Điểm 10 đỏ rực học bạ: Tiến hóa hay thoái hóa?
Học tới 13 môn một học kỳ, nhưng sao học sinh vẫn có thể đạt điểm 9 điểm 10 hầu hết các môn?
Tôi vừa đọc báo thấy danh sách học sinh thi vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, thấy học lực nhiều thí sinh kinh khủng quá: Toàn điểm 10.
Tôi tự hỏi chả nhẽ bây giờ trẻ giỏi vậy sao? Sao đi học mà lại được toàn điểm 10 vậy? Điểm 10 ở Việt Nam bây giờ dễ đạt đến thế sao?
Những câu hỏi trên cứ ám ảnh tôi, nhắc lại một thời đạt điểm 8 đã là quá khó và điểm 10 thì gần như hiếm hoi.
Thời xưa, đi học nếu được 8 điểm là lòng vui như mở hội. Thầy cô ngày ấy khắt khe lắm, làm gì có bài văn nào đạt điểm 9, điểm 10 đơn giản đâu. Nếu có đạt điểm 9, điểm 10 môn toán thì cũng không phải là khó, vì điểm toán có thể lượng hóa được, còn điểm các môn khác thì khá khắt khe.
Cuối năm, tổng kết điểm giỏi là 8.0 là cao lắm rồi. Như thế là mãn nguyện lắm! Trò vui và cha mẹ cũng vui. Hiếm hoi lắm, trong trường mới có bạn đạt điểm 9.0 trở lên; những bạn ấy thường là niềm tự hào của cả trường.
Điểm ở đại học cũng vậy. Làm gì có ai đạt điểm tối đa đâu. Cùng lắm, chỉ có luận văn mới được điểm 9, điểm 10 vì luận văn thể hiện cả một công phu nỗ lực của sinh viên nên thầy cô chấm mang tính động viên và ghi nhận.
Còn bây giờ sao? Hình như trẻ em đi học đạt điểm 9 là vẫn còn kém, phải điểm 10 thì mới là giỏi giang. Cháu nào cũng 9.0 hay 9.5, đặc biệt là các trường chuyên, trường điểm.
Hình như các thầy cô ban phát điểm quá hào phóng! Bố mẹ thấy con đạt học giỏi còn chưa hài lòng mà phải xuất sắc mới bõ công ăn học.
Theo thiển ý chủ quan của tôi, hiện tượng lạm phát điểm bắt đầu xuất hiện khoảng 15 năm trở lại đây. Điểm 10 đỏ rực học bạ.
Việt Nam theo hệ thang điểm phổ thông từ 0-10. Trong thang điểm này, ngày trước đạt đến nấc 8 là rất giỏi rồi, chạm tới nấc 9 là xuất sắc, còn nấc 10 là hiếm hoi. Thế mà nay, không cứ ở bậc tiểu học, mà ở các bậc học cao hơn nữa, điểm 8 đã thành bình thường, được 9 cũng còn chưa toại nguyện, phải nở rộ điểm 10 mới thấy giỏi giang.
Có phải "con cháu chúng ta thời nay đã giỏi quá", do các cháu được nuôi nấng, sinh trưởng trong điều kiện đầy đủ; các gia đình có ít con nên hầu như ai cũng có điều kiện đầu tư cho việc học, nên thế hệ trẻ em bây giờ giỏi giang hơn xưa?
Hay do cách nhà trường đang thay đổi đánh giá, xếp loại học sinh. Mấy năm trước, chúng ta thường nghe đến việc đánh giá, nhận xét bằng lời dành cho trẻ tiểu học, tháo "ách" áp lực điểm số. Có phải vì thế nên việc cho điểm học sinh cũng thoáng hơn chăng?
Tôi xin kể với bạn đọc một câu chuyện này. Trong thư gửi các trường đại học Hoa Kỳ, cố vấn giáo dục của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) Patty Esposito đã nói rằng ở Việt Nam sinh viên đạt điểm 7.5 trở lên đã là thuộc top 2% trong khối rồi. Còn điểm 10 chỉ là một đường tiệm cận không báo giờ đạt tới (unattainable assymptote).
Nói như thế để thấy IIE đã tôn trọng sự khắt khe điểm giả của VN đến như thế nào. Và sự khắt khe đó hiện vẫn còn được duy trì ở các trường đại học, nhưng có lẽ đã mềm đi rất nhiều ở các cấp học dưới.
Vì sao IIE lại nhắc các trường bên Hoa Kỳ như vậy là vì đạt điểm A ở Mỹ dễ hơn điểm 10 ở VN rất nhiều.
Nếu như học sinh VN phải làm đúng 100% bài thi mới được 10 thì học sinh Mỹ chỉ cần đạt điểm số trên điểm trung bình một vài điểm là có thể được điểm A tùy vào độ khó của bài kiểm tra và tiêu chuẩn của mỗi thầy cô. Điều này cho thấy ở Mỹ điểm A không đại biểu cho sự hoàn hảo.
Nhìn vào bảng điểm một học sinh ở Mỹ người ta có thể tin tưởng điểm A là điểm thật và học sinh đó biết học.
Nhưng điểm 10 ở VN là hoàn hảo và dễ gây hiểu lầm đó là một học sinh xuất sắc và toàn diện.
VN nổi tiếng học nặng. Cấp 2, cấp 3 có lẽ học tới 13 môn một học kỳ, nhưng sao học sinh vẫn có thể đạt điểm 9 điểm 10 hầu hết các môn? Thần kỳ!
Một vấn đề nữa là trong số các trường cấp 3 mà tôi biết ở Hà Nội thì không phải tất cả đều "lạm phát" điểm. Có nhiều trường vẫn rất khắt khe, nhưng một số trường thì rất dễ.
Điều này dẫn tới một sự bất công khi học sinh nộp hồ sơ du học vì các em đến từ trường khắt khe, bắt học đều, học thật có thể chịu thiệt thòi hơn.
Nhưng vấn đề đặt ra là điểm 10 có thực sự đại diện cho học lực thực tế của học sinh hay không?
Có ai trả lời được câu hỏi này không? Nên chăng đã đến lúc chúng ta đưa điểm số về đúng chức năng đánh giá học lực thật của học sinh?
Giang Nguyễn (tốt nghiệp ĐH Cornell, ĐH Luật Boston, Giám đốc The Ivy-League Vietnam)
Ý kiến của bạn về các vấn đề tác giả đặt ra, xin gửi email theo địa chỉ: banbandoc@vietnamnet.vn. Trân trọng
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/hoi-am/noi-lo-diem-10-do-ruc-hoc-ba-650953.html