Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo
Sáng 9/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo trước Quốc hội.
Luật Nhà giáo hướng tới mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo
Đọc Tờ trình, Bộ trưởng nhắc lại, Hiến pháp năm 2013 (Điều 61) đã khẳng định "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài".
Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 14/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiệm vụ cần:
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”. Trong đó, chủ trương của Đảng là “có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” và “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định cần: “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và yêu cầu thể chế kịp thời các quan điểm chỉ đạo đó, Bộ GD&ĐT xác định việc tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội Luật Nhà giáo là giải pháp quan trọng về mặt thể chế, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng lực lượng nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu, chất lượng, đủ sức gánh vác được sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
5 chính sách lớn
Bản dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội lần này có cấu trúc và nội dung cơ bản gồm 5 chính sách lớn, thể hiện trong 9 chương, 50 điều, quy định về những nội dung cơ bản sau:
Chương I. Quy định chung gồm 6 Điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; định danh nhà giáo; vai trò của nhà giáo; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý và phát triển nhà giáo; chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Chương II. Hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo gồm 5 Điều (từ Điều 7 đến Điều 11) quy định về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, quyền của nhà giáo, nghĩa vụ của nhà giáo, đạo đức nhà giáo và những việc không được làm.
Chương III. Chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo gồm 4 Điều (từ Điều 12 đến Điều 15), quy định về chức danh nhà giáo; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, sử dụng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo.
Chương IV. Tuyển dụng, sử dụng nhà giáo gồm 11 Điều (từ Điều 16 đến Điều 26), quy định về tuyển dụng nhà giáo, tiếp nhận nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, chế độ tập sự hoặc thử việc, hợp đồng đối với nhà giáo, chế độ làm việc của nhà giáo, điều động, biệt phái, thuyên chuyển, nhà giáo giáo dạy liên trường, liên cấp trong cơ sở giáo dục công lập, bổ nhiệm nhà giáo giữ chức vụ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đánh giá nhà giáo.
Chương V. Chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo gồm 5 Điều (từ Điều 27 đến Điều 31), quy định về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo, chế độ nghỉ hưu và nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Chương VI. Đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo gồm 02 Mục, 07 Điều (từ Điều 32 đến Điều 38) quy định về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và hợp tác quốc tế về nhà giáo.
Chương VII. Tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm gồm 7 Điều (từ Điều 39 đến Điều 45) quy định ngày Nhà giáo Việt Nam, phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự, khen thưởng đối với nhà giáo, khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, xử lý kỷ luật đối với nhà giáo, tạm đình chỉ giảng dạy và xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo.
Chương VIII. Quản lý nhà giáo gồm 2 Điều (Điều 46, Điều 47) quy định về quản lý nhà nước về nhà giáo, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong quản lý nhà giáo và thanh tra, kiểm tra đối với nhà giáo.
Chương IX. Điều khoản thi hành gồm 3 Điều (từ Điều 48 đến Điều 50) quy định về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều khoản của một số luật liên quan, hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.
Một số điểm mới về chính sách đối với nhà giáo
So với quy định hiện hành tại các Luật liên quan, Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới, trong đó có một số điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, Luật Nhà giáo được xây dựng với sự đổi mới về quan điểm trong việc quản lý và phát triển lực lượng nhà giáo. Đó là quan điểm chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và các công cụ quản lý chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, nhằm phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, để phù hợp với sự đổi mới sâu sắc và toàn diện trong nền giáo dục, từ hệ thống quản lý giáo dục tới quản trị trường học đã và đang triển khai. Đây là điểm mới về cách tiếp cận, được áp dụng nhất quán trong quá trình xây dựng luật và thể hiện ở từng nội dung của dự thảo Luật.
Thứ hai, đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Nhà giáo là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Lần đầu tiên, có căn cứ pháp lý cho việc nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản của nhà giáo và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Thứ ba, lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống. Nhà giáo đặt trước yêu cầu phát triển không ngừng, được bảo vệ thông qua quyền của nhà giáo và những điều cá nhân/tổ chức không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Thứ tư, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn theo yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.
Thứ năm, quy định yêu cầu thực hành sư phạm trong tuyển dụng nhà giáo nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
Các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định trong luật làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu thực tế của ngành Giáo dục.
Thứ sáu, ngành Giáo dục có vai trò và được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là các cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định;
điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục giữ vai trò chủ trì trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo và triển khai theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Thứ bảy, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Thứ tám, nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác (như việc đảm bảo nhà công vụ, được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết...).
Thứ chín, Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Thứ mười, tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nếu có nhu cầu.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Luật Nhà giáo. Dự kiến, ngày 20/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.