Dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe phụ nữ bị phân biệt giới tính ở Ấn Độ
Một nghiên cứu mới được các chuyên gia Ấn Độ và trường Đại học Harvard, Mỹ công bố cho thấy, phân biệt giới tính đã tác động tiêu cực đến sức khỏe của phụ nữ ở Ấn Độ. Định kiến giới cũng là nguyên nhân ngăn phụ nữ lên tiếng về các vấn đề sức khỏe của họ.
Phụ nữ ít được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Các chuyên gia của Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ (AIIMS), Viện Thống kê Ấn Độ, Hội đồng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng và trường Đại học Harvard (Mỹ) đã nghiên cứu hồ sơ của 2.377.028 bệnh nhân ngoại trú đến bệnh viện thuộc AIIMS từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2016. Các chuyên gia cho biết, chỉ 37% phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe so với 67% nam giới.
Bệnh viện thuộc AIIMS là một trong những bệnh viện lớn nhất ở châu Á, cung cấp nhiều dịch vụ điều trị chuyên môn cao. Bệnh viện này điều trị cho hơn 2 triệu bệnh nhân mỗi năm, khoảng 90% bệnh nhân này đến từ bốn bang là Bihar, Haryana, Uttar Pradesh và Delhi với tổng dân số hơn 390 triệu người.
Nghiên cứu cho thấy, độ tuổi là một yếu tố quyết định khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của phụ nữ. So với nam giới, tỷ lệ nữ trong độ tuổi từ 31-44 và 45-59 được tiếp cận các dịch vụ y tế là 1/1,5. Tỷ lệ này trong độ tuổi từ 19-30 là 1/2,02. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ giới sống ở các bang xa xôi như Bihar hay Uttar Pradesh được điều trị y tế thấp hơn so với New Delhi - nơi việc tiếp cận chăm sóc y tế dễ dàng hơn. Năm 2016, 84.926 phụ nữ từ Bihar đến thăm khám tại AIIMS so với hơn 200.000 đàn ông cùng tiểu bang. Ở New Delhi, số phụ nữ đến AIIMS là 480.000 người so với 660.000 nam giới. “Nghiên cứu cho thấy, chi phí phát sinh khi di chuyển có liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ. Phụ nữ sống ở những nơi xa trung tâm ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nói cách khác, gia đình sẽ không đưa phụ nữ đến bệnh viện chuyên khoa như AIIMS nếu phải chi nhiều tiền cho việc đi lại”, Giáo sư tim mạch Ambuj Roy, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Cần tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở tuyến cơ sở
“Đó là câu chuyện về sự thờ ơ với sức khỏe phụ nữ trên khắp Ấn Độ. Những gì đang diễn ra đòi hỏi phải tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở tuyến cơ sở để phụ nữ có điều kiện tiếp cận với nó”, Shamika Ravi, đồng tác giả của nghiên cứu và là thành viên của Hội đồng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói với phóng viên tờ DW (Đức).
Ranjana Kumari, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, đồng thời là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội ở New Delhi nhận định, phân biệt giới tính ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ. “Sức khỏe phụ nữ không phải là ưu tiên hàng đầu ở nước ta. Không ai muốn đầu tư vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Phụ nữ cũng thường im lặng về các vấn đề sức khỏe của mình”, Ranjana Kumari nói và nhấn mạnh sự thiếu hụt bác sĩ là một vấn đề rất đáng quan tâm ở Ấn Độ hiện nay. Theo “Hồ sơ sức khỏe quốc gia 2018”, tỷ lệ bác sĩ/số dân ở Ấn Độ là 1/11.082 người, cao gấp 11 lần so với tiêu chuẩn của WHO là 1/1.000 người. 75% cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ có trụ sở tại các khu vực đô thị. “Hệ thống y tế ở vùng nông thôn đang bị bỏ ngỏ. Một số lượng lớn bác sĩ không sẵn sàng làm việc ở khu vực xa xôi vì thu nhập thấp. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe được điều hành bởi công ty tư nhân, giá dịch vụ quá đắt so với thu nhập trung bình của người nghèo và người đã nghỉ hưu”, Ranjana Kumari nói thêm.