Điểm chuẩn các trường đại học 'hot' năm 2024 sẽ thế nào?
Nhiều trường đại học lớn đã đưa ra mức dự kiến điểm chuẩn xét tuyển theo phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Dự kiến điểm chuẩn nhiều trường đại học năm 2024
PGS.TS Lê Đình Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, năm nay, nhà trường vẫn sử dụng tổ hợp B00 làm chủ đạo trong xét tuyển các ngành và có 311 thí sinh đạt từ 28,5 điểm trở lên (chưa bao gồm điểm ưu tiên, khuyến khích). Do đó, dự báo điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT các ngành top trên như Y khoa và Răng - Hàm - Mặt sẽ tăng so với năm ngoái nhưng mức vừa phải.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội phân tích: "Tôi nghĩ mức điểm chuẩn năm nay sẽ tiệm cận so với những năm có kết quả điểm thi cao. Ngoài ra, năm nay, dù tỷ lệ thí sinh đạt tổng điểm tổ hợp B00 từ 19 đến 22 thấp hơn so với năm trước nhưng số lượng tuyệt đối (tức số thí sinh đạt mức điểm này) lại cao hơn. Số thí sinh đạt ngưỡng điểm 22 - 22,5 có tỷ lệ tương đương năm trước nhưng số lượng tuyệt đối cũng nhiều hơn. Số thí sinh đạt điểm những mức đó cao hơn năm trước nên dự đoán các ngành còn lại điểm chuẩn cũng có thể tăng".
Theo PGS.TS Lê Đình Tùng, mặc dù là năm đầu tiên Trường ĐH Y Hà Nội tuyển sinh ngành Tâm lý học nhưng được rất nhiều thí sinh quan tâm, nhất là số thí sinh tham gia xét tuyển bằng khối C00 và D01. Trong khi năm nay nếu xét theo tổ hợp C00 và D01, thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn so với năm trước. Vì vậy, dù là năm đầu tuyển sinh nhưng dự báo điểm chuẩn trúng tuyển ngành Tâm lý học sẽ khá cao.
Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, TS. Lê Anh Đức - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo dự đoán điểm chuẩn các ngành học của trường cũng sẽ tăng theo xu hướng chung. "Điểm chuẩn những ngành top đầu có thể tăng nhẹ, khoảng 0,25. Với những ngành nhóm giữa, điểm chuẩn có thể tăng nhiều hơn, từ 0,5 đến 0,75 điểm. Với những ngành mới (gồm Kỹ thuật phần mềm, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Hệ thống thông tin), dự đoán điểm chuẩn cũng trên 26 bởi đây đều là những ngành được quan tâm, phù hợp xu thế thị trường".
Năm 2024, nhóm ngành đào tạo giáo viên có số nguyện vọng đăng ký tăng đột biến, tăng 85% so với năm ngoái (tương đương 200.000 nguyện vọng).
Theo Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, TS. Trần Bá Trình dự đoán điểm chuẩn các ngành của trường năm nay nhích nhẹ so năm ngoái. Trong đó, đối với các ngành sư phạm như Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, điểm chuẩn dự kiến sẽ tăng nhiều nhất, có thể tăng 1-1,5 điểm so năm ngoái. Điểm chuẩn các ngành đào tạo sư phạm còn lại như Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn... có thể tăng nhẹ, từ 0,25-0,5.
TS. Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho hay, dự kiến điểm chuẩn nhiều ngành năm nay rất cao. Một số ngành năm nay dự kiến có điểm chuẩn cao như: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Chương trình Kỹ thuật thiết kế vi mạch thuộc ngành điện tử viễn thông; Sư phạm tiếng Anh.
TS. Huỳnh Trung Phong - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, nguyện vọng xét tuyển vào trường năm nay đều tăng ở tất cả phương thức xét tuyển. "Điểm chuẩn sẽ cân nhắc trên nhiều yếu tố, có thể dự báo hầu hết các ngành vào trường sẽ tăng hoặc giữ nguyên.
Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TP.HCM dự đoán, điểm chuẩn của trường xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ tăng so với năm ngoái ít nhất là 1 điểm. Các ngành "hot" như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics và chuỗi cung ứng... mức điểm chuẩn khoảng 23-24 điểm.
Lo ngại mất cân bằng trong chọn ngành nghề của học sinh sau tốt nghiệp THPT
Từ nhiều năm nay, lượng thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội chiếm tỷ lệ áp đảo trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại điều này sẽ đe dọa sự mất cân bằng trong chọn ngành nghề của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Về vấn đề này, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, các con số thống kê cho thấy chưa có dấu hiệu đáng lo ngại trong việc chọn nghề của thí sinh mà ngược lại, những gì chúng tôi thấy còn có vẻ tích cực. Theo thống kê một số năm gần đây, thí sinh đăng ký và trúng tuyển vào các ngành khoa học công nghệ tăng, thậm chí tốc độ tăng tốt hơn những lĩnh vực/ngành khác.
Còn lý do nhiều thí sinh chọn các môn khoa học xã hội để thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn không ảnh hưởng tới sự mất cân bằng trong chọn nghề, có hai lý do. Thứ nhất là có tỷ lệ khá lớn các em trúng tuyển sớm, phần còn lại dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, tỷ lệ này khoảng 50 - 50 hoặc xoay quanh mốc đó trong tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học.
Thứ hai, có khoảng 1/3 số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp không xét tuyển đại học. Mặt khác, Bộ GD&ĐT cũng nhận thấy mặc dù chưa có biểu hiện rõ sự mất cân bằng trong cơ cấu thí sinh nhập học, nhưng cần phải thúc đẩy chất lượng và số lượng nguồn tuyển sinh cho khối ngành kỹ thuật, khoa học và công nghệ.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ 17 giờ ngày 17/8, các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2024. Việc công bố điểm chuẩn chậm nhất phải thực hiện trước 17 giờ ngày 19/8.