Điểm danh hàng loạt 'ông lớn' báo lỗ và mất an toàn về tài chính
Bộ Tài chính khẳng định, tình hình báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2019 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ('Siêu Ủy ban') còn rất chậm.
Nhiều doanh nghiệp báo lỗ và mất an toàn tài chính
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp (DN) năm 2019.
Báo cáo với Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, mới nhận được báo cáo của 18/20 bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về kết quả kinh doanh lỗ, lãi và xếp loại doanh nghiệp ở 138 doanh nghiệp. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chưa gửi báo cáo. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới có báo cáo về 13 doanh nghiệp, còn thiếu 6 doanh nghiệp.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng mới có đánh giá hiệu quả hoạt động của 5 doanh nghiệp, còn 8 doanh nghiệp chưa được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2019.
Tổng hợp kết quả giám sát tài chính năm 2019 của 138 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được Bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo, Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp này đã nộp ngân sách năm 2019 là 113.818 tỷ đồng (tăng 8,08% so với năm 2018) và có tổng lợi nhuận sau thuế năm 2019 là 83.166 tỷ đồng (giảm 5,32% so với năm 2018).
Tổng doanh thu của 138 DNNN này là 924.961 tỷ đồng (tăng 24,37% so với năm 2018). Trong đó, doanh thu của 13 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là 669.478 tỷ đồng (chiếm 72,38% tổng doanh thu, tăng 16,52% so với năm 2018).
Trong 138 DNNN, 133 doanh nghiệp có lãi, 5 doanh nghiệp lỗ là Tổng công ty 15, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam). Có 6 doanh nghiệp nợ quá hạn là 112 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có 46 doanh nghiệp được đánh giá an toàn về tài chính, 4 doanh nghiệp mất an toàn về tài chính, 2 doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính. Các doanh nghiệp còn lại chưa được chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá đầy đủ.
Đối với 47 doanh nghiệp có vốn nhà nước được báo cáo, có 40 doanh nghiệp có lãi, 7 đơn vị lỗ. Năm 2019, 47 doanh nghiệp này có tổng doanh thu năm 2019 là 337.810 tỷ đồng (giảm 4,75% so với năm 2018), tổng lợi nhuận sau thuế năm 2019 là 34.408 tỷ đồng (tăng 25,79% so với năm 2018), nộp ngân sách năm 2019 là 29.410 tỷ đồng (giảm 1,37% so với năm 2018).
Tổng hợp số liệu về 342 DNNN do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố quản lý trên cả nước đã gửi báo cáo, Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu năm 2019 là 173.400 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế là 19.970 tỷ đồng, số nộp ngân sách là 49.228 tỷ đồng.
Trong đó, có 237/342 doanh nghiệp được đánh giá an toàn về tài chính, 6 doanh nghiệp mất an toàn về tài chính và 10 doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính. Các đơn vị còn lại chưa được cơ quan đại diện chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá.
Tổng hợp tất cả các số liệu trên về DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước do các bộ, ngành, địa phương và Ủy ban quản lý vốn quản lý, có 182 doanh nghiệp có lãi, 12 doanh nghiệp thua lỗ, 10 doanh nghiệp mất an toàn tài chính, 10 doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Cần xem lại hiệu quả của ‘Siêu Ủy ban quản lý vốn’
Tại báo cáo này, Bộ Tài chính nhấn mạnh, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến tiến độ giám sát, đánh giá hiệu quả và tăng cường minh bạch thông tin tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính tổng hợp, đôn đốc các đơn vị gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2019. Nhưng, đã quá thời hạn gửi báo cáo 4 tháng nhưng vẫn có Bộ, cơ quan ngang bộ chưa gửi báo cáo.
Đặc biệt Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty lớn trên cả nước với tổng doanh thu chiếm tới 59,69% tổng doanh thu của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nhưng Ủy ban cũng chưa gửi báo cáo đầy đủ của 19 doanh nghiệp lớn do Ủy ban quản lý.
“Tình hình báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn rất chậm”, đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện công tác báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả và xếp loại DN đúng theo quy định, đầy đủ và chính xác tình hình các DN và bảo đảm thời hạn báo cáo, tránh tình trạng Bộ Tài chính phải tổng hợp, báo cáo nhiều lần gây ảnh hưởng đến tiến độ báo cáo và công tác tổng hợp báo cáo của Bộ Tài chính.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, Bộ này đang khẩn trương rà soát, lấy ý các ý kiến về vướng mắc, các kiến nghị sửa đổi bổ sung Nghị định 87/2015/NĐ-CP về Giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động, công khai thông tin tài chính DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Đây không phải là lần đầu Bộ Tài chính có ý kiến về việc cơ quan chủ sở hữu chậm gửi báo cáo về Bộ Tài chính. Từ đầu năm, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các cơ quan chủ sở hữu nói rõ nơi nào không gửi báo cáo phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện giám sát theo quy định, Bộ Tài chính không lập Kế hoạch giám sát. Các cơ quan chủ sở hữu chậm gửi báo cáo gây ảnh hưởng đến tiến độ báo cáo và công tác giám sát và tổng hợp báo cáo của Bộ Tài chính, chậm báo cáo về tình hình doanh nghiệp tới Chính phủ./.