Thi tốt nghiệp THPT 2024: Lỗi sai thí sinh dễ mắc trong bài thi Ngữ văn, Toán

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đang đến rất gần, các giáo viên đã chỉ ra cách làm bài thi môn Ngữ văn, Toán để được điểm cao, thí sinh có thể tham khảo.

Trao đổi với VietNamNet, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) cho biết, trong quá trình làm bài thi, đối với câu hỏi viết đoạn văn Nghị luận xã hội, thí sinh cần lưu ý: Phân bố thời gian làm bài hợp lý, tránh đầu tư quá nhiều thời gian mà không còn giờ làm câu hỏi Nghị luận văn học. Về mặt hình thức, cần thực hiện đúng yêu cầu viết đoạn văn với độ dài khoảng 200 chữ (2/3 trang giấy thi).

Về mặt nội dung, cần triển khai lập luận chặt chẽ, dẫn chứng khách quan có tính thuyết phục để làm sáng tỏ chủ đề nghị luận. Phần dẫn chứng liên hệ thực tế nên lựa chọn những nhân vật điển hình, có sức ảnh hưởng, truyền cảm hứng tích cực hoặc những câu chuyện đời sống chân thật, mang tính thời sự và ý nghĩa. Nên lấy 2-3 dẫn chứng để tăng sức thuyết phục cho bài văn. Từ đó, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

Cô Hạnh lưu ý, thí sinh tránh diễn đạt lan man, dẫn chứng cũ, không tiêu biểu, viết sai chính tả, sai yêu cầu đoạn văn…

Đối với câu hỏi viết bài văn Nghị luận văn học, về mặt hình thức, thí sinh cần thực hiện đúng yêu cầu viết bài văn nghị luận (Mở bài - Thân bài - Kết bài). Về mặt nội dung, trình bày đầy đủ kiến thức về tác giả, tác phẩm, giới thiệu luận đề; triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ, logic để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận. Ngoài ra, nên có so sánh, mở rộng cho vấn đề nghị luận.

Một số lỗi thí sinh hay mắc trong quá trình làm bài thi là không xác định đúng dạng đề nghị luận văn học, luận đề nên diễn đạt lan man, không đúng trọng tâm. Không xây dựng dàn ý, không xác định việc chia tách đoạn văn trong quá trình làm bài. Thiếu liên kết ý giữa các đoạn cũng khiến các em mất điểm một cách đáng tiếc.

Thầy Bùi Đức Dương - giáo viên môn Toán Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, một số lỗi thí sinh hay mắc trong quá trình làm bài thi môn Toán như:

- Mắc lỗi khi sử dụng máy tính: Thí sinh chủ quan trong câu bấm máy tính, hoặc khi dùng máy tính nhưng chuyển đổi đơn vị.

- Tính toán sai, nhớ công thức sai.

- Nhầm lẫn khái niệm gần giống nhau: Câu hỏi về khái niệm hàm lũy thừa, ví dụ như SGK có định nghĩa khái niệm hàm số lũy thừa theo giá trị của lũy thừa (lũy thừa tự nhiên, số hữu tỷ tập xác định là gì...); Chọn nhầm không phân biệt được kết quả đi kèm điều kiện gì...

- Đọc sai đề: Không đổi đơn vị, nhầm biểu thức toán học.

- Hiểu sai câu hỏi.

- Quên điều kiện để áp dụng.

- Bỏ sót yêu cầu của bài toán, thiếu trường hợp giải quyết vấn đề: TH1, TH2 dẫn đến đáp án thiếu...

- Không kiểm soát thời gian nên dễ mất điểm câu hỏi dễ.

Theo thầy Dương, thời gian này, thí sinh có thể tăng cường làm đề để tập quen với tâm lý thi thật, thường xuyên chú ý tới việc tô mã đề đúng; làm hằng ngày sẽ giúp kỹ năng tốt...

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống (năm 2023 là 1.024.063). Trong đó, 45.344 thí sinh tự do đăng ký dự thi (năm 2023 là 37.841).

Lịch thi như sau:

Hoàng Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/loi-sai-thuong-gap-trong-bai-thi-tot-nghiep-thpt-2024-mon-van-toan-2293640.html