Điểm cốt lõi của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế vẫn 'chạy rất chậm'
Dù đã có nhiều nỗ lực trong quá trình chuyển đổi số, nhưng điểm được coi là 'khởi đầu, cốt lõi' trong tiến trình này của ngành y tế là triển khai bệnh án điện tử vẫn còn rất chậm so với kỳ vọng.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã làm thay đổi sâu sắc, căn bản, trở thành phương tiện, công cụ không thể thiếu trong hoạt động của ngành y tế.
Chuẩn dữ liệu cũ không còn phù hợp
Thông tin tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 vừa diễn ra, Bộ Y tế cho biết năm 2024 đánh dấu mốc trọng trong việc triển khai chính thức Quyết định của Bộ trưởng Y tế quy định Chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT và giải quyết các chế độ liên quan.
Chuẩn dữ liệu mới này thay thế cho chuẩn cũ đã triển khai từ năm 2017 "không còn phù hợp và không còn đáp ứng với nhiệm vụ chuyển đổi số mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay", theo Bộ Y tế.
Trước đó, Bộ Y tế đã triển khai kiểm thử trong hơn 1 năm và chính thức thực hiện từ ngày 1/7. Sau hơn 5 tháng, 12.485 cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc đã kết nối, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh sang cơ quan BHXH với hơn 81 triệu hồ sơ được gửi theo Chuẩn dữ liệu mới.
Đại diện Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cũng cho biết Bộ đã triển khai thí điểm tích hợp giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại trên ứng dụng định danh điện tử Quốc gia VNeID của Bộ Công an theo nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị ngành y tế tích cực thực hiện chuyển đổi số ngành y tế, làm sao phấn đấu đạt tỉ lệ cao hơn, từ số hóa hồ sơ, y tế điện tử, liên thông kết quả xét nghiệm…
Hằng năm, các cơ sở y tế khám cho hơn 170 triệu lượt khám ngoại trú và điều trị cho hơn 17 triệu lượt người. Theo số liệu do BHXH Việt Nam cung cấp, đến nay cả nước có hơn 1,5 triệu giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 5 triệu giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của BHXH Việt Nam. Trong đó, gần 600.000 giấy chuyển tuyển BHYT và khoảng 2,1 triệu giấy hẹn khám lại đã đồng bộ sang Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư - Cục C06 Bộ Công an để hiển thị lên ứng dụng VNeID.
Bộ Y tế đánh giá, việc triển khai giấy chuyển tuyến BHYT điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử đã giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến, tái khám. Hoạt động này cũng giúp hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến và tái khám.
Tuy nhiên, bệnh án điện tử vẫn... "chạy rất chậm"
Trong tiến trình nỗ lực chuyển đổi số lĩnh vực khám chữa bệnh, thực hiện bệnh án điện tử là hoạt động cốt lõi và là điểm khởi đầu. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy đến tháng 10/2024, Việt Nam có 1.645 bệnh viện, trong đó có 384 bệnh viện tư nhân.
Trung bình, mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần đầu tư hơn 10 tỷ đồng để triển khai bệnh án điện tử. Với những bệnh viện quy mô lớn như Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức… ở Hà Nội, số tiền đầu tư lớn hơn rất nhiều.
Theo yêu cầu trong Thông tư 46/2018 của Bộ Y tế, đến hết năm 2023 tất cả bệnh viện hạng I phải triển khai bệnh án điện tử. Đến nay, chỉ mới có hơn 100 bệnh viện công bố chuyển dùng loại hình bệnh án này, trong đó chỉ hơn 30 bệnh viện hạng I trở lên, số còn lại là bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Phú Thọ, Quảng Ninh là hai địa phương có số lượng bệnh viện/trung tâm y tế sử dụng bệnh án điện tử nhiều nhất cả nước.
“Tiến độ này chưa như kỳ vọng”, Bộ Y tế đánh giá tại Hội thảo hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử diễn ra hồi tháng 10.
Cả nước hiện có 34 bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế với vai trò là bệnh viện tuyến cuối, đại đa số là bệnh viện hạng I trở lên, nhưng số lượng đơn vị đã công bố triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy là rất ít.
Mới nhất, ngày 19/12, Bệnh viện Da liễu Trung ương (thuộc Bộ Y tế) là bệnh viện đầu tiên thuộc chuyên ngành da liễu trong cả nước được hội đồng thẩm định thống nhất công nhận đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử.
Hiện Bộ Y tế có 5 bệnh viện hạng đặc biệt (Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Huế), nhưng từ ngày 1/11, chỉ mới có Bệnh viện Bạch Mai triển khai được. PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trong hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2025 khẳng định bệnh viện này quyết tâm thực hiện chiến lược "Bình dân học vụ chuyển đổi số".
Phát biểu tại lễ bấm nút chính thức triển khai hệ thống bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 1/11, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, bệnh viện đa khoa lớn nhất cả nước triển khai thành công bệnh án điện tử thì các cơ sở khác trực thuộc Bộ Y tế hay các địa phương hoàn toàn có thể thực hiện được.
Triển khai trợ lý ảo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, ngoài hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển ứng dụng CNTT y tế, Bộ Y tế còn tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực khám chữa bệnh, trong đó tập trung triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, bệnh án điện tử, liên thông kết quả xét nghiệm, hướng dẫn, triển khai hiệu quả Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Tập trung đẩy mạnh triển khai Đề án 06 của Chính phủ, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong hầu hết hoạt động, dịch vụ của ngành y, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Bộ Y tế cũng xác định nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai định danh và xác thực người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống trực tuyến của Bộ Y tế.
Triển khai trợ lý ảo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức và duy trì trợ lý ảo phục vụ người dân.