Điểm báo: Thể thao Việt Nam và nỗi đau 'cắt phế' tiền ăn, tiền thưởng
Xuất khẩu 'nặng gánh' vì chi phí logistics; Tìm điểm nhấn cho du lịch Việt; Thể thao Việt Nam và nỗi đau 'cắt phế' tiền ăn, tiền thưởng;... là những tin đáng chú ý trên mặt báo sáng ngày 19/1.
XUẤT KHẨU “NẶNG GÁNH” VÌ CHI PHÍ LOGISTICS
Sáng nay báo Kinh tế và đô thị có bài viết, điều khiến DN xuất khẩu Việt Nam lo lắng nhất hiện nay là giá cước tàu biển vận chuyển hàng hóa đi các nước như Mỹ,Canada, EU đang tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 12/2023. Khó khăn ngày càng chồng chất trong bối cảnh đơn hàng phục hồi chưa được bao lâu.
Riêng cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh có giá 1.200 - 1.300 USD trong tháng 12/2023, tăng lên 4.350 - 4.450 USD trong tháng 1/2024. Khoảng 20% lượng hàng xuất khẩu sang thị trường EU theo hợp đồng giá tại cửa khẩu bên nước của người bán vào đợt này đã bị đối tác tạm dừng nhận hàng vì giá cước tăng cao. Thực trạng này được nhận định, do thời gian qua Việt Nam chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển logistics với tầm nhìn dài hạn. Hơn nữa, vẫn thiếu chính sách hỗ trợ cho phát triển logistics, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nhằm phục vụ các vùng sản xuất, kinh doanh; thiếu chính sách phát triển các trung tâm liên kết nông sản, trung tâm đầu mối nông nghiệp mới chỉ trong giai đoạn thí điểm hoặc đề xuất xây dựng.
TÌM ĐIỂM NHẤN CHO DU LỊCH VIỆT
Mặc dù thời gian qua, du lịch Việt Nam liên tục “ghi điểm” với hàng loạt giải thưởng hay lọt vào các top bình chọn, thế nhưng nghịch lý là hiện nay ngành công nghiệp không khói vẫn đang loay hoay trong việc định vị thương hiệu. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.
Thực tế, dù lượng khách nội địa năm 2023 vượt năm 2022 nhưng số khách đi tour giảm mạnh do kinh tế toàn cầu gặp khó khăn. Xu hướng du lịch thay đổi, thay vì đi dài ngày và xa, khách du lịch chọn các chuyến đi trong ngày, ngắn ngày và các điểm đi gần. Chi tiêu dành cho du lịch cũng tiết kiệm hơn. Các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực dịch vụ gặp khó khăn do lượng khách tour giảm mạnh. Việc thiếu chiến lược về định vị thương hiệu du lịch quốc gia dẫn tới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu tập trung, dàn trải, không có điểm nhấn và kém hiệu quả; các doanh nghiệp du lịch xây dựng hình ảnh điểm đến và xúc tiến thị trường theo kiểu mạnh ai nấy làm, chồng chéo và thiếu sự đồng nhất...
THỂ THAO VIỆT NAM VÀ NỖI ĐAU "CẮT PHẾ" TIỀN ĂN, TIỀN THƯỞNG
Câu chuyện cắt 10% tiền thưởng vận động viên Quốc gia môn thể dục dụng cụ đang được dư luận quan tâm. Thể thao Việt Nam (TTVN) vốn thụt lùi so với khu vực, nhưng vẫn để xảy ra những chuyện không hay trong thời gian qua. Bài viết trên báo Dân trí.
Theo báo Dân trí, nếu scandal ở đội tuyển thể dục dụng cụ là cá biệt thì còn mừng, chứ nếu đã trở thành một thứ “văn hóa biết điều” kỳ quặc thì mới thật là đau lòng. Vì không biết sẽ phải giải quyết ở khâu nào mới được xem là gốc gác của vấn đề? Đã tới lúc những vụ việc cắt xén tiền cơm, tiền thưởng của vận động viên cần được ngành thể thao xử lý một cách dứt điểm. Bởi nếu không làm tới nơi, tới chốn, không ai dám chắc lại có thêm những vụ lùm xùm tương tự ở các môn thể thao khác, các đội tuyển, vận động viên khác.
LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI TÁC ĐỘNG THẾ NÀO ĐẾN THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN?
Sáng nay nhiều tờ báo đăng tải thông tin liên quan đến việc Luật đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Báo điện tử VOV có bài viết "Thị trường bất động sản sẽ có tác động thế nào?"
Báo điện tử VOV trích dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này mở ra nhiều cách tiếp cận đất đai cho các dự án. Trong những năm qua, các dự án rất khó tiếp cận đất đai không phải do các cơ quan cố tình gây khó mà một số quy định thực sự chưa rõ ràng. Ví dụ: phương thức xác định loại đất, dự án nào được giao đất; dự án nào phải thông qua đấu thầu, đấu giá... Luật lần này về cơ bản đặt ra các phương thức tương đối tường minh. Khi Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua thì các doanh nghiệp sẽ có phương thức tiếp cận đất đai một cách thuận lợi hơn. Khi đó, nguồn cung có thể sẽ tăng lên, giải quyết tình trạng khan hiếm nhà ở.