Điểm báo: Giám sát vi phạm vỉa hè để phạt nguội

Giám sát vi phạm vỉa hè để phạt nguội; TP Hồ Chí Minh: Ì ạch các dự án chống ngập; Hà Nội thiếu trường lớp: Trách nhiệm quản lý; Nhiều áp lực với 'túi tiền' người dân .. là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 6/7/2023.

GIÁM SÁT VI PHẠM VỈA HÈ ĐỂ PHẠT NGUỘI

Mở đầu nội dung điểm báo là bài viết “Giám sát vi phạm vỉa hè để phạt nguội” trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay.

UBND TP Hà Nội mới đây ban hành công văn về nhân rộng mô hình “camera an ninh” trên địa bàn TP. Bằng cách quan sát camera từ xa, cán bộ trật tự đô thị ở phường quận sẽ phát hiện và xử lý các vấn đề hàng ngày như vi phạm trật tự xây dựng, tai nạn cháy nổ hay tình trạng lấn chiếm lòng lề đường xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên việc lắp đặt camera để xử lý phạt nguội chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế. Bởi việc thu, phạt sẽ tiến hành như thế nào, có khôi phục được tất cả hình ảnh để xử lý không? Hơn nữa, lượng người vi phạm quá lớn như hiện nay thì xử lý sao cho xuể, cho dứt điểm?

TP HỒ CHÍ MINH: Ì ẠCH CÁC DỰ ÁN CHỐNG NGẬP

Do phải chờ vốn kéo dài, không ít các dự án thuộc chương trình giảm ngập của TPHCM rơi vào tình trạng thi công ì ạch suốt nhiều năm. Trong khi chờ các dự án chống ngập hoàn thành, chính quyền đô thị TPHCM vẫn phải loay hoay giải quyết tình trạng phát sinh các điểm ngập mới...

Theo Sở Xây dựng TPHCM, thành phố cần hơn 101.000 tỷ đồng cho 120 dự án giảm ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước của thành phố đến nay mới chỉ được giao hơn 17.400 tỷ đồng. Đối với “siêu dự án” chống ngập của thành phố, dự án đã phải dời thời gian hoàn thiện và có nhiều thời điểm phải điều chỉnh về thủ tục. Đến nay có những dự án đã trễ 4 năm so với kế hoạch. Đồng thời, do không thể khai thác đúng thời hạn dự án nên nhiều vấn đề đã phát sinh khi phụ lục hợp đồng bị hết hạn mà công trình vẫn chưa được tái cấp vốn.

HÀ NỘI THIẾU TRƯỜNG LỚP: TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ

Phụ huynh thức xuyên đêm xếp hàng mua hồ sơ vào lớp 10, đây hiện đang là thực trạng diễn ra mấy ngày qua tại Hà Nội. Thông tin đăng tải trên báo Tiền Phong.

Vì lo ngại tình trạng ùn ứ, xếp hàng kéo dài nên nhiều trường đành phải phát số thứ tự từ sớm để phụ huynh vào trường. Và thực tế, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường không đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, học sinh nên những người đến muộn không còn số. Dù ngành giáo dục Hà Nội khẳng định, cơ sở vật chất các trường THPT công lập đáp ứng được 60% nhu cầu của học sinh nhưng đó là con số tính trung bình toàn thành phố. Nhiều trường vùng ngoại thành, vùng ven hằng năm không tuyển đủ học sinh, mức điểm trung bình/môn rất thấp. Ngược lại, ở các quận nội thành, học sinh đạt mức trên 8 điểm/môn, nhưng vẫn có thể trượt mất cơ hội học tập ở trường công lập. Theo ý kiến của chuyên gia, để xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp như hiện nay, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo các quận, huyện, thị xã mà trên hết là lãnh đạo thành phố.

NHIỀU ÁP LỰC VỚI “TÚI TIỀN” NGƯỜI DÂN

Liên quan đến việc tăng lương vào ngày 1.7 tới đây, trên trang nhất báo Nông thôn ngày nay số ra sáng nay cho biết thì hơn 3 triệu người sẽ được tăng lương cơ sở lần này. Tuy nhiên, việc tăng lương sẽ kéo giá các hàng hóa và dịch vụ khác tăng theo, cùng với áp lực cộng dồn của các yếu tố giá điện bán lẻ biến động, tăng giải ngân vốn đầu tư... sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá, tạo áp lực với túi tiền chi tiêu của người dân.

Việc tăng lương cơ sở sẽ khiến ngân sách nhà nước phải bỏ ra 59.000 tỷ đồng. Tăng lương cơ sở phần nào đó giúp nhiều người có thêm điều kiện chăm lo đời sống. Song việc lượng tiền đổ ra thị trường sẽ khiến lạm phát có nguy cơ tăng trở lại. Nhiều công chức, viên chức cho biết, ngoài thu nhập từ lương phải “tay ngang” bán hàng online, làm thêm công việc kế toán cho công ty hoặc tư vấn viên bảo hiểm... mới đủ khả năng trang trải cho cuộc sống. Bên cạnh việc tăng lương đảm bảo đời sống cán bộ nhân viên, các cơ quan chức năng cần rà soát, không chế việc “té nước theo mưa” tăng giá của thực phẩm, đồ ăn ngoài gia đình ở đô thị lớn do khan hiếm nguồn cung; với đô thị như Hà Nội, TP.HCM, nhu cầu cao sẽ khiến lạm phát cục bộ xảy ra...

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-giam-sat-vi-pham-via-he-de-phat-nguoi-181819.htm