Điểm danh những ngành được miễn, giảm học phí trong tuyển sinh đại học năm 2023
Tuyển sinh đại học năm 2023, nhiều trường đại học có chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng dành cho sinh viên. Thí sinh và phụ huynh nên tham khảo những ngành học được miễn, giảm học phí để có lựa chọn phù hợp.
Các ngành miễn học phí trong tuyển sinh đại học năm 2023
Theo Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, các ngành miễn học phí trong tuyển sinh đại học năm 2023 cho sinh viên bao gồm:
- Chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh và Mác-Lê nin.
- Chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y tâm thần, Giám định pháp Y, Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Ngoài các ngành học trên, sinh viên thuộc một trong các trường hợp sau cũng được miễn học phí khi theo học các cơ sở đào tạo đại học công lập:
- Sinh viên hệ cử tuyển.
- Sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- Sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.
Các ngành học được giảm 70% học phí trong tuyển sinh đại học năm 2023
Tại Khoản 1, Điều 16, Nghị định 81 quy định các ngành học giảm 70% học phí cho sinh viên gồm:
- Các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật bao gồm:
+ Nhạc công kịch hát dân tộc.
+ Nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ.
+ Diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
- Các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, tuồng, chèo, cải lương, múa, xiếc.
- Một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định.
Ngoài ra các ngành học trên, chế độ giảm 70% học phí còn áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo.
Tuyển sinh đại học năm 2023, sinh viên học ngành nào được cấp học bổng?
Theo ghi nhận, Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn gồm: miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.
Cụ thể, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có 9 ngành được hỗ trợ gồm: Tài năng Toán học, Tài năng Hóa học, Tài năng Vật lý, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học, Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hỗ trợ gồm 09 ngành: Lịch sử, Triết học, Hán Nôm, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học và Văn học.
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến cũng sẽ dành hàng tỷ đồng để hỗ trợ thí sinh trúng tuyển năm 2023 vào 10 ngành học: Ngành triết học, lịch sử, địa lý, tôn giáo học, thông tin - thư viện, lưu trữ học, nhân học, ngôn ngữ Tây Ban Nha, ngôn ngữ Ý, ngôn ngữ Nga.
Sinh viên của các ngành này có thể được nhận học bổng toàn dành cho học sinh giỏi, xuất sắc; được tài trợ chi phí học ngoại ngữ.
Ngoài ra, sinh viên còn được hỗ trợ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia các chương trình thực tế với doanh nghiệp, tham gia chương trình chia sẻ của các nhà tuyển dụng, các hoạt động ngoại khóa...
Tuyển sinh Đại học năm 2023: Xét tuyển sớm hơn
Theo kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng mầm non 2023 của Bộ GD&ĐT: Năm 2023, Bộ GD&ĐT giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học như năm trước, không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Bộ tiếp tục triển khai tuyển sinh trực tuyến trên hệ thống chung.
Điểm mới của năm nay là lịch xét tuyển đại học sớm hơn năm ngoái. Theo đó, thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước 30/6, nhận kết quả trước 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ trước 17h ngày 15/8.
Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023
Từ ngày 10/7 đến 30/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Sau đó, thí sinh có 7 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 31/7 đến ngày 6/8.
Thí sinh nhận kết quả điểm chuẩn xét tuyển đại học vào thời gian nào?
Thí sinh sẽ nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 22/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 6/9 (muộn hơn so với dự kiến 7 ngày).
Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngày 25/7. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).
Những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký nguyện vọng xét tuyển tiếp theo, trừ các trường hợp được hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.
Trong trường hợp chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia như các thí sinh khác, nếu trúng tuyển, thí sinh sẽ xác nhận nhập học theo lịch chung.
Từ ngày 7/9 đến tháng 12/2023, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các trường.
Các cơ sở đào tạo phải báo cáo chính xác, đầy đủ kết quả tuyển sinh đại học năm 2023 trên hệ thống trước 31/12.
Nhiều trường công bố điểm chuẩn đại học năm 2023
Theo ghi nhận đến ngày 3/8, trên cả nước đã có 74 trường đại học công bố điểm chuẩn đánh giá năng lực; 119 trường đại học, học viện công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ; 2 trường thông báo điểm chuẩn xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và 1 trường công bố điểm chuẩn xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (UTM) là trường đầu tiên (thời điểm ghi nhận) công bố điểm chuẩn trúng tuyển hệ đại học chính quy theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Điểm chuẩn trúng tuyển vào nhà trường là 15 điểm, áp dụng cho tất cả các ngành đào tạo và các tổ hợp xét tuyển của trường.
Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Năm 2023, Trường Đại học Ngoại ngữ có ngành Sư phạm tiếng Hàn Quốc xét chứng chỉ TOPIK có điểm chuẩn cao nhất, lấy 37,6/40 điểm. Tiếp đó là Sư phạm tiếng Anh xét chứng chỉ IELTS với 37,2 điểm.
Ngành Ngôn ngữ Pháp xét chứng chỉ DELF/DALP có điểm chuẩn là 31,75 điểm.
Điểm chuẩn là tổng điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ với điểm hai môn thi tốt nghiệp, cộng điểm ưu tiên nếu có.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy năm 2023 phương thức xét tuyển kết hợp - nhóm đối tượng 4, 5. Nhóm đối tượng 4 là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi hai môn tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn trúng tuyển dao động từ 24,37 - 27,92 điểm.
Nhóm đối tượng 5, thí sinh là học sinh hệ chuyên các trường THPT chuyên toàn quốc/trường THPT trọng điểm quốc gia kết hợp với điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT.
Với nhóm đối tượng này, điểm chuẩn hầu hết các chương trình đào tạo đều lấy điểm chuẩn trên 26,60 điểm.
Điểm chuẩn đại học là điểm số của thí sinh cuối cùng được nhận vào một trường đại học hoặc cao đẳng trong kỳ tuyển sinh. Điểm chuẩn được xác định bằng cách sắp xếp thứ tự từ cao đến thấp các thí sinh đã đăng ký tuyển sinh và điểm số của họ, sau đó từ đó lấy điểm số của thí sinh cuối cùng được nhận vào trường để làm điểm chuẩn.
Do điểm chuẩn được xác định dựa trên số lượng chỉ tiêu tuyển sinh và điểm số của các thí sinh đăng ký tuyển sinh. Nó thường khác nhau giữa các trường đại học hay cao đẳng và giữa các ngành học trong cùng một trường. Thí sinh có điểm số cao hơn điểm chuẩn sẽ được nhận vào trường đó, trong khi thí sinh có điểm số thấp hơn sẽ không được nhận.
Điểm chuẩn là một chỉ số quan trọng để thí sinh biết được khả năng của mình để được nhận vào trường mình mong muốn. Nó cũng giúp cho các trường đại học hay cao đẳng xác định được số lượng sinh viên được nhận vào trường một cách hợp lý và chính xác.