Điểm danh dàn máy bay thế hệ thứ 5 trong lực lượng không quân thế giới
Trong khi có thêm ngày càng nhiều quốc gia phát triển và sản xuất các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, các nhà bình luận điểm lại những cái tên nổi bật.
Boeing F-22 Raptor
Boeing F-22 Raptor là máy bay phản lực thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới. Không quân Mỹ giới thiệu loại máy bay này vào năm 2005. Kể từ đó, công ty Mỹ Lockheed Martin đã sản xuất 195 chiếc F-22, chi phí cho mỗi chiếc lên tới 678 triệu USD.
F-22 được thiết kế để hỗ trợ các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Trong một đội hình chiến thuật, máy bay này chủ yếu hộ tống các máy bay ném bom chiến lược cổ điển (loại do Nga sản xuất). Những chiếc F-22 từng hoạt động ở nhiều các căn cứ không quân trên khắp thế giới, trong đó có các phi vụ ném bom trên bầu trời Syria và Afghanistan.
Loại máy bay phản lực một chỗ ngồi, hai động cơ này có trọng lượng cất cánh tối đa 38 tấn, có thể tăng tốc lên Mach 2,25 (771,75 m/s) và có bán kính chiến đấu 1.100 km. Vũ khí trên máy bay bao gồm một loạt tên lửa và bom do Mỹ sản xuất, từ tên lửa Sidewinder đến bom tự do trang bị hệ thống dẫn đường (JDAM-equipped dumb munitions).
Các quan chức Lầu Năm Góc đã nhiều lần tìm cách cho F-22 nghỉ hưu do chi phí vận hành cao, nhưng đến nay các kế hoạch vẫn đang bị hoãn.
F-35 Lightning II
Máy bay chiến đấu đa năng này cũng được Lockheed Martin sản xuất, lập kỷ lục là thiết bị quân sự đắt nhất. Theo các cơ quan chính phủ Mỹ, chi phí trọn đời cho máy bay này (sản xuất và vận hành) rơi vào khoảng hơn 2.000 tỷ USD.
F-35 có ba biến thể - A, B và C, được sản xuất cho không quân, thủy quân lục chiến và hải quân Mỹ. Tất cả các mẫu máy bay F-35 đều có một động cơ duy nhất và do một phi công điều khiển. Các máy bay này nặng từ 27,2-31,8 tấn có bán kính chiến đấu 935-1.241 km, tải trọng vũ khí từ 6,8 tấn đến 8,1 tấn và tốc độ tối đa là Mach 1,6 (548,8 m/s).
Mặc dù đã hoạt động gần một thập kỷ, F-35 vẫn thỉnh thoảng gặp phải một loạt các vấn đề, bao gồm từ bánh đáp bị lỗi đến ống nhiên liệu rung, hệ thống ngắm quang điện tử dễ vỡ và các vấn đề về cấu trúc che buồng lái.
Sukhoi Su-57
Sukhoi Su-57 là sản phẩm đầu tiên của Nga sử dụng công nghệ máy bay tàng hình thế hệ thứ năm. Nga ra mắt máy bay này vào năm 2010 và đưa vào sử dụng năm 2020.
Su-57 là máy bay một chỗ ngồi, hai động cơ có tốc độ tối đa Mach 2 (686 m/s), bán kính chiến đấu là 1.500 km. Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn và tải trọng vũ khí 10 tấn. Sáu trạm vũ khí (hard points) bên trong và sáu trạm bên ngoài trang bị tên lửa phòng không, một loạt tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm như Kh-38 và Kh-35, bom dẫn đường KAB-250 và 500 series.
Nga mới sản xuất khoảng 22 chiếc máy bay trong dòng Su-57 series cho đến nay. Hiện quân đội Nga tập trung nguồn lực vào Su-35, máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4++ (thế hệ 4 nhưng được nâng cấp).
Chengdu (Thành Đô) J-20
Máy bay phản lực thế hệ thứ năm của Trung Quốc J-20 có khung máy độc đáo không giống bất kỳ loại nào do các cường quốc hàng không vũ trụ toàn cầu khác chế tạo. Một số chi tiết thiết kế trên J-20 được cho là ảnh hưởng từ Mikoyan MiG 1.44, một mẫu máy bay phản lực của Liên Xô đã không còn hoạt động.
Máy bay có một chỗ ngồi, hai động cơ với trọng lượng cất cánh tối đa 37 tấn và tải trọng vũ khí lên tới 11 tấn, bán kính chiến đấu ấn tượng là 2.000 km và diện tích phản xạ radar 0,01 mét vuông (con số này càng nhỏ thì máy bay càng khó bị hệ thống radar đối phương phát hiện).
Máy bay trang bị những tên lửa mới nhất của Trung Quốc, bao gồm PL-14 - tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu cách xa tới 300 km. Đối với các cuộc giao tranh trên bộ, máy bay này có thể mang theo bom dẫn đường đường kính nhỏ LS-6.
Những máy bay khác
Một số quốc gia khác cũng đang nghiên cứu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, trong số đó có Ấn Độ. Chương trình máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến của công ty Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (AMCA) dự kiến bắt đầu sản xuất vào giữa những năm 2030.
Bên cạnh đó, chương trình Mitsubishi X-2 Shinshin của Nhật Bản cũng đang hướng tới các công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu F-X.
Máy bay của công ty Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Aerospace Industries Kaan – dự kiến ra mắt vào cuối những năm 2020, có vẻ tiến gần nhất đến giai đoạn sẵn sàng sản xuất. Những máy bay này dự kiến sẽ có cấu hình một hoặc hai chỗ ngồi, động cơ đôi, công nghệ tàng hình tiên tiến, tên lửa và bom không đối không cũng như không đối đất do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Hàn Quốc cũng đã chính thức khởi động sản xuất máy bay chiến đấu KF-21 Boramae (Chim ưng chiến đấu). Công ty Korea Aerospace Industries có hợp đồng trị giá 1,41 tỷ USD nhằm chế tạo 20 chiếc KF-21 vào năm 2027 và 120 chiếc vào năm 2032.
KF-21 được phân loại là máy bay phản lực thế hệ 4,5, nhưng các bản nâng cấp trong tương lai dự kiến sẽ khiến máy bay này trở thành thế hệ thứ 5.