Thị trường hàng hóa Tết tại TP.HCM đã nhộn nhịp

Theo lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM, thị trường hàng hóa Tết đã nhộn nhịp, hàng hóa từ các tỉnh về thành phố nhiều hơn.

Ngày 13-1, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Công thương làm việc tại TP.HCM về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025. Đoàn cũng đã khảo sát công tác chuẩn bị hàng Tết tại MM Mega Market An Phú, TP. Thủ Đức.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Công thương làm việc tại TP.HCM về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết

Sức mua tăng, doanh số online tăng đến 200%

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết thị trường đã "ấm" lên trong một tuần gần đây. Lượng hàng về ba chợ đầu mối tăng. Dự kiến cuối tuần này, lượng hàng về các chợ đạt 15.000 tấn/ngày. Hiện nay, lượng hàng dao động 12.000-13.000 tấn/ngày. Điều này cho thấy thị trường hàng hóa Tết đã nhộn nhịp, hàng hóa các tỉnh về thành phố nhiều hơn.

Sở Công thương đã làm việc với các địa phương cung ứng hàng cho thành phố, đặc biệt là sau hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM với 45 tỉnh thành diễn ra tháng 9-2024. Các doanh nghiệp TP.HCM đã gặp gỡ trực tiếp với đầu mối các địa phương để phối hợp đảm bảo nguồn hàng Tết.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thương mại MM Mega Market Việt Nam, cho biết sản lượng hàng hóa phục vụ Tết tăng 100%-150% so với tuần trước. Người dân đã bắt đầu mua sắm Tết. Sản lượng thịt heo, thịt bò tại các trung tâm MM Mega Market ở TP.HCM và Hà Nội tăng 30%. Hệ thống bán hàng online phục vụ tối đa công suất, doanh số tăng trưởng 100%-200%.

Còn theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, giá thịt heo biến động do dịch tả heo Châu Phi. Cuối tháng 12-2024, giá thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường đã được điều chỉnh. Vissan cam kết giá bình ổn và thực hiện khuyến mãi. Vissan dự trữ 1.000 tấn thịt heo và 1.000 tấn thịt heo đông lạnh. Nếu thị trường khan hiếm thịt heo nóng, công ty sẽ bổ sung kịp thời. Vissan cam kết không thiếu thịt heo trước, trong và sau Tết.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hàng hóa Tết. Công ty đã triển khai chế biến nên không lo thừa hàng. Vĩnh Thành Đạt tập trung mở rộng điểm bán và đảm bảo giao nhận hàng thuận tiện.

Còn theo chợ đầu mối Bình Điền, lượng thủy hải sản khô về chợ tăng gấp đôi so với ngày thường khoảng 8 tấn. Mặt hàng cao cấp có giá tăng nhưng so với cùng kỳ là tương đương. Chợ đầu mối Bình Điền lo sức mua thấp chứ không lo thiếu hàng hóa.

 Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương khảo sát hàng hóa Tết tại MM Mega Market An Phú, TP. Thủ Đức. Ảnh: TÚ UYÊN

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương khảo sát hàng hóa Tết tại MM Mega Market An Phú, TP. Thủ Đức. Ảnh: TÚ UYÊN

TP.HCM có truyền thống chuẩn bị hàng hóa cho người dân

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết kỹ lưỡng. Các doanh nghiệp đánh giá sức mua không cao. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ của TP.HCM năm 2024 đạt hơn 567.982 tỉ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

Năm ngoái, giá heo thấp nên người nông dân không tái đàn, các doanh nghiệp FDI chủ động con giống, thức ăn chăn nuôi nên vẫn duy trì tốt tổng đàn. Tổng đàn trong dân giảm dẫn đến giá heo tăng. Tuy nhiên, với chương trình bình ổn thị trường và kế hoạch giảm giá của doanh nghiệp, người có thu nhập thấp sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước có nhận định, năm nay không lo thiếu hàng hóa nhưng Sở Công thương cần lưu tâm đến vấn đề vận tải, phân phối, tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ do giao thông.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, TP.HCM có “truyền thống” chuẩn bị hàng hóa Tết tốt. Các doanh nghiệp đã có các kịch bản ứng phó với tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc tồn kho. Bà Thắng cho rằng TP.HCM không thiếu hàng hóa Tết, chỉ lo sức mua không cao. Tuy nhiên, sức mua đã tăng, người dân ưu tiên hàng Việt Nam.

Về công tác kiểm tra hàng hóa Tết, bà Thắng đề nghị Cục QLTT TP.HCM tập trung kiểm tra ngay từ đầu nguồn, kho hàng. Cần tăng cường tuyên truyền để người dân chọn hàng hóa có nguồn gốc, chất lượng, mua sắm ở những nơi uy tín.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi thú y cho biết 90% nguồn động vật và sản phẩm động vật là từ các tỉnh đưa về TP.HCM tiêu thụ. Năm qua, Chi cục phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý trên 274 trường hợp vi phạm, trong đó có 15 trường hợp giết mổ trái phép. TP.HCM đã đưa vào vận hành 7 cơ sở giết mổ, đáp ứng 60% nhu cầu. Từ nay đến Tết, tình hình giết mổ heo sẽ tăng, giết mổ gia cầm giảm.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-truong-hang-hoa-tet-tai-tphcm-da-nhon-nhip-post829950.html