'Điểm đen' tai nạn tại vòng xoay Mỹ Thủy ở Sài Gòn
Theo số liệu của Sở Giao thông - Vận Tải (GTVT) TPHCM, tính đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 7 'điểm đen' về tai nạn giao thông (TNGT). Trong đó, vòng xoay Mỹ Thủy (thuộc P.Thạnh Mỹ Lợi, Q2, TP.Thủ Đức) và đường Nguyễn Thị Định là một trong những khu vực gây 'nhức nhối' với hàng chục vụ tai nạn mỗi năm.
ÁM ẢNH KINH HOÀNG
Khu vực vòng xoay Mỹ Thủy có lưu lượng lớn xe tải, xe container di chuyển mỗi ngày để vào cảng Cát Lái theo đường Nguyễn Thị Định. Lượng xe cộ đặc biệt đông trong các khung giờ cao điểm khi hàng hóa được bốc dỡ và đưa lên các xe container. Tình trạng phương tiện lưu thông dày đặc, xe máy đi song hành cùng container và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp thời khiến nơi đây liên tiếp xảy ra các vụ TNGT thảm khốc.
Theo quan sát, ngày 5-1, hàng trăm chiếc xe container chạy nối đuôi nhau trên đường Nguyễn Thị Định để vào cảng Cát Lái. Tình trạng này khiến nhiều phương tiện phải xếp hàng dài ngay giữa giao lộ, trong đó hàng chục xe máy phải chen chúc, luồn lách giữa dòng xe container để di chuyển theo hướng từ phà Cát Lái ra vòng xoay Mỹ Thủy. Anh Nguyễn Văn Đại (ngụ Q2) cho biết: "Ngày nào đi làm về cũng phải lưu thông cùng hàng trăm chiếc xe container. Nhiều xe chạy ẩu, không thèm dừng khi đèn đỏ khiến mình nhìn mà phát hoảng. Đã có quá nhiều vụ tai nạn vì người đi xe máy vô tư rẽ không quan sát nên bị xe container tông trúng".
Đánh giá hiệu quả của hoạt động xử lý vi phạm thông qua hình ảnh, trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an TP.HCM) cho biết: Việc áp dụng triệt để giải pháp công nghệ vào công tác xử lý vi phạm giao thông đã nhận được đông đảo sự đồng tình và ủng hộ của người dân TP, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Tuy vậy, trong quá trình áp dụng sâu rộng công tác xử lý vi phạm thông qua hình ảnh, camera tại TPHCM vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó, giới hạn về công nghệ, thiết bị và cơ sở hạ tầng chính là mấu chốt quan trọng khiến việc triển khai kế hoạch này vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn...
Cùng quan điểm với anh Đại, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (ngụ Q2) than thở, mỗi ngày phải chạy xe máy trên tuyến đường Nguyễn Thị Định là một trong những nỗi ám ảnh kinh hoàng. Do làm việc ở Q.Bình Thạnh nên ngày nào chị cũng phải lưu thông trên con đường này để đến vòng xoay Mỹ Thủy, sau đó theo hướng đường Đồng Văn Cống để đến giao lộ Mai Chí Thọ. Thế nhưng mỗi khi đến khu vực này, chị vẫn luôn phải dè chừng những "hung thần" xe ben, xe container đến từ nhiều phía. Buổi sáng, xe đầu kéo và xe tải cỡ lớn lúc nào cũng chạy nườm nượp để ra vào cảng Cát Lái lấy hàng. Ngoài chuyện kẹt xe thường xuyên ở vòng xoay, những chiếc xe quá cỡ này luôn là mối nguy hiểm khi nhiều tài xế chạy ẩu.
Cũng theo chị Trang, kẹt xe không phải là vấn đề lớn nhất ở khu vực này. "Tai nạn liên tiếp xảy ra mới là điều lo ngại nhất. Khi mà xe container còn chạy ở đây thì hầu như không có cách nào giải quyết ngoại trừ sống chung với nó và phải di chuyển thật cẩn trọng. Kể từ khi chuyển đến đây sinh sống vào năm 2016, tôi đã thấy ít nhất 4 vụ tai nạn chết người xảy ra trên đường Nguyễn Thị Định và vòng xoay Mỹ Thủy. Vụ tai nạn nào cũng để lại nỗi ám ảnh khiến mình chỉ muốn bán nhà đi chỗ khác, còn hàng ngày thì nếu không có việc buộc phải đi, tôi dặn cả nhà hạn chế di chuyển ra ngoài", chị Trang tâm sự.
Tại vòng xoay Mỹ Thủy, hầu hết các vụ TNGT xảy ra đều giữa container và xe máy. Mới đây, liên tiếp các vụ tai nạn do xe đầu kéo gây ra làm ít nhất 4 người thương vong. Cụ thể, trưa 15-12-2020, xe container BS: 51C-230.53 lưu thông trên Võ Chí Công hướng từ Q7 đi Q2. Khi đến vòng xoay Mỹ Thủy, tài xế rẽ phải để vào cảng Cát Lái thì va chạm với xe máy BS: 50X1-025.42 do một phụ nữ điều khiển. Nạn nhân ngã xuống đường và bị xe container kéo lê hơn 5m mới dừng lại. Trước đó không lâu, một xe tải đã va chạm với xe máy BS: 70S1-3453 khiến người điều khiển là anh Nguyễn Văn Thuận (26 tuổi) tử vong tại chỗ, một người khác bị thương phải đi cấp cứu. Sau khi gây tai nạn, tài xế xe tải bỏ chạy khỏi hiện trường.
Vào giữa tháng 6-2020, một vụ tai nạn giữa xe container BS: 51D-180.43 và xe máy lưu thông trên đường Nguyễn Thị Định cũng làm một thanh niên 20 tuổi thiệt mạng tại chỗ. Theo những người chứng, xe container không chở hàng nhưng chạy tốc độ trên 50km/giờ và "ôm cua" không quan sát đã cán nát xe máy chạy cùng chiều. Theo chị Hồng, người kinh doanh cửa hàng tạp hóa trên đường Nguyễn Thị Định: "Tai nạn xảy ra tại khu vực này hầu hết là giữa xe đầu kéo, xe tải đụng xe gắn máy 2 bánh. Khi có lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) túc trực thì không sao, các xe đều di chuyển chậm rãi, đúng luật. Nhưng mỗi khi CSGT không có mặt là các "hung thần" bắt đầu đua nhau chạy loạn xạ, bất chấp luật và đèn tín hiệu nên TNGT và kẹt xe xảy ra thường xuyên".
Một lãnh đạo Đội CSGT Q2 cho biết, số vụ TNGT tại vòng xoay Mỹ Thủy trong năm qua đã được kéo giảm nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, tình hình và diễn biến tai nạn vẫn hết sức phức tạp do số lượng xe tải trọng lớn ra vào cảng Cát Lái vẫn tăng đều theo từng năm, hiện ước tính mỗi ngày lên đến khoảng 20.000 lượt.
XÓA ĐƯỢC HAY KHÔNG?
Để giải quyết những "điểm đen" này, hàng loạt biện pháp cấp thiết được Sở GTVT TPHCM đưa ra. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết: Công tác xử lý "điểm đen" tai nạn giao thông là một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm thuộc nhóm giải pháp "Khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu" của chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT giai đoạn 2016 - 2020. Hiện tại, TPHCM vẫn còn 7 "điểm đen" TNGT cần được xóa bỏ, gồm: Nhà 235 Nguyễn Văn Cừ (Q1), đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ đường Yersin đến đường Nguyễn Thái Học, Q1), đường Nguyễn Duy Trinh và nút giao Mỹ Thủy (Q2), cầu Nguyễn Tri Phương (Q5), cầu Sài Gòn 2 (Q.Bình Thạnh), vòng xoay An Sương (Q12 và H.Hóc Môn).
Tại nút giao Mỹ Thủy, so với trước đây, tình trạng kẹt xe, xung đột giao thông đã giảm đáng kể. Nhưng để tách riêng dòng xe máy và xe container thì cần phải thi công hoàn chỉnh dự án nút giao thông này. Sau khi các công trình giao thông được hoàn chỉnh, các phương tiện lưu thông sẽ dễ dàng hơn, giảm tình trạng xe máy, ôtô cỡ nhỏ lưu thông cùng với các loại xe tải lớn, container...
Hiện các nhà thầu vẫn tiếp tục thi công nhiều hạng mục cầu Mỹ Thủy 3 (thuộc dự án nút giao Mỹ Thủy). Trước mắt, Sở GTVT đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kéo giảm tình hình giao thông phức tạp tại vòng xoay Mỹ Thủy, trong đó bao gồm việc tách pha trụ đèn điều khiển giao thông, xe hai bánh đi thẳng sẽ không lưu thông cùng thời điểm với ôtô rẽ phải. Ngoài ra, Sở cũng đã bổ sung vạch sơn kẻ chữ số tốc độ tối đa cho phép, bổ sung 29 biển cảnh báo, tăng cường phản quang tại các đầu dải phân cách và tiến tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong xử phạt như bổ sung camera giám sát, xử phạt nguội.
Ông Trần Quang Lâm nhận định, mặc dù hiện nay tình hình giao thông tại TPHCM có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự bền vững, còn diễn biến phức tạp. Dân số tiếp tục gia tăng, lượng phương tiện giao thông gia tăng nên áp lực giao thông sẽ ngày càng lớn, đối diện với nhiều thách thức... "Năm 2021 sẽ là năm đầu tiên tổ chức kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Giai đoạn này có nhiều quy định, chính sách mới về đầu tư được ban hành, trong đó có Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP.Thủ Đức. Do đó, việc đầu tư nguồn lực phát triển giao thông trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng", Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2020 và triển khai nghị quyết, chương trình công tác năm 2021, trung tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an TPHCM) đánh giá năm 2020 vừa qua được xem là một năm có nhiều diễn biến tích cực cả về an ninh trật tự (ANTT) lẫn kinh tế xã hội. Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song công tác đảm bảo ANTT vẫn được các cán bộ, chiến sĩ của Phòng CSGT hoàn thành tốt, duy trì ổn định.
Trong đó, tình hình TNGT trên địa bàn TP đã được kéo giảm rõ rệt trên cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, trong năm 2020, toàn thành phố xảy ra 2.926 vụ tai nạn (giảm 14% so với năm 2019) làm 560 người chết (giảm 12% so với năm 2019), 2.039 người bị thương (giảm 15% so với năm 2019), hư hỏng hơn 4 ngàn phương tiện các loại. Trong số này, đối tượng chủ yếu gây TNGT được xác định là người điều khiển xe 2 bánh, chiếm 68% trên tổng số các vụ tai nạn.