Điểm báo 4/9: Triển vọng phát triển các dự án nhà ở xã hội từ 'cú hích' chính sách

Triển vọng phát triển các dự án nhà ở xã hội từ 'cú hích' chính sách; Đề xuất dạy thêm thành ngành kinh doanh có điều kiện để tránh tiêu cực; Doanh nghiệp giữ chân nhân tài: Thách thức không nhỏ; Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân phải chờ lạm phát tăng cao?... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 4/9.

TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI TỪ “CÚ HÍCH” CHÍNH SÁCH

Thị trường nhà ở xã hội được nhận định đang có rất nhiều cơ hội phát triển khi các chính sách đang tác động tích cực tới thị trường, khi mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 100 hướng dẫn Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo bài viết trên báo điện tử VOV, theo Luật Nhà ở mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, chủ đầu tư không phải thực hiện thực hiện xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Các chính sách này sẽ tạo bước chuyển đáng kể, tạo “cú hích” quan trọng để phát triển các dự án nhà ở xã hội trong tương lai. Đặc biệt, nghị định mới ban hành rút ngắn quy trình thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội một cách đáng kể, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí khi triển khai dự án. Mặt khác, các thủ tục pháp lý về thuê mua nhà ở xã hội cũng đã có những quy định cởi mở hơn, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư và chính những người có nhu cầu tiếp cận với nhà ở xã hội thuận tiện hơn, dần hiện thực hóa mục tiêu phát triển các dự án nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động.

ĐỀ XUẤT DẠY THÊM THÀNH NGÀNH KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRÁNH TIÊU CỰC

Học thêm, dạy thêm hiện nay trở thành nhu cầu của nhiều học sinh và phụ huynh. Vì vậy, nhiều ý kiến phụ huynh đề xuất nên đưa dạy thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện để nâng cao chất lượng dạy học, tránh tiêu cực. Bài viết trên báo Lao động.

Theo báo Lao động, học thêm, dạy thêm hiện nay trở thành nhu cầu của một số học sinh và phụ huynh. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì cấm, cần đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tương tự việc bác sĩ mở phòng khám tư, làm thêm ngoài giờ. Lúc bấy giờ, giáo viên sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng dạy thêm. Ngoài ra, đưa dạy thêm vào kinh doanh có điều kiện, tức là có quản lý, có tổ chức và có các mục tiêu, mục đích rõ ràng, việc này cũng giúp việc quản lý dạy thêm, học thêm dễ dàng hơn, có những tiêu chí nhất định, tránh những tiêu cực vốn có lâu nay như: Trốn thuế, ép buộc học sinh học thêm, thổi giá...

DOANH NGHIỆP GIỮ CHÂN NHÂN TÀI: THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn giữ nhân tài để có thể phát triển hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường lao động đầy cạnh tranh, các doanh nghiệp không khỏi “đau đầu” khi liên tục phải đối mặt với tình trạng nhân sự “nhảy việc”. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại.

Theo thống kê “Mức độ hài lòng của nhân viên năm 2023 và Kế hoạch tìm việc năm 2024” được khảo sát cho thấy: Trong số 700 câu trả lời nhận được từ người lao động, mức lương và các khoản thưởng là điều người lao động quan tâm, nhất khi tìm kiếm việc làm chiếm 55,7%. Đứng thứ 2 với cơ hội phát triển và học tập cũng là một trong số mối quan tâm hàng đầu của ứng viên chiếm 53,3%. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, muốn giữ chân nhân sự, doanh nghiệp cần thấu hiểu mong muốn của họ, ngoài vấn đề cơ bản là lương thưởng, cơ hội phát triển và thăng tiến, các phúc lợi khác như đảm bảo công việc dài hạn, có thể gắn bó và làm việc lâu dài với công ty, đồng thời xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh.

ĐIỀU CHỈNH THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN PHẢI CHỜ LẠM PHÁT TĂNG CAO?

Cử tri 6 tỉnh vừa đồng loạt đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp thực tế, nhất là sau tăng lương từ ngày 1/7. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cần được tính toán kỹ lưỡng. Bài viết trên báo Thanh niên.

Bộ Tài chính cho rằng, chưa thể giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chưa đến mức quy định. Nhiều ý kiến cho rằng, giải thích của Bộ Tài chính là đúng luật nhưng quy định này đến hiện nay đã quá lạc hậu. Hiện tại, chỉ số CPI cũng nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và chỉ xoay quanh mức 4%/năm. Nếu đợi CPI tăng vượt 20% thì phải thêm 3 năm nữa. Như vậy đến 7 năm nữa mới được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thì đời sống của nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-4-9-trien-vong-phat-trien-cac-du-an-nha-o-xa-hoi-tu-cu-hich-chinh-sach-234603.htm