Dịch vụ xin nghỉ việc 'cứu' nhiều nhân viên ở Nhật Bản
Tại Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng về lòng trung thành với công ty và việc làm trọn đời, những người nhảy việc thường bị coi là những kẻ bỏ cuộc. Và điều đó cũng đáng xấu hổ.
Nếu gặp khó khăn, hãy tìm đến taishoku daiko, hay "đại lý nghỉ việc". Hàng chục dịch vụ như vậy đã mọc lên trong những năm gần đây để giúp đỡ những người chỉ đơn giản là muốn nghỉ việc.
Ông Yoshihito Hasegawa, người đứng đầu công ty TRK sở hữu dịch vụ xin nghỉ việc Guardian, cho hay việc người lao dộng rời khỏi công ty cũng giống như một cuộc ly hôn nhiều lộn xộn. Năm ngoái, Guardian đã tư vấn cho 13.000 người về cách nghỉ việc mà ít rắc rối nhất.
Ông cho biết mọi người thường có xu hướng bám trụ với công việc ngay cả khi họ không hài lòng. Ông cảm thấy họ như thể đang “cảm tử” hy sinh bản thân mình vì điều tốt đẹp hơn, giống như các phi công lái máy bay cảm tử thời chiến tranh thế giới.
“Đó là cách mọi thứ diễn ra, giống như cách những người trẻ tuổi được dạy dỗ để tôn trọng người lớn tuổi hơn. Bỏ cuộc sẽ là một sự phản bội”, ông nhận xét.
Được thành lập năm 2020, dịch vụ taishoku daiko của Guardian đã giúp nhiều người, chủ yếu ở độ tuổi 20 và 30, thoát khỏi công việc mà họ muốn từ bỏ theo cách nhẹ nhàng hơn. Khách hàng của Guardian là những người từng làm việc trong đền thờ Thần đạo, văn phòng nha sĩ và công ty luật cho đến nhân viên cửa hàng tiện lợi và nhà hàng.
Gần một nửa khách hàng của Guardian là phụ nữ. Một số người đã nhận việc vài ngày và sau đó phát hiện ra những lời hứa về tiền lương hoặc số giờ làm đều sai sự thật.
Guardian tính phí dịch vụ là 29.800 yên (khoảng 5 triệu đồng) và đại diện cho người lao động đó trong ba tháng. Trong nhiều trường hợp, các ông chủ có tiếng nói rất lớn về cách thức điều hành và đôi khi chỉ đơn giản là từ chối đồng ý cho nhân viên nghỉ việc, đặc biệt là khi nhiều nơi bị thiếu nhân sự, do tình trạng thiếu lao động kinh niên của Nhật Bản.
Luật pháp Nhật Bản về cơ bản đảm bảo cho mọi người quyền nghỉ việc, nhưng một số nhà tuyển dụng đã quen với hệ thống phân cấp kiểu cũ nên không thể chấp nhận việc người mà họ đã bỏ công đào tạo lại muốn bỏ việc. Áp lực “tham công tiếc việc” của những người theo chủ nghĩa tuân thủ trong văn hóa Nhật Bản rất nặng nề. Người lao động không muốn bị coi là kẻ gây rối, không muốn đặt câu hỏi với chính quyền và có thể ngại lên tiếng. Họ có thể sợ bị quấy rối sau khi nghỉ việc. Một số lại lo lắng về ý kiến từ gia đình hoặc bạn bè.
Hầu hết khách hàng của Guardian muốn được giấu tên, nhưng cũng có người không ngần ngại công khai danh tính. Một thanh niên có tài khoản mạng xã hội tên là Twichan đã tìm đến xin giúp đỡ sau khi anh này bị chỉ trích về thành tích bán hàng và trở nên chán nản đến mức nghĩ đến việc tự sát. Với sự giúp đỡ của Guardian, thanh niên này đã có thể xin nghỉ việc sau 45 phút.
Hay như trường hợp của Taku Yamazaki, người đã đến một taishoku daiko khác, cho biết anh từng làm tại công ty con của một nhà cung cấp công nghệ thông tin lớn. Anh hiểu rõ việc dừng công tác ở đây sẽ phức tạp và tốn thời gian vì anh đang làm rất tốt.
“Tôi cảm thấy rất biết ơn đối với nơi tôi sắp rời đi, nhưng tôi muốn được bước tiếp về mặt tinh thần và tiến về phía trước càng sớm càng tốt”, anh tâm sự.
Khi mọi người điền vào biểu mẫu trực tuyến taishoku daiko, câu trả lời tự động sẽ được đưa ra trong vòng vài phút. Các câu trả lời cá nhân hơn sẽ có trong vòng một ngày làm việc.
Luật sư Akiko Ozawa, người sở hữu công ty luật tư vấn cho những người nghỉ việc, thừa nhận có thể khó tin rằng mọi người không thể thu dọn đồ đạc và rời đi theo ý muốn.
Bà Ozawa, người đã viết một cuốn sách về taishoku daiko, cho biết thay đổi công việc là một thách thức lớn ở Nhật Bản đòi hỏi sự can đảm to lớn. Với tình trạng thiếu lao động ở Nhật Bản, việc tìm kiếm và đào tạo người thay thế rất khó khăn và các ông chủ đôi khi nổi giận khi ai đó xin từ chức.
“Chừng nào tư duy này còn tồn tại, nhu cầu đối với dịch vụ của tôi sẽ không biến mất. Nếu bạn không hài lòng với công việc đến mức bắt đầu cảm thấy ốm yếu, thì bạn nên đưa ra lựa chọn đó để kiểm soát cuộc sống của chính mình”, nữ luật sư nhấn mạnh. Bà tính phí 65.000 yên (hơn 10 triệu đồng) để tư vấn luật cho người lao động.
Một dịch vụ bỏ việc khác là Albatross, cung cấp gói hỗ trợ “MoMuri” với ý nghĩa là “không thể chịu đựng được nữa”, tính phí 22.000 yên cho những người làm việc toàn thời gian và 12.000 yên cho những nhân viên bán thời gian.
Người sáng lập Albatross Shinji Tanimoto cho biết các vấn đề tại nơi làm việc đã tồn tại từ lâu, nhưng giờ đây mọi người nhận ra rằng họ có thể nhận trợ giúp trực tuyến để giải thoát họ khỏi nỗi áp lực.
Một người muốn nghỉ việc tại một tiệm chăm sóc thú cưng vì người làm ở đây vẫn bí mật đánh đập những con vật này. Một người khác lại muốn nghỉ việc ở phòng khám nha khoa nơi nhân viên không thay găng tay mới cho mỗi bệnh nhân. Ông nói, nhiều phụ nữ làm y tá hoặc người chăm sóc được yêu cầu làm tiếp cho đến khi tìm được người thay thế, nhưng cuối cùng vẫn còn làm công việc này mãi tận một năm sau đó.
Toshiyuki Niino thành lập Exit - công ty dẫn đầu trong lĩnh vực taishoku daiko - vào năm 2018, sau khi gặp phải một ông chủ liên tục quát mắng mình. Một người khác thậm chí từng dọa giết anh này.
Anh đã bỏ cả hai công việc trên và nhận thấy một cơ hội để khởi nghiệp với niềm tự hào. Với phí 20.000 yên và sau 15 phút, Exit có thể chuyển đơn nghỉ việc đến công ty của khách hàng.
Niino đã đổ lỗi cho hệ thống giáo dục Nhật Bản vì đã đào tạo ra những người lao động “ngoan ngoãn” nhưng không thể khẳng định bản thân.
Anh đang nghĩ đến việc phân nhánh dịch vụ để bao gồm cả gói tư vấn sức khỏe tâm thần, giới thiệu việc làm và có lẽ là mở rộng ra thị trường nước ngoài.