Điểm danh những doanh nhân Việt thành đạt sinh năm Rồng
Ông Đặng Thành Tâm, Ông Nguyễn Đức Thụy, ông Phạm Đình Đoàn... đều gây dựng được thương hiệu riêng và cơ ngơi nhiều tỷ đồng.
Rồng vốn được cho là con giáp đặc biệt trong 12 con giáp. Rồng là loài vật linh thiêng, tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh, sự huy hoàng và bất tử, mang xu hướng tích cực nhiều hơn là tiêu cực.
Vậy nên, những doanh nhân tuổi Thìn được cho luôn tràn đầy sức mạnh, tinh thần học hỏi không ngừng, luôn tỏa ra nguồn năng lược tích cực, trí tuệ sắc bén, giàu có và quyền lực.
Cùng điểm lại một vài gương mặt doanh nhân Việt tiêu biểu sinh năm Thìn.
Ông Đặng Thành Tâm - Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc
Sinh năm 1964 (Giáp Thìn), ông Đặng Thành Tâm được biết đến là một trong số những người đi đầu của việc phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam.
Ông Đặng Thành Tâm vốn là một Kỹ sư hàng hải khi tốt nghiệp tại Đại học Hàng hải Việt Nam. Ông công tác tại Công ty Vận tải biển Sài Gòn trong 8 năm từ 1988 đến 1996.
Từ năm 1996 đến hiện tại, ông Tâm nắm giữ các chức vụ lớn tại nhiều công ty. Trong đó nổi bật nhất là chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (mã ck: KBC), Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ck: ITA), Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã ck: SGT)...
Năm 2007, khi Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Công ty Đầu tư, Công nghiệp Tân Tạo được niêm yết, ông Đặng Thành Tâm nhanh chóng trở thành người giàu nhất Việt Nam trên sàn Chứng khoán. Trong 3 năm tiếp theo là 2008, 2009, 2010; ông nắm giữ vị trí thứ 3 trong Danh sách những người giàu nhất Việt Nam.
Không chỉ tham gia điều hành kinh doanh, năm 2006, ông còn là thành viên hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, Chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nhật, ủy viên ban chấp hành Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên tư vấn Diễn đàn kinh tế thế giới...
Ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch Hội đồng quản trị LPBank
Ông Nguyễn Đức Thụy hay còn được gọi là "bầu Thụy", sinh năm 1976, tốt nghiệp trường Đại học bang Colorado (Colorado State University, Mỹ). Ông từng nắm giữ chức danh chủ tịch cũng như các chức danh quan trọng tại nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực như: Tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, xây dựng, năng lượng, xi măng…
Ông Thụy còn là người nổi tiếng với vai trò ông bầu của 2 đội bóng là Sài Gòn Xuân Thành (giải vô địch quốc gia) và Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam (giải hạng nhất).
Ông Nguyễn Đức Thụy cũng là doanh nhân trẻ nằm trong nhóm 100 doanh nhân đạt danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2009", nằm trong top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2013 và đến tháng 3 năm 2021, Nguyễn Đức Thụy vươn lên đứng thứ 6 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đã có thời điểm ông Nguyễn Đức Thụy vươn lên Top 4 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.Trước khi giữ chức vụ Chủ tịch LPBank, Bầu Thụy từng làm chủ tịch và lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, xây dựng, năng lượng, xi măng... Ông từng là Chủ tịch Tập đoàn Thai Group, Công ty cổ phần Thaiholdings, Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên, Công ty cổ phần Enclave Phú Quốc và Phó chủ tịch Công ty Điện Mặt trời Xuân Thiện Ninh Thuận, Điện Mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings
Ông Phạm Đình Đoàn (sinh năm 1964( là một nhân vật quen thuộc của nhiều thế hệ Người Bách khoa. Năm 2022, ông được vinh danh top 10 doanh nhân tiêu biểu Việt Nam cho nhiều đóng góp về kinh tế và xã hội.
Từ một chàng cựu sinh viên Đại học Bách Khoa, với bản tính cẩn trọng, chịu khó tìm tòi học hỏi, trải qua 30 năm, ông Phạm Đình Đoàn đã chèo lái đưa doanh nghiệp từ một công ty nhỏ với chỉ hơn 10 thành viên, vươn lên trở thành tập đoàn phân phối bán lẻ lớn mạnh tại Việt Nam.
Năm 1993, ông Đoàn trở về nước sau thời gian du học nhưng quyết định từ bỏ con đường nghiên cứu khoa học. Ông chọn khởi nghiệp và thành lập Phú Thái năm 1993 chỉ với 10 nhân sự. Khi đó, ông nhận ra cơ hội từ thị trường phân phối, bán lẻ ở nước ngoài đã phát triển rất mạnh mẽ, trong khi tại Việt Nam chủ yếu vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước.
Đến năm 1995, sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ông Đoàn cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để làm ăn với các đối tác và đầu tiên là Procter & Gamble (P&G). Đến nay, Phú Thái vẫn là nhà phân phối chính thức các sản phẩm của P&G tại Việt Nam.
Với lợi thế về ngoại ngữ, ông Đoàn có thể trực tiếp đàm phán với các đối tác nước ngoài. Nhờ đó, Phú Thái cũng nắm bắt được cơ hội hợp tác với chiến lược "đứng trên vai người khổng lồ" ngay từ lúc nền kinh tế mới mở cửa. Doanh nhân này coi việc hợp tác với các đối tác, tập đoàn lớn nước ngoài giúp cả ông và Phú Thái đều vào thế phải vươn lên, hoạt động chuyên nghiệp, quản trị minh bạch hơn. Trên con đường lập nghiệp của mình, ông cũng luôn đề cao sự liêm chính trong kinh doanh.
Vượt qua nhiều khó khăn giai đoạn ban đầu, ông Đoàn được coi là một trong những người khai phá và đặt nền móng cho mô hình bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Đến nay, Phú Thái có gần 5.000 nhân viên. Doanh thu năm 2022 của Phú Thái và các đơn vị thành viên đạt gần 10.000 tỷ đồng.
Cho đến nay, Phú Thái Holdings hoạt động trong 5 lĩnh vực chính là phân phối, bán lẻ, logistics, công nghiệp và bất động sản (đầu tư xây dựng hạ tầng bất động sản, bất động sản thương mại (hệ thống siêu thị, kho vận và trung tâm phân phối…).
Trong quãng thời gian 30 năm lập nghiệp, ông luôn theo đuổi triết lý kinh doanh “3 chữ win”: lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của đối tác phải gắn liền với lợi ích xã hội.
Để xây dựng được thương hiệu Phú Thái như ngày nay, doanh nhân Phạm Đình Đoàn luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Ông cho rằng: “Khi doanh nghiệp Việt Nam đang ở phía sau và rất xa với thế giới, thì để lớn mạnh, để bền vững, người chủ gây dựng muốn có những thương hiệu để đời, cách nhanh nhất là đi cùng với những người bạn lớn và gây dựng uy tín với những người bạn đó”.
Bên cạnh cương vị người tiên phong, là thuyền trưởng của Phú Thái Holdings, ông Phạm Đình Đoàn còn là thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh Đông Nam Á; Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam; Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ - Nơi hội tụ của những doanh nhân ưu tú, tài giỏi nhất của đất nước.
Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE)
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh sinh năm 1952 tại Tây Ninh, tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức) năm 1982 và có hơn 25 năm trên cương vị lãnh đạo.
Bà được xem là “hoa lạc giữa rừng gươm” trong một ban lãnh đạo có tới 16/17 người là nam giới và cũng là người phụ nữ duy nhất trong danh sách này.
Bà đầu quân cho REE từ năm 1982 đến 1986 thì REE vẫn đang là một công ty nhà nước. Chính người phụ nữ này là người đã góp công đầu trong việc cổ phần hóa công ty này từ những năm 1992-1993, đưa REE trở thành 1 trong2 mã cổ phiếu đầu tiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2001, việc REE gia nhập thị trường bất động sản đã đánh dấu bước đột phá mới, mở đầu bằng việc khởi công xây dựng tòa nhà etown 1. Những năm tiếp theo, các công trình khác liên tục được khởi công xây dựng. Chức năng của phần lớn các tòa nhà này đều là tòa nhà văn phòng cho thuê.
Đây cũng là thời điểm REE bắt đầu tái cấu trúc, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh thành từng nhóm trong đó hoạt động sản xuất dịch vụ cơ điện công trình trực thuộc REE M&E.
Năm 2010, REE đầu tư vào các doanh nghiệp ngành điện, cơ sở hạ tầng điện, nước…bắt đầu mở rộng đầu tư vào mảng năng lượng và tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo vài năm sau đó.
Vào năm 2014, bà Mai Thanh đã có tên trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do Forbes bình chọn.
Có thể thấy, dưới triều đại của 'nữ tướng' Nguyễn Thị Mai Thanh, sau hơn 46 năm phát triển, REE vẫn luôn gây được dấu ấn đậm nét trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh. Qua đó, doanh nghiệp này không ngừng khẳng định vị thế của chính mình và cả người thuyền trưởng Nguyễn Thị Mai Thanh luôn kiên cường “chèo lái” con thuyền REE vượt qua mọi khó khăn, giông bão.
Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phenikaa
Sinh năm 1964 (Giáp Thìn), ông Hồ Xuân Năng có trình độ Phó giáo sư, Tiến sĩ Cơ khí động lực, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Ông từng làm giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội, rồi cán bộ tại Viện cơ điện Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 1993-1996.
Từ một nhà nghiên cứu, sự nghiệp của ông Năng nhanh chóng chuyển hướng khi giữ vai trò Giám đốc sản xuất nhà máy ôtô Ford Việt Nam - Hải Dương, rồi các vị trí lãnh đạo tại Nhà máy đá ốp lát cao cấp Vinaconex (tiền thân của Vicostone hiện tại).
Năm 2014, Đại hội đồng cổ đông Vicostone chấp thuận trở thành công ty con của Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) - một tên tuổi mới và chưa có nhà máy sản xuất. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Vicostone bị đe dọa mất thị phần, hiệu quả hoạt động khi Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền 6 năm với Breton về công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh.
Cuối năm 2014, ông Hồ Xuân Năng khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm CEO Vicostone đã bất ngờ mua lại 90% vốn điều lệ của công ty mẹ Phenikaa.
Từ tháng 12/2015, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Phenikaa. Bằng chiến lược kinh doanh đột phá và tầm nhìn dài hạn, chỉ trong thời gian ngắn, ông đã đưa Phenikaa từ một công ty nhỏ trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành có tên tuổi trên thị trường.
Ngoài sản xuất, Phenikaa còn hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục, công nghệ, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe, thương mại và dịch vụ. Tập đoàn này hiện có hệ thống trường liên cấp và đại học Phenikaa. Ông Năng cũng đang làm Chủ tịch hội đồng, kiêm Tổng giám đốc Đại học Phenikaa.