Dịch vụ vận tải chật vật trong bão dịch
Cắt giảm lương lãnh đạo tới 40%, nhân viên nghỉ luân phiên, tìm kiếm nguồn hàng mới, giảm giá vé 50%…. đó là hàng loạt giải pháp mà các doanh nghiệp vận tải áp dụng để tồn tại trong 'bão Covid -19'.
Xoay xở trong mùa dịch
Các hãng hàng không vẫn là đối tượng chịu nhiều hệ lụy nhất từ “bão Covid -19”, tính từ đầu tháng 1-2020 đến cuối tháng 2/2020, số tiền thiệt hại đã lên tới hơn 30.000 tỷ đồng. Các hãng buộc phải đưa ra nhiều giải pháp cắt giảm để xoay xở trong mùa dịch. Như trường hợp Vietnam Airlines, phải đưa nhân viên tại các văn phòng đại diện ở nước ngoài về nước và chỉ duy trì số lượng nhân viên tối thiểu đảm bảo cho việc khai thác. Đối với một số đường bay quốc tế trước đây khai thác bằng máy bay lớn Boeing 787 và Airbus 350, nay do lượng khách ít nên chỉ sử dụng máy bay tầm trung là Airbus 321.
Về chế độ chính sách, Vietnam Airlines cho phi công người nước ngoài nghỉ không lương khoảng 2 tuần. Đối với người lao động Việt Nam tại nước ngoài nghỉ khoảng 2 tuần đến 1 tháng. Đối với lãnh đạo cấp cao trong hội đồng quản trị, lãnh đạo tổng công ty sẽ giảm lương 40%; giám đốc các chi nhánh giảm 30%; cấp trưởng phòng giảm 20%, riêng đối với nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên. Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, mục tiêu của hãng bây giờ không phải là lợi nhuận mà làm sao để tồn tại được trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.
Hãng Jetstar Pacific cũng thực hiện giảm lương 40% đối với Tổng giám đốc; các phó tổng giám đốc và kế toán trưởng giảm 30% lương. Thời gian áp dụng từ tháng 3 đến tháng 5/2020. Còn hãng bay tư nhân Vietjet cũng điều chỉnh kế hoạch khai thác các đường bay với quy mô lớn. Doanh nghiệp này cũng tạm thời giảm lương của ban giám đốc 25%; các phó giám đốc giảm 20%; trưởng phòng giảm 10%; Đối tượng nhân viên thu nhập dưới 10 triệu hoặc ở vùng dịch sẽ không bị giảm lương…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải ô tô cũng đang phải vật lộn để tồn tại, nhiều doanh nghiệp phải giảm lương, cho nhân viên nghỉ luân phiên. Nhất là các doanh nghiệp kinh doanh taxi, giảm đến 50% doanh thu. Ngày 20/3, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết vừa có văn bản báo cáo đề xuất UBND Thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính phương án điều chỉnh cắt giảm 900 lượt xe buýt/ngày đối với 28 tuyến buýt (tương đương giảm 21,3% số lượt xe), thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 22/3.
Không chỉ vận tải đường bộ mà đường sắt cũng lao đao và chật vật để tồn tại. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải giảm 50% giá vé để “kéo” khách đi tàu. Đồng thời, tăng cường tìm các nguồn hàng mới như than, xi măng để vận chuyển nhằm bù đắp thiếu hụt doanh thu ở mảng vận tải hành khách.
Với vận tải biển, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp dịch vụ logistics bị thiệt hại từ 15 - 60% doanh thu do nhiều đơn hàng vận chuyển hủy, hoãn không xác định thời gian nối lại.
Bộ chủ quản tìm giải pháp hỗ trợ
Trước tình hình “bão” Covid- 19 gây khó khăn chồng chất cho các DN vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp giao thông vượt khó. Như gói chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có thể coi là sự chia sẻ, động viên kịp thời của cơ quan quản lý chuyên ngành trong bối cảnh những con số về tổn thất doanh thu, thua lỗ bởi dịch bệnh đang tàn phá các bản báo cáo tài chính của nhiều hãng bay, hãng vận tải.
Đặc biệt, trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép được áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn kiến nghị: Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Không chỉ hỗ trợ cho các hãng hàng không, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận áp dụng mức giảm thuế VAT cho phương thức vận tải container bằng đường thủy từ 10% xuống 5%, qua đó tạo tính cạnh tranh cho loại hình dịch vụ vận tải bằng đường thủy.
Trước khó khăn của các DN vận tải, giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Các cơ quản quản lý Nhà nước cần có sự nghiên cứu, tính toán thiệt hại của các DN có các giải pháp hỗ trợ để các hãng có thêm thời gian và nguồn lực vực lại hoạt động sau đại dịch.