Điểm báo 12/8: Sôi động đấu giá đất ở Hà Nội: Nắm bắt cơ hội, phòng ngừa rủi ro
Sôi động đấu giá đất ở Hà Nội: Nắm bắt cơ hội, phòng ngừa rủi ro; Khai thác 'mỏ vàng' ẩm thực; Hãy nên coi xăng là hàng thiết yếu; Tập trung cao độ gỡ thẻ vàng IUU;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 12/8.
SÔI ĐỘNG ĐẤU GIÁ ĐẤT Ở HÀ NỘI: NẮM BẮT CƠ HỘI, PHÒNG NGỪA RỦI RO
Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác đấu giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội chứng kiến sự sôi động trở lại. Các phiên đấu giá đất trong tháng 7, 8 thu hút đông đảo khách hàng tham gia, có khu vực giá đấu trúng tăng gần chục lần so với giá khởi điểm. Báo Xây dựng có bài viết “Sôi động đấu giá đất ở Hà Nội: Nắm bắt cơ hội, phòng ngừa rủi ro”.
Trong những tháng đầu năm, các phiên đấu giá đất trên địa bàn thành phố không ghi nhận trường hợp khách hàng bỏ cọc. Tuy nhiên, hơn một tháng trở lại đây, có những lô đất được đấu giá với mức cao gấp gần 10 lần so với mặt bằng chung, gây lo ngại cho nhiều nhà đầu tư. Theo báo Xây dựng, Việc giá đất tăng mạnh trong một số phiên gần đây là tín hiệu tích cực của thị trường, tuy nhiên, cũng cho thấy nguồn cung đang khan hiếm. Để ổn định thị trường, gia tăng nguồn cung, các sở, ngành, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá đất.
KHAI THÁC “MỎ VÀNG” ẨM THỰC
Những năm gần đây, thành phố Hải Phòng trở thành điểm đến phổ biến với giới trẻ yêu thích ẩm thực. Kể từ khi Sở Du lịch Hải Phòng giới thiệu Foodtour Hải Phòng, nó đã trở thành trào lưu bùng nổ trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng không chỉ Hải Phòng, mà thời gian gần đây nhiều địa phương đã nhanh nhạy nắm bắt lợi thế, chọn ẩm thực để kích cầu du lịch...Bài viết trên báo Đại đoàn kết.
Lạng Sơn, Ninh Hòa là những địa phương đang dần triển khai mô hình foodtour tương tự Hải Phòng. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các tour đưa đón khách đến thành phố đều giới thiệu ẩm thực đặc sắc của các vùng miền. Thành phố có lợi thế là các món ăn đặc sắc đa dạng vùng miền trên cả nước đều hội tụ, tạo nên nguồn ẩm thực phong phú để thu hút khách du lịch. Theo Đại đoàn kết, Ẩm thực Việt được ví như một “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Theo khảo sát của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA), có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25 - 35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch. Tiềm năng, lợi thế là vậy, tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu những tour du lịch ẩm thực thực sự đặc sắc.
HÃY NÊN COI XĂNG LÀ HÀNG THIẾT YẾU
Nhiều năm nay, câu chuyện loại xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đã được các chuyên gia, DN, người dân đem ra mổ xẻ, bàn luận nhiều lần. Bởi đây là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến đầu vào trong sản xuất, kinh doanh. Vấn đề này giờ đây lại tiếp tục nóng lên khi Bộ Tài chính sửa luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.
Theo Kinh tế và đô thị, Góp ý cho dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều bộ, ngành cũng đề nghị bỏ xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thay vào đó, điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này cho phù hợp với mục tiêu đề ra. Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính đánh giá toàn diện hơn. Bộ Tư pháp lập luận rằng, Xăng hiện nay không phải mặt hàng xa xỉ nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ trùng mục tiêu với thuế bảo vệ môi trường đang áp lên mặt hàng này. Cơ quan quản lý có thể điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp.
TẬP TRUNG CAO ĐỘ GỠ THẺ VÀNG IUU
Chưa đầy 3 tháng nữa, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thanh tra lần thứ 5 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quyết định (IUU). Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ "thẻ vàng" khai thác thủy sản. Báo Đại biểu Nhân dân có bài viết “Tập trung cao độ gỡ thẻ vàng IUU”.
Thời điểm này, các tỉnh, thành phố ven biển đang tập trung cao độ, quyết liệt triển khai các giải pháp để chống khai thác IUU. Theo báo Đại biểu Nhân dân, kiên quyết xử lý tàu cá "3 không" là mục tiêu của nhiều địa phương. Đặc biệt, các địa phương phối hợp quản lý việc ghi nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên biển theo đúng các khuyến nghị của EC. Bởi nếu không thực hiện nghiêm túc các quy định này, hành trình tháo gỡ “thẻ vàng”, giành “thẻ xanh” của Việt Nam sẽ càng khó khăn, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản cũng như uy tín, vị thế Việt Nam với quốc tế.