Dịch vụ viễn thông xuyên biên giới phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam
Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, chiều 12/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Quản lý các dịch vụ viễn thông theo pháp luật chung
Trình bày Tờ trình dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số; huy động các thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia…
Dự thảo luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo nguyên tắc: phân loại dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng trên cơ sở tham khảo định nghĩa dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng của WTO, tham khảo cách phân loại dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng của một số nước và quản lý các dịch vụ này theo pháp luật chung về viễn thông; quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Để đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cho người sử dụng, Nhà nước quản lý chặt chẽ thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật về hạ tầng, chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin, an ninh mạng... và các quy định về bảo vệ dữ liệu theo Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và pháp luật có liên quan…
Dự thảo Luật bổ sung quy định quản lý việc cung cấp dịch vụ viễn thông (trong đó có dịch vụ vệ tinh) xuyên biên giới vào Việt Nam theo nguyên tắc: Nội luật hóa cam kết quốc tế: việc cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam; Đảm bảo an toàn, an ninh khi cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới thông qua các yêu cầu kỹ thuật.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông theo nguyên tắc kết hợp giữa pháp luật quản lý cạnh tranh chung và pháp luật chuyên ngành viễn thông để thúc đẩy phát triển thị trường bán buôn.
Cùng với đó, dự thảo Luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet trong viễn thông theo nguyên tắc: phân loại dịch vụ dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng và quản lý theo khung pháp luật chung về viễn thông; quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…
Đề nghị báo cáo, bổ sung thêm thông tin vào trong hồ sơ
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định: Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, bổ sung thêm thông tin vào trong hồ sơ trình để làm nổi bật được sự cần thiết phải sửa đổi Luật Viễn thông một cách toàn diện. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)...
Về cơ bản, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu; điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT- Over The Top) vì phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng.
Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (Điều 34), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nên tiếp tục duy trì Quỹ theo như đề nghị tại Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, dự thảo Luật cần cân nhắc để luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua liên quan đến nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể và tăng tính hiệu quả. Các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ cần rà soát, hoàn thiện để phù hợp với mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông “công ích” và pháp luật về ngân sách nhà nước.
Về kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (Chương V), qua nghiên cứu, khảo sát, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc từ khâu quy hoạch cho đến tổ chức thực hiện (nhất là vấn đề đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung).
Do đó, một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung tại Điều 68 (Quản lý công trình viễn thông) quy định quy trình phê duyệt khi doanh nghiệp sở hữu hạ tầng dùng chung thay đổi đơn giá cho thuê (tăng so với đơn giá hiện tại) cần phải được sự phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền…