Điểm cầu truyền hình trực tiếp 'Dưới lá cờ Quyết thắng' tại Thanh Hóa
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), tối 5/5 Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức cầu truyền hình 'Dưới lá cờ Quyết thắng'. Tại điểm cầu Thanh Hóa, chương trình được tổ chức tại Quảng trường Lam Sơn.
Tham dự chương trình, tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; aLê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và đông đảo cán bộ, Nhân dân.
Chương trình cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” đã đưa khán giả quay trở lại những ngày tháng hào hùng không thể nào quên của một thời cả dân tộc đồng lòng, góp sức người, sức của, anh dũng chiến đấu hy sinh xương máu để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - nơi ghi dấu một trong những trận chiến oanh liệt nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, một kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạc một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức mạnh Việt Nam.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, ngoài những đại cảnh hoành tráng, không khí cảm động tái hiện một cách sinh động khung cảnh hướng về tiền tuyến, dân công vận chuyển lương thực bằng xe đạp thồ, vượt qua mưa bom bão đạn lên chiến trường, đóng góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ, khán giả còn được gặp nhân chứng lịch sử là ông Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ 101 Thanh Hóa kể lại những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Khi đó ông là chàng thanh niên 28 tuổi lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, để lại người vợ trẻ với hai con ở nhà, con trai lớn chỉ mới 4 tuổi, con gái thứ hai mới sinh được khoảng 2 tháng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Mặc dù đời sống Nhân dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần “cả nước cùng ra trận”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, theo lời kêu gọi của Đảng và Mặt trận Liên Việt, trong 3 đợt phục vụ chiến dịch, toàn tỉnh đã huy động 200 ngàn dân công dài hạn và ngắn hạn, hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác, cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại. Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của chiến dịch.
Trong những ngày tháng lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ, dù là hậu phương có địa hình hiểm trở, địch tập trung đánh phá ác liệt, nhưng đã không ngăn được từng đoàn dân công nối nhau từ miền Tây Thanh Hóa xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, bí mật đưa hàng tới đích an toàn. Trong mưa bom bão đạn của những ngày tháng không thể nào quên, góp sức người sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, đó là: Đồng chí Đới Sỹ Trầu, quê huyện Quảng Xương, liên tục gánh đôi bồ nặng 60kg, dẫn đầu về gánh bộ phục vụ chiến dịch; là những chiến sĩ xe đạp thồ Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc, quê thị xã Thanh Hóa, đã đạt kỷ lục thồ từ 160kg lên 195kg, rồi trên 300kg mỗi chuyến; là người nông dân Trịnh Đình Bầm, quê ở xã Định Liên, huyện Yên Định, với lòng yêu nước nồng nàn đã không chút đắn đo khi quyết định tháo dỡ bàn thờ gia tiên để làm bánh xe cút kít, phục vụ vận chuyển hàng hóa...
Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào tháng 6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi "Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp Nhân dân đều tỏ ra đoàn kết, tham gia kháng chiến. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Tại các điểm cầu là bức tranh được tái hiện chân thực và toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp tục xây dựng và tăng cường niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.