Điểm chuẩn ngành công nghệ kỹ thuật ô tô 3 năm qua thay đổi ra sao?
Với sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là xu hướng xe điện, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng.
Các chuyên gia giáo dục dự đoán đây là ngành học có nhiều tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm hấp dẫn trong tương lai. Theo thống kê, điểm chuẩn ngành công nghệ kỹ thuật ô tô từ năm 2022 đến năm 2024 tại các trường ĐH ở TP HCM đều có xu hướng tăng nhẹ.
Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô vẫn rất "nóng"

Công nghệ kỹ thuật ô tô là một ngành học đa ngành, tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực quan trọng như cơ khí, tự động hóa, điện – điện tử và công nghệ chế tạo máy.
Cụ thể, điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT vào chương trình chuẩn tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM lần lượt là: 25.35, 26.65, 25.39 điểm
Trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP HCM lần lượt là: 60.13, 68.73, 78.22 điểm
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM lần lượt là: 24.50, 23.75 và 24 điểm.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có mức điểm thấp hơn lần lượt là 18, 15 và 15 điểm.
Ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường còn áp dụng các phương thức xét tuyển khác như xét học bạ, xét tuyển thẳng, xét kết quả thi đánh giá năng lực với nhiều chương trình đào tạo như chương trình đại trà, chương trình tiếng Anh, chương trình Việt - Nhật...
TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên-Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết với sự chuyển dịch sang công nghệ xanh, thông minh và tự động hóa, ngành học này chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, đặc biệt là mức thu nhập hấp dẫn.
Trong quá trình học, sinh viên không chỉ nắm vững nguyên lý hoạt động của động cơ, hộp số, hệ thống phanh, hệ thống treo, điện - điện tử của xe xăng mà còn tìm hiểu nguyên lý hoạt động, thực hành trên xe điện, xe hybrid, các hệ thống lái tự động và điều khiển thông minh.
Tăng cường thực hành trên xe điện, ứng dụng AI
ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên -Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhấn mạnh chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tại trường những năm gần đây mở rộng hơn, phù hợp với những giải pháp giao thông bền vững và thân thiện với môi trường.
Ngoài học với xe xăng, sinh viên còn được thực hành trên các mô hình xe điện thực tế và được trang bị khả năng nghiên cứu, phát triển các giải pháp tối ưu cho ngành công nghiệp ô tô điện; lập trình các phần mềm điều khiển các hệ thống hỗ trợ người lái, động cơ điện và hệ thống quản lý năng lượng.

Sinh viên trong giờ thực hành với động cơ phun xăng điện tử
Cô Nguyễn Thị Mộng Lành, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh-Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho rằng ngành học này đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Từ thiết kế, sản xuất đến vận hành xe, AI ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn con người mà chỉ là một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp tối ưu hóa công việc.
Nhà trường đang hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, trung tâm kỹ thuật và hãng xe lớn để tổ chức thực tập, học kỳ doanh nghiệp, đồng thời tổ chức ngày hội doanh nghiệp tuyển dụng việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
"Chương trình đào tạo hiện nay hướng dẫn sinh viên cách tiếp cận, vận dụng và làm chủ các công nghệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp, các em vừa trở thành nguồn nhân lực có tay nghề cao, vừa có khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong tương lai" - cô Lành cho biết thêm.