Điểm danh các vũ khí phòng không-không quân Nga dùng ở Ukraine
Khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quân đội Nga đã huy động một lực lượng đông đảo các loại vũ khí trang bị tác chiến phòng không – không quân.
Tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S1
Là tổ hợp tên lửa-pháo phòng không tầm gần và tầm trung thế hệ 4, dùng tiêu diệt các mục tiêu trên không như máy bay phản lực, trực thăng, tên lửa hành trình...; bảo vệ các khu quân sự, khu hành chính, khu công nghiệp, đội hình hành quân...
Hệ thống Pantsir-S1. Ảnh: Military Today
Pantsir-S1 được trang bị: 12 tên lửa loại 576E, tầm bắn xa nhất 20km, độ cao 10km; 2 pháo tự động 30mm với 1.400 viên đạn; 2 radar có thể cùng lúc bám 20 mục tiêu; hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số. Đặc biệt, Pantsir-S1 vừa có thể độc lập, vừa có thể phối hợp tác chiến với các tổ hợp tên lửa khác, tạo khả năng phòng thủ rất hiệu quả.
Tổ hợp tên lửa phòng không vác vai 9K38 Igla
Được Mỹ, NATO gọi là SA-18 Grouse, tổ hợp dùng để tiêu diệt các loại máy bay, trực thăng của đối phương. 9K38 Igla được trang bị đầu dẫn hồng ngoại kiểu mới, có khả năng chống nhiễu quang điện tử; tiêu diệt các mục tiêu đang bay với vận tốc 400 m/s; thời gian triển khai chiến đấu nhanh (13s); dải nhiệt độ làm việc rộng (từ - 40 đến + 500C); tự hủy khi tên lửa không gặp mục tiêu.
Tên lửa Igla. Ảnh: Ảnh: Military Today
Hiện tên lửa Igla có các biến thể như: Igla-1, Igla-D, Igla-N, Igla-S.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk 9K37
NATO gọi là Gradfly, Mỹ gọi là PK SA-11, tổ hợp Buk 9K37 do Viện Khoa học Tikhomirov/Bộ Công nghiệp điện tử Liên Xô chế tạo năm 1972, được đưa vào biên chế trong quân đội năm 1980. Đến nay, Buk đã được cải tiến qua nhiều phiên bản và được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không cơ động hiện đại nhất thế giới. Buk 9K37 được bố trí trên xe tự hành, mỗi xe trang bị 4 tên lửa loại 9K37 đặt trên giá xoay 3600; radar 9S18 Tube Arm (hoặc 9S18M1 Snow Drift) có thể theo dõi cùng lúc 6 mục tiêu từ khoảng cách 85km.
Tổ hợp Buk. Ảnh: Ảnh: Military Today
Một số phiên bản chính: 9K37M Buk-1M (1984); 9K37M1 Buk-SAR (1995); phiên bản mới nhất là 9K38 Buk-1M-2.
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk M1-2
Là hệ thống tên lửa phòng không cơ động, tự hành (phát triển trên cơ sở hệ thống Buk 9K37) trang bị cho lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân và lực lượng bảo vệ bờ biển. Buk M1-2 trang bị tên lửa 9M317 dùng để tiêu diệt các loại máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất, tàu chiến... Buk-M1-2 có thể tác chiến trong điều kiện có nhiễu mạnh và tránh được hầu hết các loại nhiễu mục tiêu giả.
Buk M1-2 được trang bị 2 loại radar (9S117M1 Kupol-2 Snow Drift và 9S35M2 Fire Dome) có khả năng phát hiện, bám các mục tiêu ở cự ly 120km. Đặc biệt, tổ hợp có thể tiêu diệt các mục tiêu bay với vận tốc 3.600 km/h.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU2 (Phavorit)
Là hệ thống tên lửa phòng không tổng hợp, cơ động, đa kênh do Viện thiết kế Almaz thiết kế, chế tạo giai đoạn 1995-1997. Đây là phiên bản của tổ hợp S-300PMU1, dùng tiêu diệt các phương tiện tập kích đường không như máy bay, tên lửa có cánh, tên lửa đạn đạo, bảo vệ các mục tiêu quan trọng.
So với S-300PMU1, S-300PMU2 có nhiều ưu điểm vượt trội nhờ sử dụng loại tên lửa mới 48N6E2, có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo ở cự ly 40 km, máy bay ở cự ly 200 km. Ngoài ra, S-300PMU2 còn được tăng khả năng phát hiện mục tiêu nhờ sử dụng thiết bị chỉ thị mục tiêu độc lập mới RLS 96LE.
Đặc biệt, RLS 96LE còn có thể sử dụng đồng thời cho cả tên lửa 48N6E2 và 48N6E của tổ hợp S-300PMU1, đảm bảo khả năng tích hợp hệ thống Phavorit vào bất kỳ hệ thống phòng không nào.
Trực thăng vận tải đa năng Mi-171
Do nhà máy Ulan-Uden nghiên cứu, chế tạo (phát triển từ trực thăng Mi-8), Mi-171 được dùng để thực hiện các nhiệm vụ tuần tiễu, vận tải, cứu hộ cứu nạn, phòng chống bão lụt...
Mi-171 được chế tạo dựa trên những thành tựu khoa học tiên tiến của ngành hàng không, nên được đánh giá là một trong các loại máy bay hiện đại với ưu điểm: dễ vận hành, sử dụng; có thể làm trạm phẫu thuật y tế dã chiến; sắp xếp và bốc dỡ hàng hóa trong khi bay...; phạm vi hoạt động rộng (650km); có thể bảo duỡng dễ dàng với chi phí thấp.
Hiện Mi-171 đã được xuất khẩu khoảng 30 nước trên thế giới. Trung Quốc cũng đang chế tạo và lắp ráp loại trực thăng này tại tỉnh Tứ Xuyên theo giấy phép của Nga.
Trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-171Sh
Là một trong các phiên bản của trực thăng Mi-171. So với các trực thăng cùng thế hệ, Mi-171Sh có ưu điểm: có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau tùy thuộc vào trang bị lắp đặt (tiêu diệt các mục tiêu bọc thép, các công sự kiên cố, các mục tiêu trên không, trên mặt nước, đổ bộ, cứu thương, vận tải...); có thể hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết; khả năng tự bảo vệ cao (bọc thép phía trước, sau ca bin, thùng nhiên liệu chống đạn); trang bị nhiều vũ khí hiện đại (tên lửa chống tăng có điều khiển Shturm hoặc Ataka; tên lửa S-8, ống phóng UPK-23-250 loại 23mm, súng máy PKT 7,62mm; thiết bị quan sát ảnh...).
Ngay từ khi được thiết kế chế tạo, Mi-171Sh đã được nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, Bắc Phi đặt mua. Loại máy bay này đã được sử dụng tại nhiều nước ở châu Âu, châu Á, Nam Mỹ và châu Phi.
Tổ hợp mô phỏng mục tiêu trên không Dan
Là một dạng thiết bị bay không người lái do Công ty Rosoboronexport chế tạo. Tổ hợp có nguyên lý điều khiển bay hiện đại, nên có thể thực hiện được nhiều chế độ bay (bay cao; bay ngang và hạ thấp; bay thẳng; quay đầu và đổi hướng; bổ nhào...); tầm bay xa, thời gian bay dài; có thể cất cánh từ nhiều loại địa hình nhờ tính cơ động của bệ phóng; khả năng sử dụng tối đa 10 lần; giá thành khai thác và bảo dưỡng thấp.