Điểm danh 5 loài động vật thông minh bậc nhất thế giới
Những loài động vật dưới đây đều sở hữu trí thông minh đáng nể. Thậm chí, chúng có thể bắt chước con người hoặc tạo các dụng cụ kiếm ăn.
1. Tinh tinh
Tinh tinh thuộc bộ Linh trưởng, họ hàng gần nhất với nó là bonobo. Trongthiên nhiên hoang dã, tinh tinh trưởng thành có thể cân nặng 40-65 kg, khi đứng thẳng chúng thường cao 1,3-1,6 m. Đây là loài sống theo bầy đàn với một đàn thường có từ 15 đến 150 cá thể.
Hiện nay, tinh tinh được liệt kê trong Sách đỏ IUCN là loài nguy cấp, do tình trạng phá hủy môi trường sống, săn bắn và bệnh tật đang đe dọa nghiêm trọng đến loài này.
Đây là một trong những loàiđộng vật thông minhnhất trong thiên nhiên hoang dã. Theo các nhà khoa học, chúng sở hữu trí tuệ đáng kinh ngạc khi có thể chế tạo và sử dụng các công cụ đi săn theo bầy đàn. Ngoài ra, tinh tinh còn có khả năng xử lý nhiều vấn đề cá nhân phức tạp. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, loài vật này còn có khả năng học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp cùng con người, chúng cũng có thể nhớ tên của một ai đó dù nhiều năm chưa hề gặp mặt lại.
2. Cá heo
Cá heo làđộng vật có vúsống ở đại dương và có quan hệ mật thiết với cá voi. Có gần 40 loài cá heo thuộc 17 chi sinh sống ở các đại dương, số ít còn lại sinh sống tại một số con sông trên thế giới như: sông Dương Tử, sông Amazon, sông Ấn, sông Hằng,...
Chiều dài của cá heo có thể từ 1,2 m cho tới 9,5m và nặng đến 10 tấn. Cá heo là loài ăn thịt, chủ yếu là ăn cá, mực… Chúng được biết đến là một trong những động vật thông minh nhất thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu, cá heo có những tập tính liên kết xã hội phức tạp. Chúng tổ chức bày đàn, lập chiến lược săn mồi và phân công vai trò các cá thể trong đàn để do thám, canh chừng kẻ thù. Ngoài ra cá heo còn có khả năng lĩnh hội ngôn ngữ và biết cảm thông. Loài động vật này có thể cứu sống nhiều người đang gặp nguy hiểm hay sự thương tiếc đồng loại khi một cá thành viên trong đàn chết đi.
3. Đười ươi
Đười ươi hay còn gọi là “dã nhân” hoặc người rừng, là một chi thuộc họ Người thuộc bộ Linh trưởng, chủ yếu sống trên cây. Lông của đười ươi thường là màu nâu đỏ, thay vì màu nâu hoặc màu đen đặc trưng của loài khỉ lớn khác. Đười ươi có thể sống tới 60 năm trong môi trường nuôi nhốt. Trong tự nhiên, đười ươi cũng có cấu trúc xã hội phức tạp với các thứ bậc và có sự tranh giành thứ bậc.
Đười ươi là một trong những loài linh trưởng thông minh nhất và có thể sử dụng nhiều công cụ một cánh tinh vi, chúng có thói quen làm tổ ngủ mỗi đêm từ các nhánh cây và lá cây.
Trong môi trường nuôi nhốt, có những con đười ươi học cách sử dụng máy tính bảng Ipad để nhận biết các bộ phận trên cơ thể và thức ăn.
Theo Carel van Schaik – chuyên gia linh trưởng học tại Đại học Zurich, Thụy Sỹ: “Đười ươi có một dạng tín hiệu báo động hết sức đặc biệt, nghe giống như âm thanh phát ra khi chúng ta... hôn nhau vậy. Đây là một dạng tín hiệu nhằm mục địch cảnh báo về nguy hiểm đang rình rập”.
Vào năm 2008, nhân viên trong khu bảo tồn động vật trên đảo Kaja ở Borneo đã chứng kiến cảnh loài đười ươi đang treo mình trên những cành cây để dùng lao bắt cá như những người dân địa phương ở đó hay làm.
4. Quạ
Là một chi chim thuộc họ Corvidae, chi này có khoảng 45-46 loài có kích thước khác nhau. Một số loài trong chi này có trí thông minh cao, ví dụ như một con quạ mỏ nhỏ có tên khoa học là Corvus corone đã biết đập vỡ hạt bằng cách đặt nó trên lối đi bộ ngang qua đường, để cho ô tô đi qua làm vỡ vỏ, chờ đến đèn báo giao thông chuyển sang đỏ và sau đó thu lấy nhân hột một cách an toàn. Ngoài ra, nhiều loài quạ khác nhau còn biết ghi nhớ nơi chúng cất giấu thức ăn và giấu kỹ thức ăn của mình để tránh kẻ khác cướp mất.
Quạ New Caledonia có tên khoa học là Corvus moneduloides có khả năng chế tạo công cụ để làm cây câu côn trùng từ cành cây và lá được xén tỉa thành các móc câu. Sau đó chúng sử dụng các móc câu này để lôi ấu trùng của sâu bọ ra khỏi các lỗ trên thân cây. Quạ cũng có thể giao tiếp với những người dân địa phương, chơi các trò chơi cùng họ và thậm chí còn biết “bịp bợm”nữa. Một số nhà khoa học cho rằng quạ còn thông minh hơn linh trưởng.
5. Voi
Voi là động vật có vú thuộc họ Elephantidae và là động vật trên cạn lớn nhất hiện nay. Voi phân bố rải rác khắp châu Phi cận Sahara, Nam Á và Đông Nam Á. Chúng là động vật ăn cỏ thích sống gần nguồn nước.
Voi có một xã hội phân hạch-hợp hạch. Trong đó nhiều nhóm gia đình kết hợp với nhau để giao tiếp. Con cái có xu hướng sống trong các nhóm gia đình, có thể bao gồm một con cái với các con non của nó hoặc một số con cái có quanh hệ họ hàng. Các nhóm, không bao gồm con đực được dẫn dắt bởi con cái già nhất, theo hình thức mẫu hệ. Những con đực bị đuổi khỏi đàn khi đến kì động dục và có thể sống đơn lẻ hoặc tạo đàn với những con đực khác. Voi đực trưởng thành chủ yếu tương tác với các đàn khác khi tìm kiếm bạn đời.
Voi có thể thọ 70 tuổi trong tự nhiên. Chúng giao tiếp bằng xúc giác, thị giác, khứu giác và thính giác.
Trí thông minh của voi được so sánh với các loài linh trưởng và bộ cá voi. Chúng dường như có sự tự nhận thức và thể hiện sự đồng cảm với những thành viên hấp hối hoặc đã chết. Ngoài ra, voi có thể tự làm sạch thức ăn, sử dụng các công cụ trong tự nhiên bằng nhiều cách khác nhau. Với những chú voi sống trong điều kiện nuôi nhốt chúng có thể làm theo hiệu lệnh của con người.