Điềm báo 'hối hả' trước khi tác giả Lưu Quang Vũ qua đời
Kỷ niệm 75 năm ngày sinh của tác giả Lưu Quang Vũ, 35 năm ngày mất của cặp vợ chồng tài hoa bậc nhất của nền văn chương, kịch nghệ Việt Nam, gia đình hai cố tác giả phối hợp cùng báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức đêm thơ nhạc kịch với chủ đề 'Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi'. Chương trình được tổ chức vào tối 16-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Xuyên suốt 120 phút thời lượng diễn ra đêm nghệ thuật ý nghĩa này, chương trình được chia làm 4 phần tái hiện lại bức chân dung chân thực và xúc động về tác giả Lưu Quang Vũ, bắt đầu từ thời điểm mùa thu 75 năm về trước khi ông mới chỉ là đứa trẻ 6 tháng tuổi sống trên chiến khu Hạ Hòa, Phú Thọ và được người cha của mình - nhà thơ Lưu Quang Thuận dành tặng những câu thơ đầu tiên: "Nhớ buổi chiều xuân nắng trở hè/ Con chào đất nước tiếng oe oe/ Đến nay gió lạnh mùa thu tới/ Thôn xóm hò ran gặt lúa về…". Từ suối nguồn cảm xúc đó, Lưu Quang Vũ dần lớn lên, trở thành nhà thơ, nhà viết kịch để lại cho đời những tác phẩm thi ca, những vở kịch thấm đẫm tình người và triết lý nhân sinh. Các tác phẩm của ông mang đậm hồn dân tộc, được viết nên bởi nguồn cảm hứng công dân với những xót xa, cả băn khoăn và trăn trở về cuộc sống xung quanh.
Bên cạnh đó, những sáng tác thơ tình cũng là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp thi ca của tác giả Lưu Quang Vũ. Điều này được phác họa rất rõ nét trong chương II - "Anh yêu em và anh tồn tại", nhắc về 3 người phụ nữ để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của ông. Người đầu tiên là nữ diễn viên điện ảnh Tố Uyên – lúc đó rất nổi tiếng với vai chính trong các phim điện ảnh như: “Con chim vành khuyên”, “Cô giáo vùng cao”...Hai người gặp nhau từ khi còn rất trẻ rồi nhanh chóng nên vợ nên chồng. Nhưng cũng rất nhanh chóng, họ chia tay nhau sau khi cậu con trai Lưu Minh Vũ mới được hơn 1 tuổi, vì có những điểm không thể hòa hợp trong tính cách. Chia tay bà, ông viết những dòng thơ cay đắng: "Thôi nhé, em đi/ Như một cánh chim bay mất…Anh cứ nghĩ thương nhau là tất cả/ Nhưng em cười khi anh chẳng thể vui/ Hai ta không đi một ngả đường dài/ Không chung khổ đau, không cùng nhịp thở/ Những gì em cần, anh chẳng có/ Em không màng những ngọn gió anh trao…”
Người phụ nữ thứ hai là nữ họa sĩ Nguyễn Thi Hiền. Lưu Quang Vũ gọi mối tình này là “tình yêu những năm đau xót và hy vọng”. Đó là những năm 1972 – 1973 chiến tranh ác liệt, cảng Hải Phòng đầy ngư lôi, phố Khâm Thiên yêu dấu bị đánh bom, cuộc đời riêng của ông cũng gặp nhiều lận đận: ra khỏi quân ngũ, không có việc làm, chật vật kiếm sống, chật vật tìm kiếm con đường của mình trong nghệ thuật….
Nếu như với Tố Uyên là mối tình say đắm, trong sáng của một chàng trai mới lớn; với Nguyễn Thị Hiền là tình yêu của những năm đất nước chiến tranh gian khổ, cuộc đời riêng của Lưu Quang Vũ cũng nhiều khó khăn, bi kịch, dằn vặt… thì khi gặp Xuân Quỳnh vào cuối năm 1973, Lưu Quang Vũ đã là người đàn ông trưởng thành thực sự. Tình yêu của ông đối với Xuân Quỳnh trọn vẹn, đằm thắm, với đầy đủ các cung bậc cảm xúc phng phú nhất: vừa lãng mạn, bay bổng mà cũng rất đỗi giản dị, đời thường… Cùng trải qua những đắng cay, đổ vỡ, vừa nương tựa vừa chắp cánh cho nhau, cùng có sự hòa hợp đến kỳ lạ về tâm hồn, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã tạo nên một trong những câu chuyện tình yêu đẹp nhất trong thời của mình. Với ba người phụ nữ quan trọng đi qua cuộc đời, Lưu Quang Vũ đều có những cảm xúc riêng, sâu đậm và tha thiết.
Lưu Quang Vũ có một vở kịch mang tên là “Mùa hạ cuối cùng”.
Mùa hạ năm 1988 là một mùa hạ đặc biệt đối với Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh.
Trong mấy tháng đó, không biết có điềm báo gì không, mà ông lao vào viết hối hả, viết ngày viết đêm, viết như biết mình sắp có một chuyến đi xa, rất xa. Chỉ trong có ít ngày mà “Bệnh sĩ”, “Ông không phải bố tôi”, Lời thề thứ chín”, “Điều không thể mất”, “Trái tim trong trắng”… đã được viết xong và ngay lập tức đưa lên sàn diễn. Nhiều vở trong số này vẫn được diễn cho đến ngày nay.
Còn đối với Xuân Quỳnh, đó là quãng thời gian có nhiều dự cảm buồn. Tháng 3 năm ấy, Xuân Quỳnh đi làm giám khảo sự kiện liên hoan phim diễn ra ở Nha Trang. Trên đường đi, chiếc xe đang qua cầu thì bị lật. Về Hà Nội, hay cảm thấy khó thở, bà vào viện khám và bị phát hiện bệnh tim, sau đó phải nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện.
Tháng 5-1988, Lưu Quang Vũ viết bài thơ “Thư viết cho Quỳnh trên máy bay”. Nhận được bức thư này, Xuân Quỳnh vui lắm. Bà thường khoe nó với những người vào thăm. Đến tháng 6-1988, Xuân Quỳnh viết bài thơ “Thời gian trắng”. Đây cũng chính là hai bài thơ cuối cùng của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.
Cũng trong chương trình, ban tổ chức đã công bố đoạn ghi âm hiếm hoi ghi lại giọng nói của Lưu Quang Vũ vào năm 1987, trong lần ông tham gia trả lời phỏng vấn trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này khi làm chương trình thơ về Lưu Quang Vũ có tên "Se sẽ chứ", đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã tìm thấy đoạn ghia âm quý giá này trong kho tư liệu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong đoạn ghi âm, tác giả Lưu Quang Vũ nói về thông điệp mà ông gửi gắm trong vở kịch mới của mình có tên gọi "Chết cho điều chưa có: "Những người đang sống ngày hôm nay phải làm thế nào tạo dựng cuộc sống của mình, làm thế nào để xứng đáng với mơ ước của những người đã hy sinh. Những người đã hy sinh họ tin tưởng vào tương lai, tin tưởng vào chúng ta.Nếu chúng ta không xứng đáng với những mơ ước ấy, thì đó là sự phản bội, phản bội lại mơ ước và lòng tin của những người đã ngã xuống".
Một trong những điểm nhấn đặc biệt khác của chương trình là tái hiện thành công trích đoạn của vở kịch "Hồn Trương Ba da Hàng Thịt". Đây được xem là vở kịch thành công nhất trong sự nghiệp viết kịch của Lưu Quang Vũ, đem lại cho ông hàng loạt giải thưởng trong nước và quốc tế. Các nghệ sĩ của LucTeam ngồi quanh sân khấu, tạo cảm giác của chiếu chèo cổ truyền thống, thể hiện nhiều ngôn ngữ hình thể. Với sự diễn xuất của hai nghệ sĩ Hoàng Tùng (vai Hàng Thịt) và NSƯT Trung Anh (vai Trương Ba), trích đoạn kịch tập trung làm nổi bật sự đấu tranh khốc liệt của phần hồn và phần xác, cũng là cuộc đấu tranh của cái đẹp, cái thanh tao với những thứ tầm thường, xấu xa trong cuộc đời.
Cách đây gần 35 năm trước, đúng vào ngày 29-8-1988, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cùng vợ ông là nhà thơ Xuân Quỳnh và cậu con trai của họ - bé Lưu Quỳnh Thơ đã ra đi mãi mãi trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc dưới chân cầu Phú Lương, để lại nỗi bàng hoàng, niềm thương tiếc cho người hâm mộ cả nước. Ông mất ở tuổi 40 – khi sức sáng tạo đang dồi dào, tài năng đang độ chín. Cuộc đời Lưu Quang Vũ tuy ngắn ngủi, nhưng ông đã sống và làm việc hết sức mình, để lại những đóng góp không nhỏ cho văn học dân tộc. Rất nhiều tác phẩm của ông vẫn còn tươi rói sức sống cho đến tận ngày nay. Năm 2000, Lưu Quang Vũ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Năm 2017, nữ sĩ Xuân Quỳnh – vợ ông – cũng được trao giải thưởng cao quý này.