Điểm đến mới của dòng vốn chất lượng cao

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục chứng kiến các làn sóng đầu tư mới. Bởi vậy, cần làm gì để tăng thu hút những nhà đầu tư lớn là vấn đề được quan tâm. Báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc trao đổi với ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam xung quanh vấn đề này. Thành Nguyễn thực hiện.

Foxconn đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Foxconn đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Được biết, một số dự án nhà kho xây sẵn đã chuyển đổi công năng thành nhà xưởng xây sẵn. Theo ông, diễn biến này phản ánh câu chuyện gì về cung - cầu thị trường khu công nghiệp?

Thời gian qua, một số dự án nhà kho xây sẵn ở Bắc Ninh, Long An, Bình Dương… đã chuyển đổi công năng thành nhà xưởng xây sẵn, cho thấy nhu cầu thuê nhà xưởng đang có xu hướng gia tăng.

Xét về chức năng, nhà xưởng có lợi thế hơn về hiệu quả sử dụng diện tích thuê, vừa phù hợp làm nơi sản xuất, vừa có thể làm kho lưu trữ. Do đó, các nhà phát triển nhận thấy nhà xưởng có nhiều cơ hội, tiềm năng để tăng tỷ lệ lấp đầy và thu về giá thuê tốt hơn.

Ngoài ra, từ góc nhìn của chính quyền địa phương, sản phẩm nhà xưởng xây sẵn cũng được ưa chuộng hơn nhà kho vì giúp thu hút sản xuất, từ đó tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho địa phương, chẳng hạn tạo việc làm hay đóng thuế.

Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngày một mạnh mẽ, thu hút FDI vào Việt Nam cũng ngày một tích cực hơn. Những khối ngành nào đang được dòng vốn này hướng tới?

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tiếp tục nhắm đến công nghiệp chế biến - chế tạo, tài chính - ngân hàng và kinh doanh bất động sản - ba lĩnh vực được đánh giá có nhiều triển vọng tại Việt Nam. Nhà đầu tư phần lớn vẫn là những gương mặt quen thuộc gồm Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc Đại lục, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), trong khi các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu vẫn tích cực tìm kiếm cơ hội gia tăng danh mục tài sản tại Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp FDI có tiềm lực tài chính đã có những động thái mới: Great Master Pte. Ltd của Singapore mua 20% cổ phần của Trung Khôi JSC (đơn vị chuyên phát triển khu công nghiệp) trị giá 5,08 triệu USD; Tập đoàn WHA (Thái Lan) công bố đầu tư Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 2 tại Nghệ An với số vốn 50 triệu USD…

Thị trường bất động sản công nghiệp cũng sôi động khi nhiều dự án nhà máy lớn được khởi công trên toàn quốc như Pandora (Bình Dương), Suntory Pepsico (Long An), Tập đoàn Hàn Quốc SK (Hải Phòng), Tập đoàn Nhật Bản Meiko Electronics (Hòa Bình),…

Cũng phải thừa nhận rằng, có những nhà đầu tư lớn đã thay đổi kế hoạch tại Việt Nam dù trước đó rất hào hứng, theo ông, điều này có đáng lo?

Đây là dấu hiệu rất đáng lưu ý, cho thấy phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa vì các thế mạnh trước đây của Việt Nam có thể đã không còn đủ cạnh tranh để thu hút cũng như giữ chân các nhà đầu tư “Queen Bees” (nhà sản xuất lớn có hệ thống nhiều nhà cung cấp, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu).

Ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam.

Ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam.

Ở cấp độ khu vực, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gia tăng. Chẳng hạn, năm 2023, khu vực Sumatra (Indonesia) có mức tăng trưởng FDI cao nhất toàn cầu nhờ phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc vào chuỗi cung ứng tài nguyên thiên nhiên hạ nguồn. Xếp thứ hai là khu vực Calabarzon (phía Nam Thủ đô Manila, Philippines) do có các cam kết về dự án điện gió ngoài khơi lớn và khoản đầu tư 200 triệu USD từ công ty bán dẫn Analog Devices của Mỹ. Mới đây, Chính phủ Singapore công bố sẽ mở rộng thêm 11% diện tích đất tại các khu chế tạo tấm bán dẫn silicon nhằm thu hút các “gã khổng lồ” ngành bán dẫn và đón đầu làn sóng trí tuệ nhân tạo.

Điểm sáng là trong năm 2023, Việt Nam có tỉnh Bình Dương nằm trong Top 10 khu vực có mức tăng trưởng FDI cao nhất toàn cầu. Việt Nam đã có sẵn các lợi thế chiến lược như vị trí địa lý (trong tầm 1-4 giờ bay đến các đầu mối giao thương chính trong khu vực), nguồn lao động dồi dào, giá thuê đất hợp lý…

Điều cần đẩy mạnh là tinh gọn thủ tục hành chính, minh bạch cơ sở dữ liệu, hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế tài chính, đầu tư hạ tầng năng lượng một cách đồng bộ, cũng như tiếp tục cải thiện các chính sách và ưu đãi mới dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Có như vậy, môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam mới hấp dẫn hơn, giúp nhà đầu tư cảm thấy an tâm và tin tưởng kinh doanh lâu dài.

Liên quan tới Foxconn, ông có thông tin gì về việc “đại bàng” này mở rộng đầu tư tại Việt Nam?

Tập đoàn Foxconn đang có những động thái tăng tốc đầu tư rõ ràng, cho thấy họ xem Việt Nam là địa bàn đầu tư lý tưởng, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch, chiến lược của họ.

Trong quý đầu năm trước, họ công bố đầu tư thêm một nhà máy mới tại Việt Nam với khoản đầu tư 300 triệu USD. Đến đầu tháng 6 năm nay, một công ty con của tập đoàn này là Foxconn Singapore PTE LTD được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy bo mạch in tại Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh (Kinh Bắc) tại Bắc Ninh trị giá 383,33 triệu USD.

Tiếp đó, đầu tháng 7, Foxconn nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tiếp tục triển khai 2 dự án có tổng vốn 551 triệu USD tại tỉnh Quảng Ninh, cụ thể là Khu công nghiệp Sông Khoai (Amata) có diện tích 21,5 ha và Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (Deep C) có diện tích 12,4 ha.

Với những doanh nghiệp như Foxconn muốn sang Việt Nam làm nhà máy mới thay thế, chúng ta cần chuẩn bị những gì để đón khách?

Như đã nói ở trên, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý và nâng cấp cơ sở hạ tầng (nhất là các dự án hạ tầng năng lượng cấp quốc gia) để thu hút không chỉ Foxconn, mà còn cả các nhà cung ứng chủ lực khác của những tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Với các nhà phát triển bất động sản công nghiệp - mắt xích quan trọng trong quá trình triển khai các dự án FDI, việc hiểu đúng và cung cấp sản phẩm đúng nhu cầu thị trường chính là chìa khóa. Doanh nghiệp nên hướng tới xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tích hợp về thủ tục cấp phép, giải phóng mặt bằng, tuyển dụng, quản lý vận hành…

Đồng thời, nâng cao chất lượng cơ sở theo hướng hiện đại, bền vững bằng cách đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ cao hoặc áp dụng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị).

Có như vậy mới đáp ứng được mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư quốc tế là hiệu quả đầu tư (về chi phí, thời gian, nhân lực) và các yêu cầu về kinh tế (môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng), xã hội (CSR, môi trường làm việc).

Và nếu muốn họ chọn Việt Nam thay vì địa điểm khác, theo ông, chúng ta nên tập trung vào các điểm mạnh nào để tăng sức thuyết phục?

Việt Nam có hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối tốt với các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Điều này giúp việc thông quan, nhập khẩu nguyên liệu đến các trung tâm công nghiệp trọng điểm phía Bắc như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng… trở nên thuận tiện.

Ngoài ra, việc xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện đi các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, ASEAN… cũng dễ dàng hơn nhờ hưởng lợi từ các tuyến đường hàng hải quan trọng với 3 trong số 50 cảng biển có sản lượng hàng hóa thông quan lớn nhất thế giới.

Đặc biệt, Việt Nam hiện có đến 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hầu hết các thị trường lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Canada… Sự ổn định chính trị và tương đồng về văn hóa cũng là “điểm cộng” lớn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư gốc Á như Foxconn.

Thành Nguyễn thực hiện

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/diem-den-moi-cua-dong-von-chat-luong-cao-post350241.html