Điểm đến thân thiện, hấp dẫn nhà đầu tư
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 30 năm kể từ khi Dung Quất được chọn làm nơi đặt nhà máy lọc dầu số 1 của Việt Nam (1994), đến nay, KKT Dung Quất đã phát triển vượt bậc, trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, cũng như Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nơi đây đang là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát triển mạnh mẽ
Nằm giữa hai đầu đất nước, là một trong những KKT ven biển đầu tiên của Việt Nam, KKT Dung Quất có những lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp dầu khí, luyện cán thép, công nghiệp công nghệ cao... Nhiều dự án lớn trong, ngoài nước đã đầu tư và hoạt động hiệu quả tại KKT Dung Quất như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Doosan Vina, VSIP Quảng Ngãi...
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định mục tiêu phát triển công nghiệp là nhiệm vụ đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Khu Kinh tế Dung Quất đóng vai trò quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này. Đặc biệt, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ “xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất”. Điều đó cho thấy vai trò, vị thế quan trọng của KKT Dung Quất đối với nền công nghiệp Việt Nam nói chung, với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói riêng.
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Trần Văn Mẫn cho biết, lũy kế đến nay, trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có 350 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 398 nghìn tỷ đồng, trong đó có 66 dự án đầu tư nước ngoài (2,34 tỷ USD) và 284 dự án đầu tư trong nước (trên 345 nghìn tỷ đồng). Hiện tại đã có 258 dự án của 212 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 230 nghìn tỷ đồng (đạt 127,6% kế hoạch năm). Giá trị dịch vụ, thương mại ước đạt 6.130 tỷ đồng (161,3% kế hoạch). Nộp ngân sách nhà nước 24,24 nghìn tỷ đồng (136,2% kế hoạch). Kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD (125% kế hoạch). Giải quyết việc làm mới cho trên 8.000 lao động (403,8% kế hoạch); lũy kế đến cuối năm 2024, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh giải quyết việc làm cho trên 76 nghìn lao động.
Cơ hội để vươn mình
Những thành quả đạt được của KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi thời gian qua, nhất là năm 2024, cho thấy nỗ lực rất lớn của tập thể Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, cùng sự quan tâm hỗ trợ của trung ương, của tỉnh. Hiện nay, KKT Dung Quất đang đứng trước vận hội phát triển mới, khi tỉnh triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về hạ tầng giao thông, KKT Dung Quất có hệ thống giao thông trục chính được đầu tư đồng bộ; nằm sát tuyến Quốc lộ, cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam; cách đường hàng hải quốc tế 90km, cách đường hàng hải nội địa 30km; là cửa ngõ ra Biển Đông của hành lang kinh tế Đông - Tây; nằm cạnh sân bay Chu Lai và KKT mở Chu Lai. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 200 nghìn DWT, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, nơi đây còn sở hữu các bãi biển đẹp, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch, đô thị - dịch vụ.
Theo ông Trần Văn Mẫn, mô hình tăng trưởng của KKT Dung Quất, cũng như Quảng Ngãi trong những năm đến vẫn lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng trụ cột chính. Ban Quản lý sẽ tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tập trung xúc tiến những ngành nghề, lĩnh vực mà KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có lợi thế so sánh. Đặc biệt là, ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng công nghệ mới thân thiện môi trường; phát triển năng lượng tái tạo (gió, điện mặt trời...). Đồng thời, hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình triển khai xây dựng các dự án có quy mô lớn và có tính lan tỏa như: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các dự án của Tập đoàn Hòa Phát, tuabin điện khí, kinh doanh hạ tầng (KCN VSIP Quảng Ngãi, KCN VSIP 2 Quảng Ngãi, Khu đô thị, công nghiệp Dung Quất, KCN nhẹ Bình Hòa- Bình Phước)... để thu hút các dự án thứ cấp.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng các trục kết nối trực tiếp với cảng biển, sân bay, đường ven biển; hình thành các đô thị dịch vụ, đô thị du lịch theo mô hình đô thị thông minh, đô thị sinh thái. Gắn phát triển đô thị với phát triển nhà ở cho người lao động, tái định cư và an sinh xã hội cho nhân dân trong vùng dự án.
“Để Dung Quất phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, thời gian tới Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, nhất là thực hiện hiệu quả các quy hoạch được duyệt. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung mang tính kết nối vùng và liên vùng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển Dung Quất thành KKT ven biển chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững”, ông Trần Văn Mẫn nhấn mạnh.