Diêm dân Bạc Liêu lo lắng giữ nghề di sản
Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020, nghề làm muối Bạc Liêu có từ hàng trăm năm qua đang đứng trước nhiều khó khăn...
1.589 ha muối bị... bốc hơi
Sản phẩm muối Bạc Liêu nổi tiếng trong và ngoài nước với chất lượng cao và trữ lượng lớn. Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là trong khi người nuôi tôm, người trồng lúa đều có cuộc sống ổn định, phát triển bền vững thì nghề làm muối dù nổi tiếng nhưng diêm dân vẫn sống chật vật. Chính vì thế, diện tích ruộng muối ngày càng giảm khi diêm dân dần chuyển nghề khác. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có hơn 3.000ha sản xuất muối, khoảng 1.300 hộ trực tiếp làm muối thì đến năm 2015 số lượng này đã giảm xuống chỉ còn hơn 2.600 ha, năm 2023 thực hiện sản xuất còn 1.411 ha. Như vậy, có ít nhất 1.589 ha muối đã bị bốc hơi.
Nghề làm muối luôn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, lượng mưa trong năm nhiều hay ít ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng, chất lượng hạt muối. Những năm gần đây, với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, nhiều diêm dân đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, qua đó đã nâng cao chất lượng hạt muối và tăng năng suất thu hoạch bằng phương pháp trải bạt. Nhưng tỷ lệ áp dụng phương pháp trải bạt của tỉnh còn khá thấp, chỉ chiếm dưới 7% tổng diện tích.
Hơn 90% diện tích còn lại, diêm dân tại Bạc Liêu vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống. Hiệu quả áp dụng khoa học - công nghệ chỉ mới dừng lại ở sự gia tăng năng suất và giá trị hạt muối chứ chưa ứng phó được với diễn biến bất thường của thời tiết. Đặc biệt, mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp bước đầu được triển khai nhưng còn bất cập về phương thức đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm dẫn đến phát triển chưa bền vững nên hiệu quả kinh tế trung bình nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh...
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã có lâu đời với gần 200 năm nay. Muối Bạc Liêu đã có tiếng cả nước, thậm chí ra nước ngoài, do chất lượng muối cao, đạt chuẩn theo yêu cầu. Tuy nhiên, nghề làm muối dù có tiếng tăm nhưng diêm dân lại không sống được bằng nghề.
“Nguyên nhân do ngoài làm muối thô ra thì muối Bạc Liêu không làm được món gì khác, nên giá trị mang lại cho người làm muối không cao. Vì vậy, nghề muối Bạc Liêu phải được sự quan tâm nhiều hơn từ cấp bộ tới cấp tỉnh, sắp tới cần tổ chức sản xuất một cách bài bản hơn” – ông Phạm Văn Thiều trăn trở.
Diêm dân gặp khó, Chủ tịch UBND trăn trở
Bạc Liêu có 56 km bờ biển, diện tích đất ngập mặn ven biển rộng lớn, hệ thống kênh rạch chằng chịt, cùng với thời tiết 2 mùa mưa - nắng rõ rệt, đây điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nghề làm muối tỉnh Bạc Liêu phát triển. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, vùng đất Bạc có kết cấu chặt, độ hấp thụ nhiệt của đất rất mạnh, độ bay hơi nước biển cao, lại không có các vùng đá vôi ven biển nên muối không có vị đắng.
Nghề muối Bạc Liêu đã hình hành và phát triển hàng trăm năm. Sản phẩm có hương vị đậm đà, độc đáo vì trong muối có hàm lượng magie, canxi, sunfat... rất thấp, không gây vị đắng, chát. Điều này đã làm cho muối Bạc Liêu nổi tiếng từ xưa đến nay. Với hơn 1.500ha còn lại, Bạc Liêu vẫn là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Bạc Liêu cho biết, trong niên vụ năm 2023, sản lượng muối toàn tỉnh đạt trên 27.000 tấn, trong đó muối trắng trải bạt là hơn 7.300 tấn, còn lại là muối sản xuất truyền thống. Năng suất trung bình đạt gần 17 tấn/ha (đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 37 tấn/ha (đối với muối trải bạt). Tổng số hộ sản xuất muối năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 767 hộ, với 1.520 lao động.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết: "Hạt muối Bạc Liêu không có vị chát, ngon hơn những nơi khác nhưng giá bán muối tại ruộng chỉ khoảng 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, sau khi qua chế biến khi xuất khẩu sang Singapore thì có giá bán khoảng 1,8 triệu đồng/1kg.” Cũng theo ông Thiều, nghề làm muối vất vả, nắng cháy cả lưng nhưng thu nhập mang lại không cao. “Nếu không được sự quan tâm, hỗ trợ thì chỉ vài năm nữa thôi thì diêm dân sẽ bỏ nghề để chuyển sang công việc khác" – ông Phạm Văn Thiều trăn trở.
Sẽ tổ chức Festival Muối
Cuối năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cùng với đầu tư cho sản xuất muối, thì việc chế biến xuất khẩu cũng phải được quan tâm, bởi đây là khâu quyết định giá trị hạt muối. Hiện tại, Bạc Liêu có 2 Nhà máy chế biến muối có tổng công suất thiết kế trên 36.000 tấn/năm; trong đó một số sản phẩm chất lượng cao đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… và cung cấp cho hơn 300 cửa hàng, siêu thị từ Bắc vào Nam.
Nhằm bảo tồn, thúc đẩy, phát huy giá trị nghề làm muối, nâng cao đời sống của diêm dân, nhiều năm nay tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét tổ chức Festival muối tại tỉnh Bạc Liêu vào năm 2024.
Qua đó, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm muối trong nước nói chung, muối Bạc Liêu nói riêng, xúc tiến đầu tư thương mại, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và thương mại muối. Tỉnh cũng kiến nghị NN&PTNT hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ từ khâu cung cấp nước biển đến thu hoạch, vận chuyển, làm sạch và đánh đống bảo quản muối…
“Festival Muối do Bộ NN&PTNT chủ trì sẽ được tổ chức tại Bạc Liêu vào tháng 12 tới. Đây là Festival mang tầm cỡ Quốc gia, nên là một cơ hội cho nghề làm muối Bạc Liêu nâng tầm giá trị kinh tế, văn hóa. Cũng là một cơ hội để người làm muối Bạc Liêu ổn định cuộc sống, an tâm gìn giữ bảo tồn một Di sản phi vật thể Quốc gia quý giá” - ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/diem-dan-bac-lieu-lo-lang-giu-nghe-di-san.html