Điểm chuẩn đại học năm 2023 thay đổi thế nào?

Nhận định về điểm chuẩn đại học năm 2023, các chuyên gia dự đoán không giảm, có thể tương đương năm ngoái. Một số ngành có thể tăng nhẹ.

Điểm chuẩn ngành hot dự báo tăng nhẹ

Trả lời báo Giáo dục & Thời đại, TS Lê Đình Nam, Phó trưởng phòng Tuyển sinh (Đại học Bách khoa Hà Nội) dự đoán, điểm chuẩn các ngành trên toàn quốc có thể tăng nhẹ. Đặc biệt, một số ngành "hot" được nhiều thí sinh quan tâm có mức độ cạnh tranh cao như: Nhóm ngành Công nghệ thông tin, tự động hóa...

Các chuyên gia dự đoán điểm chuẩn đại học năm 2023 có thể tương đương năm ngoái (Ảnh minh họa).

Các chuyên gia dự đoán điểm chuẩn đại học năm 2023 có thể tương đương năm ngoái (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, điểm chuẩn các chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể giảm bởi số lượng người thi lựa chọn khối Khoa học tự nhiên, nguồn tuyển sinh cho các trường tập trung tuyển nhiều theo các khối A00, A01, B00, D07 như: Bách khoa Hà Nội, giảm so với các năm trước, chiếm khoảng 31,52% trong số các bạn tham gia thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, cùng với các phương thức xét tuyển đa dạng hiện nay, nhiều thí sinh có năng lực tốt đã trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm.

Trong khi đó, nhận định về điểm chuẩn đại học năm 2023, TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội) lại cho rằng điểm chuẩn các ngành khối kinh tế không giảm, thậm chí có thể tăng nhẹ.

TS Lê Xuân Thành dự đoán, điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành của Trường Đại học Mỏ - Địa chất có thể tương đương năm ngoái. Riêng ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin điểm chuẩn có thể tăng nhẹ vì chỉ tiêu năm nay giảm so với năm trước. Tuy nhiên, các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật có thể giảm từ 0,5-1,5 điểm.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến điểm chuẩn nhóm ngành y dược

Đối với điểm chuẩn các ngành y dược, PGS.TS Lê Đình Tùng, Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, năm 2023 số thí sinh có điểm xét tuyển từ 28-30 điểm cao hơn năm 2022. Số lượng thí sinh đạt từ 26-28 điểm cũng cao hơn năm trước. Trong khi tổng chỉ tiêu của trường không thay đổi. Do đó, nếu xét trên mặt bằng điểm thi thì dự kiến điểm chuẩn của nhóm ngành Y khoa sẽ tịnh tiến lên so với trước.

Tuy nhiên, điểm chuẩn năm nay cũng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố học phí tăng theo quy định của Chính phủ, từ 14,5 triệu đồng/năm học lên 55,2 triệu đồng. Bên cạnh đó, chính sách giảm điểm cộng ưu tiên tịnh tiến từ 22,5 điểm trở lên theo quy định của Bộ cũng sẽ khiến điểm chuẩn biến động không quá lớn.

Với các ngành trúng tuyển dưới 26 điểm thì xu hướng trúng tuyển năm nay cũng tăng lên từ 1-1,25 điểm. Bên cạnh đó, điểm ưu tiên giảm tịnh tiến theo quy định của Bộ. Từ các lý do trên, PGS.TS Lê Đình Tùng dự báo ngành Y khoa, ngưỡng điểm trúng tuyển năm nay ít nhất là bằng năm 2022.

Còn theo thống kê của ông Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ở khối B00 với mức điểm cao nhất 29,5-29,8 năm nay có 9 thí sinh, trong khi năm trước không có thí sinh nào.

Mức điểm 29, năm 2023 có 23 thí sinh, trong khi năm 2022 chỉ 13 thí sinh đạt được. Mức điểm 28,5 năm 2023 có 94 thí sinh trong khi năm 2022 có 68 thí sinh.

Đặc biệt khi so sánh mức điểm từ 25 điểm trở lên ở khối B, có thể thấy số thí sinh đạt mức điểm cao năm nay nhiều hơn năm ngoái. Đây là căn cứ để dự báo điểm chuẩn các trường khối ngành Y Dược, các trường tuyển sinh khối B năm nay sẽ tăng so với năm ngoái từ 0,25-1 điểm.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, các dự báo điểm chuẩn chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi quyết định đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên trực tiếp tìm hiểu kỹ thông tin về trường, các ngành đào tạo và điểm chuẩn của ngành mình quan tâm trong vài năm trở lại đây.

Thí sinh đạt điểm dưới mức dự báo vẫn nên mạnh dạn đăng ký ngành học yêu thích vì thứ tự nguyện vọng không ảnh hưởng đến kết quả trúng tuyển vào các nguyện vọng bên dưới.

Ngọc Châu

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/diem-chuan-dai-hoc-nam-2023-thay-doi-the-nao-d598455.html