Điểm báo: Không để lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp

Không để lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp; Rà soát việc quản lý dùng mạng xã hội; Hé lộ mức độ chênh lệch học phí giữa các ngành học; Sẵn sàng kịch bản ứng phó hạn hán ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 23/5/2023.

KHÔNG ĐỂ LẠM DỤNG PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Mặc dù bộ, ngành tư pháp cho biết không khuyến khích việc yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tràn lan, không thực sự cần thiết và không đúng mục đích theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lượng người tới các sở tư pháp xác minh lý lịch tư pháp gia tăng đột biến. Thông tin được đăng tải trên trang nhất báo Kinh tế và đô thị.

Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu du học, xuất khẩu lao động, các hoạt động sản xuất gia tăng. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp yêu cầu người lao động nộp Phiếu Lý lịch tư pháp trong hồ sơ xin việc là nguyên nhân khiến số lượng yêu cầu cấp phiếu tăng vọt. Chỉ 4 tháng đầu năm 2023, số phiếu cấp trên toàn quốc đã gần bằng số phiếu của cả năm 2021. Sở Tư pháp Hà Nội đã đề xuất, báo cáo Bộ Tư pháp nghiên cứu, tổng hợp, rà soát đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về mục đích, yêu cầu của việc sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp để tránh việc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN lạm dụng, yêu cầu người dân nộp Phiếu Lý lịch tư pháp trong trường hợp không cần thiết.

RÀ SOÁT VIỆC QUẢN LÝ DÙNG MẠNG XÃ HỘI

Thời gian gần đây các cơ quan chức năng tại một số tỉnh, thành liên tục kiểm tra, rà soát lại hoạt động có dấu hiệu ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống, vi phạm pháp luật trên không gian mạng xã hội, trong đó phổ biến nhất là facebook, TikTok và youtube.

Cụ thể, từ nguồn tin của nhiều nạn nhân về Một tài khoản bác sĩ trên TikTok có biểu hiện chưa có giấy phép hành nghề, hay như môt tài khoản TikTok bị phản ánh đăng tải một clip có nội dung phản cảm, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người khác, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục…..Đáng chú ý, Các đoạn clip đều thu hút hơn 4 triệu lượt xem và được đánh giá là ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ, dù ngay sau đó các đoạn clip đã bị xóa khỏi nền tảng TikTok và người thực hiện clip cũng chịu chế tài theo đúng quy định của pháp luật nhưng cộng đồng mạng vẫn lên án gay gắt và kêu gọi “tẩy chay” các tài khoản TikTok này. Và từ tháng 5/2023, các đoàn kiểm tra của Bộ TTTT và một số địa phương sẽ tiếp tục thực hiện rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động quản lý, sử dụng dịch vụ và thông tin trên mạng.

HÉ LỘ MỨC ĐỘ CHÊNH LỆCH HỌC PHÍ GIỮA CÁC NGÀNH HỌC

Cho đến thời điểm này, đa phần trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh 2023, trong đó dự kiến mức học phí sẽ thu trong năm học 2023-3024. Từ đó cũng cho thấy có nhiều mức độ chênh lệch giữa các ngành học...

Theo Nghị định 81, Từ năm học 2023-2024, mức trần học phí đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 13,5 - 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng), tùy từng khối ngành. Trong đó, khối ngành Y dược có mức trần học phí cao nhất 27,6 triệu đồng/năm học, kế đến là nhóm ngành sức khỏe khác. Thấp nhất là nhóm ngành Nghệ thuật với 13,5 triệu đồng/năm học. Trên thực tế, sự chênh lệch mức đóng học phí còn phụ thuộc vào các yếu tố là ngành học “hot”, chương trình đào tạo đã kiểm định chất lượng, hệ chất lượng cao, chương trình liên kết….

SẴN SÀNG KỊCH BẢN ỨNG PHÓ HẠN HÁN

Theo dự báo nguy cơ hạn hán sẽ xuất hiện ở nước ta trong thời gian tới. Trước dự báo này, các đơn vị của Bộ NNPTNT đã xây dựng kịch bản để ứng phó với hạn hán, đảm bảo sản xuất an toàn. Thông tin đáng chú ý trên báo Nông thôn ngày nay số ra sáng nay.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70 - 80%. Một số các giải pháp được đưa ra, cụ thể: Đối với sản xuất lúa, đề nghị các địa phương thực hiện tưới tiết kiệm; sử dụng giống chịu hạn và giống ngắn ngày. Căn cứ vào nguồn nước và điều kiện hạn hán, kế hoạch sản xuất phải linh động, cùng một vùng, cùng một cánh đồng phải tiết kiệm nước. Đối với cây ăn quả, tạo và trữ nguồn nước ngay từ bây giờ. Đặc biệt, trong giai đoạn hạn hán, cũng như những vùng không có tưới tiêu, đề nghị các địa phương xem xét không để bà còn trồng mới hoặc ghép cải tạo, như vậy sẽ rất rủi ro. Đối với cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê, chè phải tăng cường trồng cây che bóng. Lưu ý với các địa phương đã cơ giới hóa, hái bằng máy thì hết sức chú ý đến mùa nắng nóng, phải giãn thời gian thu hoạch.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-khong-de-lam-dung-phieu-ly-lich-tu-phap