Điểm báo 13/11: Nhà đầu tư đổ tiền mua gom bất động sản vì lo sợ hàng loạt chính sách sẽ đẩy giá bất động sản tăng
Nhà đầu tư đổ tiền mua gom bất động sản vì lo sợ hàng loạt chính sách sẽ đẩy giá bất động sản tăng; Đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng; Xác định vùng phát thải thấp: Cần nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng; Thực trạng người trẻ thất nghiệp: Cần cái 'bắt tay' chặt... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 13/11.
NHÀ ĐẦU TƯ ĐỔ TIỀN MUA GOM BẤT ĐỘNG SẢN VÌ LO SỢ HÀNG LOẠT CHÍNH SÁCH SẼ ĐẨY GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN TĂNG
Không ít người mua ở thực và nhà đầu tư đang đẩy nhanh tốc độ quyết định mua nhà vì lo ngại giá sẽ tăng khi thị trường ngấm các chính sách từ các luật liên quan bất động sản có hiệu lực.
Hàng loạt những thông tin về chính sách đang có tác động mạnh đến tâm lý người mua nhà. Cụ thể, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực với các nội dung quan trọng như cấm phân lô bán nền, bỏ khung giá đất khiến nhà đầu tư lo lắng giá bất động sản sẽ tăng. Cùng với đó, mới đây Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất đánh thuế với bất động sản thứ hai hoặc bỏ hoang cũng tác động mạnh đến quyết định mua bất động sản của nhà đầu tư. Trước những tác động của chính sách, giá bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục tịnh tiến trong thời gian tới, thậm chí còn tăng mạnh nếu tình trạng khan hiếm nguồn cung không được cải thiện. Đây cũng là lý do khiến nhà đầu tư tăng tốc đi săn bất động sản, đặc biệt là các bất động sản thấp tầng xung quanh Thủ đô bởi theo quy luật sau mỗi khi chính sách có hiệu lực phân khúc thấp tầng sẽ là phân khúc có biến động giá mạnh nhất.
ĐẨY MẠNH ĐỊNH DANH CUỘC GỌI ĐỂ NGĂN NGỪA LỪA ĐẢO TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Định danh cuộc gọi, giúp người dân nhận diện các cuộc gọi chính thức từ các cơ quan Nhà nước, từ đó giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo... Thông tin chi tiết đăng tải trên báo VnEconomy.
Nếu người dân nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại có độ dài 10 chữ số (đầu số 03, 05, 07, 08, 09) mà tự xưng là cơ quan Nhà nước nhưng không hiển thị tên định danh, người dân cần cảnh giác và không nên thực hiện theo các yêu cầu từ cuộc gọi này. Đây là dấu hiệu của các cuộc gọi mạo danh nhằm mục đích lừa đảo. Bên cạnh số điện thoại di động, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực triển khai định danh cho các số điện thoại cố định được các cơ quan Nhà nước đăng ký. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, cần sự chuyển đổi từ công nghệ cũ (PTSN) sang công nghệ IP, cùng với việc nâng cấp thiết bị và đường truyền dẫn. Do đó, quá trình định danh cuộc gọi cho số điện thoại cố định sẽ cần thời gian để các doanh nghiệp viễn thông liên hệ tư vấn, thiết kế giải pháp, và thực hiện các thủ tục pháp lý với từng đơn vị.
XÁC ĐỊNH VÙNG PHÁT THẢI THẤP: CẦN NGHIÊN CỨU KỸ TRƯỚC KHI ÁP DỤNG
Mục tiêu xác định "vùng phát thải thấp" là rất đúng đắn. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi áp dụng.
Cụ thể, các chuyên gia nhận định, khí thải từ phương tiện giao thông hiện chiếm 70% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí. Hiện các phương tiện giao thông chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu. Quá trình phương tiện sử dụng loại nhiên liệu này hoạt động đã tạo nên nguồn phát thải chính gây ô nhiễm môi trường. Để thực hiện mục tiêu xác định “vùng phát thải thấp”, đầu tiên cần xác định chỉ số và tiêu chí đo lường khí thải từ các phương tiện giao thông. Tiếp đó, cần xây dựng hệ thống giám sát và quản lý khí thải, kèm theo các chế tài phù hợp.
THỰC TRẠNG NGƯỜI TRẺ THẤT NGHIỆP: CẦN CÁI “BẮT TAY” CHẶT
Đăng tải trên báo Giáo dục và Thời đại, có 2 nguyên nhân cơ bản gây thất nghiệp là thiếu hụt chỗ làm và sự không phù hợp giữa cơ cấu đào tạo và nhu cầu nhân lực. Trên thị trường lao động, nhiều người trẻ không tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn, năng lực và sở thích.
Theo tờ báo, hiện nhiều bạn trẻ sau khi ra trường không xác định được nhu cầu và năng lực của bản thân, “đứng núi này trông núi nọ” nên mãi vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với mình. Đa số đều gặp sự bất đồng về quan điểm nghề nghiệp, mức lương, chế độ đãi ngộ khiến một người đầy nhiệt huyết bỗng nản chí. Nếu giữa nhà trường và doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ sẽ giúp sinh viên, học sinh hiểu được thị trường lao động, có sự lựa chọn phù hợp hơn cho việc làm, phấn đấu để ổn định cho công việc lâu dài. Tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên sau ra trường sẽ giảm đáng kể. Việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả là giải pháp nhằm tăng cường gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo.