Điểm đặc biệt trong văn hóa thưởng trà ở Việt Nam

Không cầu kỳ như Nhật Bản hay nhiều lễ nghi như Trung Quốc, văn hóa thưởng trà Việt Nam đơn giản mà phản ánh tinh thần yêu thương, đoàn kết, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định Việt Nam có văn hóa thưởng trà khác hẳn Trung Quốc, Nhật Bản. Văn hóa này ngày nay đang phát triển mạnh mẽ đồng thời phản ánh rõ nét giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn nói thêm Việt Nam còn có nhiều loại trà nổi tiếng khắp thế giới như Thái Nguyên, Ô Long, Phú Thọ… Theo ông Tuấn, cách thưởng trà của người Việt thể hiện tinh thần đoàn kết và sự sáng tạo, khéo léo của dân tộc. Đó là chia sẻ tại buổi ra mắt sách Tìm trà của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn vào sáng 28/12 ở TP.HCM.

5 thức uống trà

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, người Trung Quốc là dân tộc đầu tiên biết uống trà. “Ngày xưa họ lên rừng hái lá trà cổ thụ về làm thuốc chứ không phải để uống như ngày nay. Đến khi uống thì thấy ngon, thơm, kích thích thần kinh nên mới chế biến thành thức uống”, ông cho biết.

Ông nói thêm văn hóa thưởng trà sau đó lan sang Việt Nam và Nhật Bản. Việt Nam vốn có cây trà cổ thụ chứ không cần lấy từ ai, người dân chỉ tham khảo cách uống rồi chỉnh sửa cho phù hợp. “Có thể nói Việt Nam cũng là một trong những quốc gia khởi thủy của văn hóa thưởng trà”, PGS Thịnh nhấn mạnh.

Theo ông, nếu Nhật Bản có “đạo trà” thiên về nghi lễ, tinh tế và cầu kỳ, Việt Nam lại có 5 thức thưởng trà, bao gồm: nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh.

Theo đó, yếu tố quan trọng đầu tiên trong văn hóa thưởng trà Việt Nam là nước. Nước phải tinh khiết thì trà mới ngon. “Loại nước bình thường chỉ pha trà 1-2 lần đã nhạt. Nếu lấy được nước suối trong, tinh khiết, pha trà đến 8 lần vẫn còn thơm.”, ông nói thêm.

 Từ trái qua, MC Phương Thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn và bạn trẻ đam mê trà Lê Thủy Tiên.

Từ trái qua, MC Phương Thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn và bạn trẻ đam mê trà Lê Thủy Tiên.

Hai yếu tố tiếp theo là lá trà và cách pha trà. Ông Thịnh nhắc chuyện chúa Trịnh Kiểm ngày xưa, dù có tôi tớ trăm người, quyết tự pha trà để thưởng thức. Thậm chí, chúa Trịnh tự gọi mình là “trà nô”, nô lệ của trà, để nói về sở thích của bản thân.

“Ấm trà là thứ nhiều người dễ bỏ qua, ta nghĩ rằng ấm nào cũng pha trà giống nhau. Thật ra một loại trà được pha với 2 loại ấm sẽ mang đến hương vị khác nhau”, PGS Thịnh nói về yếu tố thứ tư.

Cuối cùng, “ngũ quần anh”, theo ông, là thứ phản ánh rõ văn hóa của người Việt. Uống trà trong văn hóa Việt Nam thường hiếm khi “độc ẩm” (uống một mình) mà sẽ uống từ hai người trở lên. “Cùng uống trà giúp tăng tình đoàn kết, yêu thương lẫn nhau”, ông Thịnh nhận xét.

Nét khác trong văn hóa thưởng trà của người Việt phải nói đến sự kính trọng và mến khách. Thông thường, người lớn nhất trong gia đình, ví dụ bố mẹ hay ông bà, sẽ nhắc việc pha trà rồi người con, cháu sẽ thực hiện. Chén trà đầu tiên luôn dành cho người lớn hoặc khách đến chơi nhà. “Trà lúc này thể hiện sự gần gũi, thân yêu và đùm bọc trong văn hóa Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Người đi “Tìm trà”

Tìm trà là quyển sách thứ tư nói về văn hóa thưởng trà của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn. Ba quyển sách trước của ông là Phác Thảo danh trà Việt Nam, Trà Thượng Ty, 54 giai thoại về tràthưởng trà. Trong tác phẩm lần này, ông Tuấn tập trung kể về hành trình tìm tòi, nghiên cứu trà tại vùng miền Việt Nam lẫn thế giới.

Theo Hiệp hội Trà Mỹ, trà là thức uống phổ biến thứ hai trên thế giới sau nước lọc. Và Việt Nam có đến 34 vùng trồng và sản xuất trà. Nước ta cũng là “cái nôi phát triển” của văn hóa thưởng trà.

“Trà ở Việt Nam xuất hiện trong ca dao, tục ngữ, trong đời sống thường ngày và xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Tuấn cho biết. Theo ông, những loại trà nổi tiếng ở Việt Nam như Thái Nguyên, Phú Thọ hay Ô Long đều có câu chuyện thú vị.

Điển hình là trà Ô Lông có nguồn gốc Trung Quốc. Theo lời ông Tuấn, loại trà này xuất hiện ở Việt Nam từ cuối năm 1992, khi ông Ba Toàn ở Cầu Đất (Lâm Đồng) nhập khẩu cây trà bonsai về Việt Nam trồng thử. Bất ngờ, cây sống tốt và cho ra trà ngon, đến nỗi người Trung Quốc phải mua về nước bán lại.

 Tìm trà của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn có 3 phần, bao gồm: Trà là gì?, Phong vị trà Việt , Theo trà vòng quanh thế giới.

Tìm trà của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn có 3 phần, bao gồm: Trà là gì?, Phong vị trà Việt , Theo trà vòng quanh thế giới.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Tuấn cho biết bản thân ấn tượng nhất với văn hóa nấu trà của người Dao ở Văn Bàn (Lào Cai) sau hàng chục năm “tìm trà”.

“Tôi gặp cụ già, 70 tuổi, người Dao ở Văn Bàn. Nhà ông có những cây trà cổ thụ thật to. Hàng năm, ông sẽ nấu ống lam chừng 3 kg trà, nướng trên gác bếp suốt năm, đến Tết thì lấy chia cho đồng bào. Đó là tập tục được thực hiện từ nhiều đời”, ông Tuấn nói thêm những ống trà lam phản ánh tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của người Việt.

Đức An

Nguồn Znews: https://znews.vn/diem-dac-biet-trong-van-hoa-thuong-tra-o-viet-nam-post1521003.html