Điểm chuẩn đại học 2024: Tăng ở nhiều trường
Tất cả các trường đại học (ĐH) trên cả nước hoàn thành việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2024. Nhìn chung, điểm chuẩn của các trường hầu hết đều tăng so với năm 2023. Đáng chú ý, có những ngành tăng tới gần chục điểm hoặc giữa ngành có điểm chuẩn cao nhất và thấp nhất trong cùng một trường có chênh lệch tới hàng chục điểm.
Điểm chuẩn khối C00 cao “chạm trần”
Năm nay, 27/28 chuyên ngành của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) ở khối C00 có điểm chuẩn ở mức trung bình trên 9 điểm/môn mới đỗ (trừ ngành Tôn giáo học lấy điểm chuẩn 26,73). Cao nhất là là 3 ngành Quan hệ công chúng, Hàn Quốc và Báo chí với điểm chuẩn lần lượt là 29,1; 29,05 và 29,03. Với các thí sinh lựa chọn khối thi A01 hay D01, D06, D78 hoặc D14 để thi vào trường, điểm chuẩn “giảm nhiệt” hơn, từ 22,95 tới 26,97 tùy từng ngành, từng khối thi.
Tương tự, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) năm nay cũng có có 22 ngành theo khối thi có mức điểm chuẩn từ 27 trở lên, nhiều ngành có điểm chuẩn trên 28 như ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Văn hóa học, Nghệ thuật học và ngành Lịch sử. Báo chí vẫn là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất vào trường với 28,88 điểm.
Mức điểm này tăng 0,88 điểm so với năm trước đó. So với các ngành khác tăng trung bình từ 2-3 điểm, ngành Tôn giáo học tăng 5 điểm so với điểm chuẩn khối C00 năm 2023, lên mức 26 điểm.
Một trong những trường có điểm chuẩn tăng kỷ lục năm nay có thể kể đến là Trường ĐH Văn hóa TPHCM. Ngành Bảo tàng học của trường tăng 8,5 điểm, Thông tin thư viện tăng 8 điểm còn các ngành còn lại tăng từ 3-7,5 điểm so với năm 2023. 3/7 ngành của trường này có điểm từ 27 trở lên, cao nhất là ngành Truyền thông văn hóa 27,85 điểm…
Trong số 17 trường quân đội của Bộ Quốc phòng, điểm chuẩn cao nhất thuộc về thí sinh xét tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị bằng tổ hợp C00 phải đạt 28,55, đồng thời có điểm thi môn Ngữ văn từ 9,5 trở lên mới trúng tuyển. Năm nay thí sinh nam miền Bắc chọn ngành Biên phòng của Học viện Biên phòng cần đạt 28,37 điểm mới trúng tuyển.
Bất cập hay bình thường?
Ở khối ngành Sư phạm, ngành Sư phạm Ngữ văn và Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn 29,3, cao nhất trong số các trường đã công bố. So với năm ngoái, điểm chuẩn ở 2 ngành tăng khoảng 0,88 - 2,9, tùy tổ hợp.
Đây cũng là niềm vui chung của nhiều trường đào tạo sư phạm khác như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Hai ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ văn cùng lấy 28,83 điểm thi tốt nghiệp, cao nhất của trường năm nay. Một ngành khác cũng lấy điểm chuẩn trên 28 là Sư phạm Lịch sử - Địa lý với 28,42. Đây là ngành đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp ở THCS, theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các ngành Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Công dân, Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Sư phạm tiếng Anh có ngưỡng trúng tuyển trên 27. Giáo dục thể chất thấp nhất nhóm đào tạo cử nhân với 20 điểm.
Bên cạnh niềm vui của thí sinh trúng tuyển cũng như các trường về điểm chuẩn tăng cao cho thấy sự quan tâm của thí sinh và xã hội đối với ngành sư phạm, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ bức xúc cho rằng khi thí sinh đạt 9,75 điểm/môn thi nhưng vẫn không đỗ được ĐH theo nguyện vọng mình yêu thích nhất thì đấy chính là bất cập của xét tuyển ĐH năm nay, cần phải có giải pháp điều chỉnh giải quyết bất cập.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lý giải điểm chuẩn năm nay nhiều trường tăng mạnh, trong đó có khối trường sư phạm, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do Đảng và Nhà nước có chính sách về cấp bù học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm, đã thu hút thí sinh, khiến số thí sinh đăng ký vào sư phạm tăng vọt, trong khi chỉ tiêu chỉ có hạn. Đấy là một dấu hiệu tích cực.
“Riêng với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chúng tôi có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký xét tuyển vào trường, các em được tuyển thẳng, làm cho cạnh tranh xét tuyển sẽ khó khăn hơn” – ông Sơn nói và chia sẻ nỗi băn khoăn của phụ huynh khi thí sinh điểm cao vẫn trượt. Nhưng các em không trúng ngành này thì sẽ trúng ngành khác vì được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Nếu nhìn điểm so sánh năm này với năm khác thì điểm năm nay có vẻ như là cao quá, nhưng nếu ta nhìn nhận dưới góc độ tuyển sinh ĐH, tuyển người có năng lực để vào học và mang tính chất lựa chọn, theo quy tắc của việc lựa chọn từ trên xuống dưới, nhiều người ở tốp trên rồi thì người ở tốp dưới sẽ bị mất cơ hội. Đây là quy tắc lựa chọn nên cũng không có gì bất thường.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/diem-chuan-dai-hoc-2024-tang-o-nhieu-truong-10288329.html