại toàn bộ quy trình (thẩm định, đấu giá…) để cho đơn vị mới thuê nên thủ tục rất rườm rà, lãng phí, mất thời gian.
“Chẳng hạn để phủ sóng di động cho tòa nhà trung tâm với diện tích khoảng 36.000 m2, nhà trường phải mời các nhà mạng tham gia đấu giá thuê mặt bằng để thực hiện đầu tư hệ thống IBS indoor hoặc BTS Ourdoor. Tuy nhiên nếu thực hiện đúng quy định với thời gian cho thuê là 5 năm, các đơn vị không thể đầu tư thực hiện được trong khi tòa nhà của trường thì không thể không có sóng...” - bà Nguyễn Phương Thúy chia sẻ.
Cũng theo bà Thúy, các thuật ngữ trong một số Quyết định phê duyệt của cơ quan cấp trên cũng khiến nhà trường đau đầu. Chẳng hạn quyết định về thời gian cho thuê khai thác dịch vụ được ghi: “Thời gian cho thuê theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng” mà thực tế khi quyết định được phê duyệt, nhiệm kỳ của hiệu trưởng đương nhiệm còn khoảng 1 năm là kết thúc. Nhà trường cũng không biết nên hiểu nhiệm kỳ còn lại theo hiệu trưởng đương nhiệm hay nhiệm kỳ theo quy định là 5 năm.
Nhanh chóng, linh động để có chất lượng dịch vụ tốt nhất cho sinh viên trong một số trường hợp đặc biệt, nhưng nếu không đúng quy trình, nhà trường cũng sẽ bị tố. Như ở HCMUTE, do ảnh hưởng dịch Covid-19, sinh viên hạn chế đi phương tiện công cộng, sử dụng phương tiện cá nhân nhiều hơn. Để bảo đảm an toàn và tránh ùn tắc tại lối vào nhà xe, nhà trường dùng bãi đất trống và yêu cầu nhà thầu hỗ trợ trông giữ xe cho sinh viên. Tuy nhiên, khi triển khai bị tố là làm lợi cho nhà thầu, vi phạm quy định.
Thực tế để thực hiện đúng quy định, chúng tôi phải triển khai xây dựng đề án đợi phê duyệt và thẩm định, đấu giá, thêm những thủ tục khác đi kèm… Nhưng nếu nhà trường không linh hoạt xử lý ngay, sinh viên phải đi tìm chỗ gửi xe bên ngoài không an toàn, mất thời gian và gây ra nhiều bức xúc. - Bà Nguyễn Phương Thúy