Điểm bán hàng Việt Nam ưu tiên bố trí đặt tại vùng sâu, vùng xa

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp khi tổ chức, xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam đã ưu tiên bố trí đặt tại vùng sâu, vùng xa hoặc khu công nghiệp.

Nhằm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình điểm bán hàng Việt Nam. Nhờ đó, các điểm bán hàng này trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều người dân và là một trong những kênh quan trọng trong việc phân phối, đưa hàng hóa Việt chất lượng đến với người tiêu dùng.

 Điểm bán hàng Việt Nam ưu tiên bố trí đặt tại vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: Moit)

Điểm bán hàng Việt Nam ưu tiên bố trí đặt tại vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: Moit)

Cho đến nay, Điểm bán hàng Việt Nam được đánh giá là một điểm phát luồng hàng hóa trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch. Các điểm này gắn kết một cách phù hợp việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Chương trình bình ổn thị trường, an toàn thực phẩm và các chương trình khác tại địa phương.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp khi tổ chức, xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam đã ưu tiên bố trí đặt tại vùng sâu, vùng xa hoặc khu công nghiệp; khu vực mà hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu tại chỗ vẫn còn mỏng, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng với giá bán cạnh tranh.

Tiêu chí hàng đầu là hàng hóa được bày bán tại Điểm bán hàng Việt Nam phải đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm... được thực hiện dưới sự giám sát của Sở Công Thương.

Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tất cả các điểm bán hàng Việt Nam đều đã tăng doanh thu lên 10-15% sau khi được hỗ trợ.

Để tổ chức thành công các Điểm bán hàng Việt Nam, luôn có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa Sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và đoàn thể xã hội.

Điểm bán hàng đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế gặp gỡ, liên kết hợp tác đầu tư, khai thác vùng nguyên liệu, phát triển kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và là tiền đề để các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư dây chuyền máy móc theo công nghệ hiện đại, thiết lập mối kinh doanh, sản xuất tại thị trường miền núi.

Riêng tại khu vực miền núi, vùng cao, các Điểm bán hàng Việt Nam đã phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tại chỗ cho người dân. Tại đây, người dân tham quan, tiếp cận mua sắm những mặt hàng Việt Nam sản xuất với chất lượng cao, giá cả phù hợp, góp phần bình ổn thị trường nông thôn, miền núi.

Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng ngoại nhập và đưa ra lựa chọn đúng đắn, phù hợp.

Hàng Việt đến với đồng bào vùng cao, miền núi thông qua các Điểm bán hàng Việt Nam đã góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng nơi đây, từ đó, nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân trên địa bàn về chất lượng hàng hóa, tạo cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sức lan tỏa của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/diem-ban-hang-viet-nam-uu-tien-bo-tri-dat-tai-vung-sau-vung-xa-post269955.html