Điểm báo: Xây dựng luật khung cho tài sản số, AI, 'Sandbox'

Xây dựng luật khung cho tài sản số, AI, 'Sandbox'; Thị trường trầm lắng nhưng giá nhà vẫn ở mức cao; Xã hội hóa giáo dục: Đâu là giới hạn?; Tìm 'lối thoát' cho doanh nghiệp việt trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại… là những tin có trong điểm báo sáng nay.

XÂY DỰNG LUẬT KHUNG CHO TÀI SẢN SỐ, AI, “SANDBOX”

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số quy định nhiều nội dung về khái niệm, nguyên tắc cho tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).

Theo bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành này như nghiên cứu và phát triển công nghệ số; hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; hệ sinh thái; doanh nghiệp công nghệ số... Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”. Theo đó, dự thảo Luật quy định Chương “Công nghiệp bán dẫn” thay cho “vi mạch bán dẫn”. Dự thảo giao Chính phủ xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách riêng để phát triển trong từng thời kỳ.

THỊ TRƯỜNG TRẦM LẮNG NHƯNG GIÁ NHÀ VẪN Ở MỨC CAO

Thời gian qua, dù thị trường trầm lắng nhưng giá nhà ở vẫn thiết lập mặt bằng giá mới nên rất khó để giảm nếu không cải thiện nguồn cung. Theo báo Lao động, riêng tại TP.Hồ Chí Minh, những dự án gần trung tâm đều ở mức trên 100 triệu đồng/m², thậm chí có dự án cách trung tâm 20km giá cũng lên đến 80 triệu đồng/m².

Căn hộ dưới 3 tỉ đồng được xem là bình dân ở TP.Hồ Chí Minh, song số lượng căn hộ giá này chỉ chiếm 18% trong nguồn cung và chủ yếu nằm cách trung tâm thành phố trên 10km. Trong ba năm tới, nguồn cung căn hộ bình dân cũng chỉ chiếm chưa đến 5%. Do đó, nếu muốn mua được các căn hộ giá "mềm", người dân phải đến các tỉnh vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai. Với mặt bằng giá tương đối cao như hiện nay, chỉ số ít người dân sở hữu được nhà, bởi phải có nguồn thu nhập, nguồn vốn ban đầu các ngân hàng mới cho vay mua nhà trả góp.

XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC: ĐÂU LÀ GIỚI HẠN?

Việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Nhưng ranh giới mong manh giữa xã hội hóa giáo dục và lạm thu đang khiến không ít trường e ngại thực hiện trong khi một số nơi lại vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía phụ huynh và dư luận xã hội.

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, Thống kê của Bộ GD&ĐT, về thiết bị dạy học, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học hiện còn thấp, trung bình cả nước chỉ đáp ứng 50,63%. Nhìn từ thực tế, không phải lớp học, trường học nào cũng được đầu tư trang thiết bị dạy học đầy đủ, hiện đại. Ngân sách nhà nước đầu tư có hạn, phải có sự chung sức từ các nguồn xã hội hóa là điều đã được lường trước, song từ đây cũng đặt ra những thách thức khác khi xã hội hóa có khi bị biến tướng thành cá nhân hóa, thành lạm thu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, với các cơ sở giáo dục công lập, Nhà nước phân bổ kinh phí theo quy định nhưng mức đầu tư còn thấp, nên phải xã hội hóa một số khoản. Một mặt xuất phát từ nhu cầu của nhà trường, mặt khác từ nhu cầu của chính phụ huynh học sinh.

TÌM “LỐI THOÁT” CHO DOANH NGHIỆP VIỆT TRƯỚC CÁC VỤ ĐIỀU TRA PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Hàng hóa Việt Nam đang dần chiếm lòng tin người tiêu dùng thế giới, nhưng sản phẩm Việt cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Theo báo Kinh tế và Đô thị, để giảm thiểu rủi ro doanh nghiệp chủ động theo dõi thông tin cảnh báo, phối hợp với thương vụ trong việc bảo vệ lợi ích.

Để hạn chế việc doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, các chuyên gia kinh tế cho rằng phụ thuộc rất lớn vào việc phối hợp giữa doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan nhà nước, trong đó, vai trò của các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng. Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh, xem xét chiến lược xuất khẩu để phòng ngừa rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cùng với đó, thường xuyên liên lạc với Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-xay-dung-luat-khung-cho-tai-san-so-ai-sandbox-238970.htm