'Điểm danh' tác phẩm kinh điển được chuyển thể điện ảnh nhiều lần trong văn học Pháp

Ngành công nghiệp điện ảnh luôn muốn những chủ đề vừa độc đáo lại vừa hấp dẫn số đông, nên đương nhiên không thể bỏ qua kho tàng văn chương rộng lớn, lựa ra từ đó các tác phẩm có thể tạo nên những bộ phim đình đám. Tờ Figaro (Pháp) đã đưa ra kết luận: 'Cứ 5 phim lại có 1 chuyển thể từ sách!'

Chính vì vậy, có những tác phẩm văn chương, nhất là các tác phẩm văn chương kinh điển, đã được chuyển thể nhiều lần; mỗi lần là một góc nhìn mới, một cách tiếp cận mới, mang lại cho chính tác phẩm đó một cuộc đời mới và thành công mới.

"Trà hoa nữ" của Alexandre Dumas con, hay "Mai Nương Lệ Cốt" của Abbé Prévost đều là những cái tên có thể liệt được vào danh sách các tác phẩm kinh điển được chuyển thể điện ảnh ít nhất 10 lần.

Một cảnh trong phim "Hoàng hậu Margot" được chuyển thể từ tác phẩm của Alexandre Dumas.

Một cảnh trong phim "Hoàng hậu Margot" được chuyển thể từ tác phẩm của Alexandre Dumas.

Nhân Tuần lễ “Từ trang sách đến màn ảnh”, Nhã Nam và Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm "Đi tìm các tác phẩm kinh điển được chuyển thể điện ảnh nhiều lần trong văn học Pháp" để cùng lý giải phần nào hiện tượng văn học - điện ảnh thú vị này. Chương trình diễn ra ngày 4/12, tại Thư viện Viện Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Diễn giả là nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và giảng viên Nguyễn Thanh Nguyệt.

Trong chương trình, các diễn giả sẽ đề cập tới một số tác phẩm đã được chuyển thể rất thành công trên thế giới.

Đó là "Hoàng hậu Margot" của Alexandre Dumas, xuất bản năm 1845. Với tác phẩm này, Dumas đã khéo léo đưa vào tác phẩm những âm mưu cung đình, vụ ám sát đô đốc de Coligny, cuộc thảm sát Saint-Barthélemy, mối diễm tình giữa Hoàng hậu de Navarre và Bá tước de la Mole cũng như tập quán tra tấn thời Phục Hưng.

Bản thân tác giả Dumas từng kết hợp với Auguste Maquet chuyển thể tác phẩm này thành kịch với sự tham gia của các diễn viên gạo cội như Étienne Mélingue (trong vai Henri de Navarre), Marguerite Lacressonnìere (trong vai Marguerite), Philibert Rouvìere (trong vai Charles IX). Vở kịch 5 hồi, 13 hoạt cảnh, mang tên Hoàng hậu Margot, được trình diễn lần đầu nhân dịp khánh thành Nhà hát Lịch sử, nhà hát của Dumas (nay đã trở thành Nhà hát Thành phố), vào ngày 20/2/1847 và kéo dài 9 giờ đồng hồ.

Tác phẩm này sau đó cũng được chuyển thể điện ảnh rất nhiều lần: Năm 1910 được Camille de Morlhon chuyển thể; Năm 1914 được Henri Desfontaines chuyển thể; Năm 1954 được Jean Dréville chuyển thể.

Đặc biệt, năm 1994, tác phẩm được Patrice Chéreau chuyển thể, lấy cảm hứng quan trọng từ vở kịch Vụ thảm sát ở Paris (1593) của nhà soạn kịch người Anh Christopher Marlowe. Phim này được quay cả ở Pháp và Bồ Đào Nha trong hơn sáu tháng vào năm 1993. Bất chấp việc bị giới phê bình “chê nhẹ” phim cường điệu và kịch, phim vẫn thu hút được hơn hai triệu khán giả tại các phòng chiếu ở Pháp trong năm 1994 và trở thành bộ phim thành công nhất của đạo diễn Chéreau. Tại Liên hoan phim Cannes, phim đã giành Giải thưởng Ban giám khảo và Nữ chính xuất sắc nhất cho diễn viên Virna Lisi trong vai Catherine de Médicis. Với mười hai đề cử trong Liên hoan phim César lần thứ hai mươi, phim từng giành được năm giải.

Với "Trà hoa nữ", đây là tác phẩm được Alexandre Dumas con viết vào năm 1848, nói về câu chuyện tình của một thanh niên tư sản, Armand Duval và một kỹ nữ, Marguerite Gautier, vốn mắc bệnh lao. Nàng có thói quen cài hoa trà nhiều màu trên ngực (trắng khi nàng sẵn sàng dâng hiến cho người tình, đỏ khi nàng không sẵn sàng). Tác phẩm được kể theo lối truyện trong truyện, bởi Armand Duval thuật lại cuộc phiêu lưu của mình cho người kể chuyện đầu tiểu thuyết. Câu chuyện về Marguerite Gautier, cô gái thượng lưu nửa mùa với số phận bi thảm, chưa bao giờ ngừng tạo cảm hứng cho nghệ thuật. Nhạc kịch, với tác phẩm trứ danh La Traviata của Giuseppe Verdi vào năm 1853, kịch, ba lê và cả điện ảnh với trên dưới hai mươi phim chuyển thể.

Có điều, phần lớn các chuyển thể điện ảnh của "Trà hoa nữ" lại ưu tiên lối kể chuyện tuyến tính. Chẳng hạn trong bộ phim do Ray C. Smallwood chuyển thể vào năm 1921, đã mở đầu trực tiếp ở nhà hát, nơi hai nhân vật chính gặp nhau. Đoạn cuối, khi Marguerite hấp hối trên giường, đạo diễn có cho quay ngược thời gian nhưng kỹ thuật sử dụng giống như công cụ gây cảm xúc lâm ly hơn là nhắm đến mục đích kể chuyện như trong ba lê hay tiểu thuyết khi để nữ chính hồi tưởng lại những ký ức hạnh phúc bên Armand.

Đến năm 2001, dưới “vỏ bọc” là một phim chuyển thể tự do, "Cối xay gió đỏ" của Baz Luhrmann mới có kịch bản dường như là trung thành nhất với nội dung cuốn sách, đặc biệt trong cấu tứ: Christian trong "Cối xay gió đỏ" khóc thương cho cái chết của người con gái mình yêu và thứ khiến anh ta đắm chìm trong quá khứ chính là một món đồ (cái máy chữ). Bộ phim được đề cử sáu giải Oscar, trong đó có giải Phim Xuất sắc nhất và Nữ chính xuất sắc nhất cho diễn viên gạo cội Nicole Kidman; và giành về hai giải thưởng phụ là Đạo diễn Nghệ thuật và Phục trang, trở thành phim ca nhạc đầu tiên trong vòng mười năm được đề cử Oscar, sau Người đẹp và Quái thú năm 1991.

Có thể nói, dẫu được chuyển thể ở bất cứ thể loại nào hay cấu tứ có ra sao, thì mỗi tác phẩm chuyển thể của Trà hoa nữ đều cùng thể hiện rõ ràng mong muốn biến Marguerite Gautier thành nhân vật nữ chính dễ tổn thương ngay khi mọi thú vui trần tục lùi xa, với số phận bi ai chạm sâu tới trái tim cả người đọc và người xem, cho tới tận ngày nay.

Cuối cùng, "Thằng Cười", cuốn tiểu thuyết triết học của Victor Hugo, xuất bản tháng 4/1869 với câu chuyện diễn ra ở nước Anh cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Tác phẩm đặc biệt nổi tiếng với gương mặt bị cắt xẻ thành nụ cười thường trực của nam chính, vốn là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho cả giới văn chương lẫn điện ảnh.

Khi mới ra mắt, tác phẩm bị coi là một thất bại. Trên tờ Revue moderne, Frédéric Lock từng đưa ra một số nguyên nhân như: thời kỳ xuất bản, dĩ nhiên rồi, song đặc biệt là do chính bản thân tác phẩm, với cốt truyện lãng mạn xúc động, nhưng lại chẳng khác nào bản văn biện hộ chính trị lỗi thời và bản tường trình lịch sử bị cắt xén. Bản thân Victor Hugo cũng thừa nhận thất bại của mình, một phần ông gán nguyên nhân cho việc nhà xuất bản của ông đã quá đầu cơ, phần khác ông tự thấy các mục tiêu mình đặt ra quá đỗi tham vọng: “Tôi từng muốn lạm dụng tiểu thuyết. Tôi từng muốn biến nó thành một bản sử thi. Tôi từng muốn ép buộc độc giả phải suy nghĩ ở mỗi dòng. Từ đó công chúng nảy sinh giận dữ chống lại tôi.”

Tuy nhiên, trên tờ Le Gaulois, Émile Zola lại hết lời ca ngợi tác phẩm: “Thằng Cười đứng trên tất cả những gì Hugo từng viết trong suốt mười năm qua. Trong đó ngự trị một hơi thở siêu nhân.”

"Thằng Cười" được chuyển thể điện ảnh ba lần. Năm 1928 do Paul Leni đạo diễn với sự tham gia của Conrad Veidt, phim câm, có kết cục khác kết cục trong sách song phần còn lại khá trung thành với tiểu thuyết. Năm 1966 do Sergio Corbucci đạo diễn với sự tham gia của Jean Sorel. Dù được giới thiệu là chuyển thể từ tiểu thuyết của Hugo, bộ phim của Corbucci có mối liên hệ khá mù mờ với nội dung sách. Thực vậy, ngoài việc hành động được di chuyển từ nước Anh những năm 1700 sang nước Ý thời Phục Hưng, phim chứa đựng những biến cố hoàn toàn không xuất hiện trong tiểu thuyết. Năm 2012 do Jean-Pierre Améris đạo diễn với sự tham gia của các diễn viên gạo cội Gérard Depardieu (Ursus), Emmanuelle Seigner (Josiane) và Marc-André Grondin. Chính vì thuở nhỏ từng xem tác phẩm được chuyển thể truyền hình mà Améris quyết định sẽ đưa tác phẩm lên màn ảnh rộng. Bộ phim của ông được chiếu trong lễ bế mạc Liên hoan Mostra ở Venice năm 2012.

Dẫu chỉ chuyển thể ba lần, song hình ảnh gương mặt bị cắt xẻ thành nụ cười thường trực của nam chính vẫn tạo cảm hứng cho nhiều đạo diễn điện ảnh lừng danh khác. Nó tiếp tục trở lại dưới chiếc mặt nạ của Joker trong Người dơi của Tim Burton (1989) hay Người dơi của Christopher Nolan, của nhân vật Georgie trong Thược dược đen (Brian de Palma, 2006), và của người phụ nữ cười trong Apollonide – Ký ức về nhà chứa (Bertrand Bonnello, 2011), hay thậm chí của cả chàng trai trẻ đồng tính với vết sẹo dài trên mặt trong Tom nơi trang trại (Xavier Dolan, 2013).

PV

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ban-doc/diem-danh-tac-pham-kinh-dien-duoc-chuyen-the-dien-anh-nhieu-lan-trong-van-hoc-phap-20201202110012113.htm