Điểm chuẩn có ổn định?

Câu chuyện về phổ điểm được gác lại bởi sự ổn định, tương đồng với phổ điểm năm 2023 và các năm trước...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Năm 2024, hầu hết cơ sở giáo dục đại học vẫn sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đầu vào hệ chính quy và dành lượng chỉ tiêu nhất định cho phương thức này. Đây là minh chứng cho thấy, kết quả kỳ thi tiếp tục đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra; trong đó có việc các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh.

Đã gần một tuần trôi qua, kể từ ngày Bộ GD&ĐT công bố kết quả điểm thi tốt nghiệp, câu chuyện về phổ điểm được gác lại bởi sự ổn định, tương đồng với phổ điểm năm 2023 và các năm trước.

Đây là một trong những cơ sở để Bộ GD&ĐT quyết định mức điểm sàn năm 2024 của nhóm ngành Sức khỏe có chứng chỉ hành nghề và ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng bằng với năm trước. Cụ thể, đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, mức điểm sàn dao động từ 17 - 19 điểm, còn nhóm ngành Sức khỏe từ 19 - 22,5 điểm (tùy từng ngành).

Ở thời điểm này, điểm chuẩn đầu vào theo phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT là vấn đề được dư luận quan tâm, đặc biệt thí sinh và phụ huynh; trong đó có 2 nhóm ngành nêu trên; bởi đây là điều kiện đủ, bảo đảm để thí sinh chắc chắn có tấm vé bước vào giảng đường đại học với tư cách sinh viên của trường.

Theo quy định, trước 17 giờ ngày 17/8, các cơ sở đào tạo nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống); sau đó rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 theo lịch chung. Vì thế, thời điểm này mọi con số đưa ra về điểm chuẩn chỉ mang tính chất nhận định, dự đoán để thí sinh, phụ huynh tham khảo. Từ đó, thí sinh có thêm cơ sở dữ liệu để sắp xếp nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống sao cho phù hợp.

Dựa vào phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và điểm sàn mà các cơ sở giáo dục đại học đã công bố, nhiều chuyên gia nhận định, điểm chuẩn đầu vào năm nay có thể cao hơn năm trước ở tất cả tổ hợp xét tuyển. Với những ngành “hot”, có điểm đầu vào cao, nếu chỉ tiêu bằng hoặc ít hơn năm trước thì mức cạnh tranh lớn hơn. Đặc biệt, lĩnh vực sức khỏe và đào tạo giáo viên, hai nhóm ngành đặc thù nên dự đoán điểm chuẩn các ngành sẽ không thấp hơn năm ngoái nhưng cũng không có “đột biến”.

Riêng với khối ngành đào tạo giáo viên rất được Nhà nước quan tâm nên số lượng và chất lượng đầu vào có chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, từ nay đến năm 2027, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Thực tiễn này khiến nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm. Vì vậy, các cơ sở đào tạo giáo viên cũng “rộng cửa” đón người học hơn. Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành Sư phạm của nhiều trường giảm so với năm 2023; do đó, điểm chuẩn nhóm ngành đào tạo giáo viên có thể cao hơn so với năm ngoái.

Lẽ tất nhiên, đã là dự đoán thì có thể đúng hoặc sai. Vì thế, thí sinh không nên coi những dự đoán của chuyên gia là tuyệt đối. Vấn đề chính vẫn phụ thuộc vào thí sinh, bởi các em mới là người quyết định sắp xếp nguyện vọng trên Hệ thống. Thế mới nói, thí sinh cần có “chiến thuật” đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Chiến thuật này được hình thành dựa trên những phân tích từ nhiều cơ sở dữ liệu như: Sở thích, đam mê, phổ điểm, điểm sàn, điểm chuẩn năm trước… Tất nhiên, không thể bỏ qua những dự đoán của chuyên gia.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/diem-chuan-co-on-dinh-post693095.html