Điểm chuẩn 'hóa rồng'…

Cho đến thời điểm này, nhiều thí sinh đã cay đắng chấp nhận sự thật là mình đã trượt nguyện vọng 1 (cũng là trượt nguyện vọng yêu thích nhất) dù điểm thi đạt tới 29,25 điểm, để xác nhận nguyện vọng trúng tuyển vào trường mà các em không quá mặn mà. Chưa bao giờ đỗ đại học dễ như bây giờ, nhưng cũng chưa bao giờ, điểm thi cao 'khủng khiếp', đến 9,75 điểm/môn mà vẫn rớt (với thí sinh chỉ sống chết đăng ký 1 nguyện vọng), cho thấy những bất ổn, nghịch lý của xét tuyển đại học năm nay.

1.Một học sinh chuyên Văn ở Hà Nội đạt số điểm 29 cho tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) nhắn qua Facebook cho tôi, ngay sau khi tôi viết một status trên trang cá nhân về nghịch lý thi cử năm nay, rằng: "Cô ơi, nhà con cách trường 50 km. 3 năm cấp 3, con chấp nhận trọ học xa nhà để nuôi ước mơ được trở thành cô giáo dạy Văn vì gia đình con chưa có ai theo nghề sư phạm. Bố mẹ con chỉ là lao động tự do nên cũng muốn con theo sư phạm để bố mẹ tự hào là nhà có cô giáo, mở mày mở mặt với dòng họ. Con lao vào ôn thi còn vì giấc mơ của bố mẹ con. Khi thi xong, bố biết con làm Sử, Địa khá tốt và riêng môn Văn, con làm sang tờ thứ 3 thì bố bảo, chắc ông trời không phụ bố con mình. Khi báo điểm, con được 29 điểm thì bố mừng lắm. Bố bảo, thời bố, Văn được 6, 7 điểm là cực khó, giờ con được 9,25 điểm môn Văn thì "con là siêu nhân của bố rồi". Vậy mà, con trượt sư phạm rồi. Cứ nghĩ đến bố mẹ, con lại thấy như mình có lỗi, con phụ công bố mẹ đúng không cô?".

Bất cứ sự cải tiến thi cử nào, nếu để xảy ra hệ lụy thì thiệt thòi nhất chính là thí sinh

Bất cứ sự cải tiến thi cử nào, nếu để xảy ra hệ lụy thì thiệt thòi nhất chính là thí sinh

Cô bé còn nhắn cho tôi khá dài, kể về những nhọc nhằn của một học sinh trọ học xa nhà, kể về những lần trên xe buýt tuyến về thăm nhà, em vẫn giở sách ra học. Sau đó, tôi có nhắn hỏi cô bé là giờ con chốt học trường nào thì cô bé bảo, con sẽ đi học ngân hàng, vì con nghĩ chắc đỗ sư phạm, nên các nguyện vọng tiếp theo, con đặt cho có mà thôi...

Tôi thì nghĩ, cô bé sẽ không phải trường hợp duy nhất rơi vào tình cảnh điểm cao chót vót mà vẫn phải chia tay với nguyện vọng 1, để rẽ vào những ngành mà các em không tha thiết mặn mà. Tôi cũng biết một nam thí sinh, chỉ vì không đỗ ngành ô tô của Trường Đại học Thủy lợi - ngành cháu rất thích vì nhà cháu có nhiều chú, bác làm ở xưởng ô tô, mà sau đó, vì cháu lại đỗ ngành Điều dưỡng của Trường Đại học Y tế công cộng, nên bố mẹ cháu đành cho cháu học ngành này, có vẻ không liên quan đến sở thích và sự trông mong của gia đình cháu.

"29 điểm - "điểm của Chúa rồi", các bác ở Bộ Giáo dục và Đào tạo nghĩ gì về chuyện thật mà như đùa này không?"; "Nói chung là quá vô lý, Văn 9 điểm đã là siêu nhân rồi mà vẫn trượt"; "Em thấy không ổn là với phương thức xét tuyển đại học như bây giờ, nhiều bạn có thể đỗ với các khối ngành khác nhau. Mà thực tế, rất ít bạn có thể học tốt tất cả các môn. Ngày xưa thi đại học 3 môn thôi mà trầy trật, điểm không cao như bây giờ, nhưng lại chọn được thí sinh ưu việt ở khối ngành đấy"... Đó là những dòng phụ huynh nhắn cho tôi. Còn một cô giáo dạy Văn ở Hà Nội thì nhắn cho tôi: "Năm nay chấm Ngữ văn tốt nghiệp loạn điểm. Cô dạy một lớp 40 học sinh, đủ các thành phần, nhiều em chưa bao giờ được trên 7 điểm Văn ở lớp mà kết quả là 30 em của lớp cô được 9 trở lên, có 5 em đạt 9,5 điểm. Học sinh được 9 điểm mà cô giáo không thấy vui, trái lại thấy buồn vì sự thi cử năm nay". Trong khi đó, chỉ riêng môn Ngữ văn, nhìn vào số liệu điểm thi tốt nghiệp năm nay sẽ thấy tình trạng "lạm phát" điểm cao là có cơ sở: Có 85.990 thí sinh đạt điểm 8; 70.526 thí sinh đạt 8,25; 72.249 thí sinh đạt điểm 8,5; 57.136 thí sinh đạt điểm 8,75; 49.254 thí sinh đạt điểm 9; 26.758 thí sinh đạt điểm 9,25; 14.198 thí sinh đạt điểm 9,5; 1.843 thí sinh đạt điểm 9,75 và có 2 thí sinh đạt điểm 10. Vậy mà, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, nhiều chuyên gia đã đánh giá rằng, phổ điểm năm nay khá tốt do đề thi phân hóa tốt, công tác ra đề thi năm nay đã tương đối "đều tay", do đó các trường đại học có thể căn cứ vào kết quả đó để tuyển sinh. Kết quả của kỳ thi khá ổn định phản ánh được chất lượng dạy học ở giáo dục phổ thông...

Theo chuyên gia, "kết quả kỳ thi khá ổn định" nhưng điểm chuẩn nhiều ngành lại dâng cao đột biến, thậm chí có ngành năm trước điểm chuẩn chỉ 15-16, năm nay vọt lên 25 điểm. Một hiện tượng "hóa rồng" điểm chuẩn.

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông cho rằng, do có quá nhiều phương thức xét tuyển cùng với các chỉ tiêu đi kèm, dẫn đến mất công bằng do thí sinh không thể tham gia hết các phương thức xét tuyển. Chừng nào việc tuyển sinh không thể quy chiếu về một chuẩn chung để đánh giá một cách công bằng thì bất cập là hiển nhiên. Thử hỏi, một em đỗ sư phạm với thi đánh giá năng lực là 18, 25 điểm chắc gì đã giỏi hơn em có điểm thi THPT đạt tới 29 điểm mà vẫn trượt?

2.Nhiều chuyên gia giáo dục và phụ huynh bày tỏ, bất cứ một nền giáo dục nào muốn thịnh vượng, rất cần một sự ổn định trong thi cử. Nhưng, thực tế thì không như vậy.

Từ năm 1975, thi cử tạm ổn định ở những giai đoạn 1975-1980 và 1980-1990, kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng là tách rời với các khối thi truyền thống A, B, C, D. Bước sang giai đoạn 1990-2001, Việt Nam vẫn có 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương và nhiều kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Giai đoạn từ năm 2002-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi "3 chung" với 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT, 2 kỳ thi tuyển sinh đại học và 1 kỳ tuyển sinh cao đẳng.

Kỳ thi "3 chung" được tổ chức tại các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn, khiến áp lực đổ dồn vào các thành phố này khi thí sinh cả nước đổ về dự thi. Lò luyện thi, học tủ mọc lên khắp nơi. Cũng trong kỳ thi "3 chung", bắt đầu có điểm sàn đại học.

Năm 2015, khi kỳ thi "3 chung" đã hết "sứ mệnh" lịch sử, cả nước chỉ tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia với 38 cụm thi, do trường đại học chủ trì (có thể gọi là kỳ thi "2 chung") khi kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ở kỳ thi "2 chung" này, thí sinh được đăng ký tối đa 16 nguyện vọng và được rút hồ sơ khi xét tuyển đợt 1. Từ chủ trương này, kỳ thi năm đó xảy ra tình trạng hỗn loạn, có thể được viết vào lịch sử khoa cử ở Việt Nam khi thí sinh ồ ạt rút hồ sơ trường này để nộp sang trường khác. Thậm chí, có gia đình, vì để kịp rút hồ sơ cho con em mình, đã thuê xe cứu thương chạy xuyên ngày 350 km mới đến được trường cần nộp...

Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh đang làm khó thí sinh

Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh đang làm khó thí sinh

Năm 2016, kỳ thi THPT quốc gia giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký 4 nguyện vọng và không được rút hồ sơ, nhưng lại "cải tiến" bằng cách tổ chức 50 cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chủ trì và 70 cụm thi do trường đại học chủ trì. Sang năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục được "đổi mới" khi kỳ thi được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, trường đại học, cao đẳng phối hợp (từ 2017, bắt đầu thêm môn tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để tránh việc học lệch, học tủ). Không dừng lại ở đó, năm 2018, do kỳ thi giao cho địa phương tổ chức, kết quả lại được các trường đại học sử dụng cho việc xét tuyển nên đã xảy ra vụ gian lận thi cử rúng động nhất trong lịch sử thi cử Việt Nam khi thí sinh bị điểm liệt được nâng thành thủ khoa. Hàng chục lãnh đạo quản lý giáo dục và giáo viên đã "nhúng chàm", phải nhận bản án.

Năm 2019, kỳ thi có một số cải tiến để phòng, chống gian lận, trường đại học chấm thi trắc nghiệm, địa phương chấm thi tự luận. Năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia được đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, mục tiêu chính để xét tốt nghiệp. Cùng đó nở rộ nhiều kỳ tuyển sinh đại học, phù hợp với xu thế tự chủ tuyển sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT duy trì cho đến tận năm 2024 với nhiều cải tiến kỹ thuật để "hoàn hảo" hơn, trong đó có việc không giới hạn số lượng nguyện vọng, đảm bảo thí sinh không đỗ nguyện vọng này sẽ đỗ nguyện vọng khác. Nhưng rồi, như chúng tôi đã đề cập ở trên, cũng do việc ra đề "chưa được đều tay" đã xảy ra tình trạng lạm phát điểm cao, việc các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu để cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp bị thu hẹp nên nhiều em điểm thi tốt nghiệp rất cao vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích, tạo tâm lí xã hội không tốt cho hàng ngàn thí sinh và phụ huynh.

Tôi nhớ, một nguyên lãnh đạo của Quốc hội từng nói: "Đổi mới giáo dục là cần thiết song cần ổn định, đừng năm nào được năm đấy để phụ huynh và học sinh đỡ vất vả". Nhưng, thi cử của chúng ta lại thay đổi liên tục khiến nhiều phụ huynh và thí sinh trở tay không kịp. Người chịu thiệt thòi nhất chính là thí sinh, như câu chuyện xét tuyển năm nay. Do đó, rất cần một tầm nhìn chiến lược, dài hơn cho cải cách thi cử, để chúng ta không bị động, nhất là kỳ thi năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, số lượng môn thi sẽ khác đi, sẽ tạo ra 36 tổ hợp xét tuyển, trong đó có tổ hợp hoàn toàn mới, mà theo dự đoán của các chuyên gia giáo dục, xử lí câu chuyện này cũng không phải là dễ!

TS. Nguyễn Thị Thu Phương

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/diem-chuan-hoa-rong-i741600/