Điểm chuẩn xét tuyển sớm đại học cao chót vót: Thực chất hay chiêu trò?

Hàng loạt cơ sở giáo dục đại học (ĐH) vừa công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm. Ghi nhận cho thấy, kỉ lục điểm cao của các trường công bố sau liên tiếp xô đổ những trường công bố trước.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Trọng Quân

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Trọng Quân

Điểm xét tuyển tăng chóng mặt

Hiện các trường ĐH top đầu đều công bố xong phương thức xét tuyển sớm và điểm chuẩn xét tuyển sớm. Thí sinh cũng biết cơ hội trúng tuyển thế nào để chuẩn bị tâm thế bước vào kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

So với năm trước, điểm chuẩn của các trường này đều tăng. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, không ngoài dự đoán, ở phương thức xét tuyển tài năng, năm nay, ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10) tiếp tục có mức điểm chuẩn cao nhất 104,58/110 điểm, tăng 6,16 điểm so với năm 2023.

Các vị trí còn lại trong top 5 ngành có điểm cao nhất gồm: Khoa học Máy tính (IT1) 103,89/110 điểm (tăng 13,72 điểm); Công nghệ Thông tin Global ICT (IT-E7) 102,67/110 điểm (tăng 20,67 điểm); An toàn không gian số - Cyber Security (IT-E15) 102,6/110 điểm (tăng 20,56 điểm); Kỹ thuật Máy tính (IT2) 98,3/110 điểm (tăng 12,95 điểm).

Năm 2024 đã xuất hiện thêm một số ngành có mức điểm chuẩn cao (90+) thể hiện xu hướng về nhu cầu việc làm trong thời gian tới gồm: nhóm ngành về Vi mạch, bán dẫn; nhóm ngành về Khoa học và Công nghệ sức khỏe; nhóm ngành về Logistics và phân tích kinh doanh.

PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định hầu hết mức điểm chuẩn đều tăng so với năm 2023 do số lượng hồ sơ xét tuyển tài năng năm 2024 tăng gần gấp 2 lần so với năm ngoái. Mặt khác, đây cũng là nhóm ngành có nhu cầu nhân lực lớn trong xu thế thời đại, thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh.

Với Trường ĐH Ngoại thương, điểm chuẩn cũng tăng ở phương thức xét chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế. Năm trước, chỉ có 1 ngành điểm chuẩn là 29,5/30 thì năm nay có tới 4 ngành lấy mức điểm chuẩn này. Ở phương thức xét học sinh giỏi quốc gia, năm nay có ngành lấy điểm chuẩn tuyệt đối 30/30 điểm.

Học viện Ngân hàng cũng gây sốc khi ở phương thức xét kết quả học bạ, chương trình đào tạo chuẩn năm nay 7/30 ngành gần chạm ngưỡng tuyệt đối 29,9/30 điểm; chương trình đào tạo chất lượng cao có 2 ngành điểm chuẩn ở mức 39,9/40.

Ở phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, có ngành lên đến 115/150 điểm (ngành Kiểm toán); có 9/24 ngành điểm chuẩn là 110/150 điểm; 14 ngành còn lại điểm chuẩn là 100/150 điểm.

Trong khi đó, phổ điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy năm 2024, chỉ có 4,5% thí sinh đạt điểm từ 100/150 điểm trở lên, 0,8% thí sinh đạt từ 110/150 điểm trở lên.

Ở Trường ĐH Thương Mại, phương thức xét học bạ năm nay là 29/30 điểm; phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cao nhất là 22,5/30 điểm, trong khi năm trước chỉ 21 điểm, nhiều ngành tăng tới 2 điểm; phương thức xét kết quả kì thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay ngành cao nhất cũng cao hơn năm trước tới 2 điểm; phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả học tập ngành cao nhất năm nay là 26,75/30 điểm, năm trước là 25 điểm.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Nguyễn Dũng

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Nguyễn Dũng

Chiêu trò hút thí sinh?

Điểm chuẩn tăng cao khiến phụ huynh và thí sinh khá bất ngờ. Chị Lê Dung ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, con gái của chị có chứng chỉ IELTS 6.5 và học lực 2 năm lớp 11, 12 giỏi nhưng không trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng và Trường ĐH Thương mại.

Đáng tiếc nhất là con vừa đủ điểm chuẩn vào 1 ngành của Học viện Ngân hàng nhưng lại không trúng tuyển vì xét tiêu chí phụ.

“So với điểm chuẩn năm trước, năm nay tăng khá nhiều. Chính vì có ngành tăng tới 2-3 điểm nên thí sinh và phụ huynh không thể lường trước được để đăng kí”, chị Dung chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024, có 20 phương thức tuyển sinh của các trường ĐH. Trong đó, phương thức được nhiều trường sử dụng là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ…

Ghi nhận cho thấy hiện nay các trường ĐH sử dụng 5 hoặc 6 phương thức tuyển sinh như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng.

Việc xé lẻ chỉ tiêu tuyển sinh một mặt tạo nhiều cơ hội xét tuyển cho thí sinh, mặt khác, đang hạn chế cơ hội của thí sinh. Ví dụ, Học viện Ngân hàng dành 50% chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, 50% dành cho 4 phương thức xét tuyển sớm.

Tuy nhiên, trong 4 phương thức xét tuyển sớm, tính ra lại có tới 5-6 nhóm đối tượng. Tính tổng thể thì tỉ lệ chỉ tiêu lớn nhưng khi soi chiếu vào từng ngành cụ thể, thì mỗi phương thức chỉ rất ít chỉ tiêu trong khi số lượng thí sinh đăng kí lớn đã đẩy điểm chuẩn lên cao.

Tại Hội nghị tuyển sinh, hướng dẫn tuyển sinh, Bộ GD&ĐT luôn khuyến cáo các trường không nên sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, có trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học, thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, thực tế có thể thấy, việc đẩy điểm chuẩn lên cao cũng là một “chiêu trò” để thu hút thí sinh.

Ví dụ ngành Kiểm toán của Học viện Ngân hàng năm nay tuyển sinh 60 chỉ tiêu. Học viện này dành 30 chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (50%); 9 chỉ tiêu (15%) xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và kết quả kì thi V-SAT. Như vậy mỗi nhóm đối tượng chỉ có cơ hội cho vài thí sinh trúng tuyển nên tất yếu điểm chuẩn dâng cao.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/diem-chuan-xet-tuyen-som-dai-hoc-cao-chot-vot-thuc-chat-hay-chieu-tro-post1646811.tpo