Điểm chuẩn ngành Logistics luôn cao nhất nhưng có dễ xin việc khi ra trường?
Ngành Logistics nhiều năm liên tiếp công bố mức điểm tuyển sinh thuộc nhóm cao nhất ở các trường đại học, bởi số lượng sinh viên đăng ký xét lớn mỗi năm.
Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ như hiện nay, ngành Logistics luôn nằm trong danh sách những ngành học có mức điểm chuẩn cao. Để biết ngành Logistics là gì và tại sao lại được nhiều bạn trẻ quan tâm đến vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.
Ngành Logistics là gì?
Ngành Logistics là khái niệm tổng quát được sử dụng để chỉ các hoạt động liên quan đến quản lý, vận hành và điều phối các sản phẩm, dịch vụ từ điểm sản xuất đến điểm tiêu dùng. Logistics bao gồm tất cả giai đoạn trong chuỗi cung ứng, từ quản lý kho, vận chuyển, xử lý đơn hàng, quản lý vận tải đến quản lý nguồn lực và các hoạt động liên quan khác.
Báo Lao Động dẫn lời PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho biết, sinh viên khi theo học ngành này sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để khi ra trường có thể làm việc ở cơ quan hải quan các cấp.
Ví dụ như làm ở đội kiểm soát hải quan, nghiệp vụ hải quan ở cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực chuỗi cung ứng logistics hay làm về xuất khẩu - nhập khẩu tại một số doanh nghiệp chuyên về Logistics như DHL, FPT, Vinafreight… hoặc trong các doanh nghiệp liên quan đến chuỗi cung ứng và vận tải như Grab, Shopee.
Cơ hội việc làm ngành Logistics?
Theo thống kê của Hội đồng Logistics Việt Nam, ngành Logistics tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, với tỷ lệ tăng trưởng 15 - 20% mỗi năm.
Trang tuyển sinh của trường Đại học Hồng Bàng thông tin thêm, cả nước có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics và con số này dự đoán sẽ càng tăng nhanh trong thời gian sắp tới.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng đưa ra kết quả khảo sát giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM dự báo mỗi năm có khoảng 310.000 - 330.000 chỗ làm việc, trong đó ngành Logistics chiếm 5%.
Đặc biệt, đây sẽ là một trong những ngành phát triển mạnh khi nước ta tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Điều này đã mở ra cho sinh viên nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi trường.
Chia sẻ về mức lương ngành Logistic, chị Nguyễn Phương Chi (37 tuổi) đang đảm nhận công tác nhân sự tại một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội cho biết, nhân sự ngành Logistics được phân chia theo nhiều cấp bậc, có thu nhập tốt hơn mặt bằng chung.
"Thông thường, mức lương ngành Logistic cho người mới dao động 5 - 8 triệu đồng/tháng. Ở các công ty lớn, mức lương sẽ cao hơn chút khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, với vị trí nhân viên sale như tôi sẽ có mức thu nhập dao động từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Cho nên, mức thu nhập của ngành này sẽ không làm người học phải thất vọng", chị Chi nói.
Hiện có rất nhiều trường đại học trên cả nước đào tạo ngành học này mang đến cho thí sinh nhiều lựa chọn: trường Đại học Thương Mại, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng), trường Đại học Kinh tế TP.HCM, trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM.