Điểm du lịch 'miền quê cổ tích' Ngọc Chiến (Sơn La): Cộng đồng làm, cộng đồng hưởng lợi
Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La đã có tiếng là điểm du lịch cộng đồng với cảnh đẹp hoang sơ, nguồn nước nóng tự nhiên, sản vật OCOP 4 sao... Nhưng để có diện mạo ấy, cần nói tới mô hình 'bản mới', huy động sức dân và dân được hưởng lợi.
Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: “Hôm nay anh em cán bộ xã đến thăm cô chú, xong có nội dung của xã muốn bàn và xin ý kiến cô chú. Xã thống nhất và ban hành chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở đường. Vì giao thông có yếu tố quyết định then chốt đến đi lại, giao thương, nhưng tuyến đường trung tâm xã rất là hẹp, hai ô tô không tránh nhau được, cản trở việc đi lại phát triển kinh tế của nhân dân. Vì vậy xã chọn bản Đông Xuông làm điểm, sau đó nhân rộng ra toàn xã; và trong các hộ sống gần mặt đường có gia đình cô chú, có diện tích đất rất lớn, nên chúng cháu chọn gia đình cô chú làm điểm, mong cô chú ủng hộ, vì nếu cô chú nhất trí hiến đất làm đường thì vận động các hộ khác ở mặt đường hiến đất rất thuận lợi cho xã…”
Ông Lò Văn Phới - Bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: “Gia đình cô chú cũng nắm được chủ trương của đảng ủy, đường xá giờ chật hẹp, đi lại khó khăn. Ban đầu cũng bảo sao lấy nhiều thế, xã có giúp gì không. Nhưng sau thì xã không giúp gì, có nhiều thì hiến nhiều, người ta có ít hiến ít, ai cũng hiến. Mình là đảng viên phải đi đầu, gương mẫu. Giờ bê tông hóa hết rồi, vợ con cũng lo lắng mất nhiều quá, sau này làm thế nào. Chú cũng thuyết phục được rồi, là sẽ mở. Lấy bao nhiêu sẽ mở bấy nhiêu".
Con đường nội bản của bản Mường Chiến dài gần 2 km, bề ngang chỉ rộng gần 4 mét. Đường nhỏ hẹp; xe ô tô muốn tránh nhau vô cùng khó khăn. Bà con nơi đây đang thực hiện một “cuộc cách mạng về cải tạo và mở rộng đường nội bản”. Phong trào hiến đất làm đường lan tỏa mạnh mẽ. Đi đầu gương mẫu là những trưởng bản, bí thư chi bộ, lãnh đạo bản, lãnh đạo xã. Trong rất đông những người miệt mài tay cuốc tay xẻng, tay búa, xe rùa, thấp thoáng bóng dáng của những “người vác tù và hàng tổng” cũng đang lao động mướt mát mồ hôi.
Ông Lò Văn Án - Trưởng bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: “Trong quá tình triển khai mở đường thì TT đảng ủy họp, thống nhất, rồi xã ra chủ trương, gọi trưởng bản, bí thư về họp, triển khai, bà con rất đồng tình ủng hộ ở rộng cái đường ra để phát triển du lịch, bà con rất nhiệt tình ủng hộ cao”.
Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: “Để chủ trương đi vào cuộc sống thì vai trò người đứng đầu địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định, đó là dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa ra các chủ trương phải lấy người dân là chủ thể, lấy người dân là người trực tiếp thực hiện và họ là người trực tiếp hưởng thụ thành quả, và đó không phải là cái gì lớn lao, đó là những việc hàng ngày gắn bó trực tiếp đến đời sống quyền lợi của nhân dân”.
Ông Lò Văn Thoa – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: “Trước khi thành lập tổ công tác ngày thứ 7 về với dân, thì tôi được phụ trách tổ ngày thứ 7 về với dân bản Mường Chiến. Chúng tôi có 6 thành viên, chúng tôi theo quy định ngày thứ 7 cuối tuần của tháng là về với dân để triển khai với nhân dân, giờ thì hàng tuần, hàng ngày khi nào có thòi gian rảnh là chúng tôi về với dân để hướng dân dân trồng hoa trồng cỏ voi, rồi làm đường…”
Ông Lò Văn Án – Trưởng bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: “Kinh phí là từ sức dân thôi, vận động bà con hiến đất, hiến sức, hiến của, vì mình làm lợi cho dân mà”.
Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: “Đảng bộ xã đã ban hành 37 chủ trương, và kết quả đã đạt 21 chủ trương, tất cả các chủ trương đều thực hiện hướng về nhân dân. Qua thực tiễn cùng ăn cùng ở cùng làm với nhân dân, ngoài giờ trên trụ sở thì 15 tổ công tác, 15 đồng chí ủy viên BCH làm tổ trưởng, hàng ngày cùng với nhân dân thực hiện từng chủ trương một và thực hiện cho đến khi nào hoàn thành theo kế hoạch và thời gian mà đảng bộ xã đã nêu ra”.
Ông Lò Văn Thoa - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: “Đến thì chúng tôi cùng làm với dân, ở với dân, chúng tôi không chỉ đạo bằng văn bản hay hội nghị mà chúng tôi đi trực tiếp đi từng ngõ gõ từng nhà để vận động, cùng sắn tay áo vào việc với nhân dân”.
Hết năm 2021, 15/15 bản của xã Ngọc Chiến đã hoàn thành việc mở rộng và cải tạo được 20 km đường nội bản “không đồng”, đây thực sự là một kỳ tích trong mơ, bởi nguồn kinh phí hàng tỷ đồng hoàn toàn được huy động từ sức dân, do chính người dân thực hiện; cùng với đó là hàng nghìn mét vuông đất được người dân tự nguyện hiến tặng. Nhiều hộ đã đập phá, xê dịch hàng rào, các công trình xây dựng như bếp, chuồng trại, sân vườn để hiến đất mở đường.
Với độ che phủ rừng 87% nên xã Ngọc Chiến được biết đến là nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Không những thế, đây còn là nơi có nguồn nước nóng tự nhiên dồi dào để phục vụ việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc thu hút khách du lịch từ các nơi khác đến còn ít vì không có điểm nhấn. Nắm bắt được điều đó, Đảng ủy xã Ngọc Chiến đã đưa chủ trương phát triển du lịch vào Nghị quyết và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để giúp người dân có cuộc sống ấm no, kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.
Ông Lò Văn Chinh – Bản Lướt, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: Trước thì hoang vu thôi mà, sau thấy nguồn nước quý giá quá nên tôi làm. Một số anh em cũng bảo: anh làm làm gì, có khách không. Nhưng làm 1-2 năm thì khách cũng biết đến. Tôi cũng đề nghị tỉnh, huyện có quy hoạch cụ thể để khai thác cái suối nước nóng này, vì nó quý giá đấy.”
Để xây dựng Ngọc Chiến trở thành “Miền quê cổ tích” và “Mảnh đất đáng sống nhất”, cảnh quan môi trường của Ngọc Chiến được đặc biệt quan tâm; cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ được giữ gìn, bảo vệ, chú trọng đến sự độc đáo và khác biệt, song vẫn gần gũi và mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc địa phương. Những cối giã gạo, những cọn nước bên suối trong khung cảnh thanh bình đã tạo nên một bức tranh thôn dã cuốn hút đến lạ kỳ.
Ông Lò Văn Khụt cùng một số bà con trong bản ngày nào cũng ra bên bờ suối Chiến, miệt mài vót từng thanh tre, đan từng lóng tre để làm nên 40 chiếc cọn nước duyên dáng, tạo nên một khung cảnh nên thơ, ấn tượng và độc đáo.
Ông Lò Văn Khụt – Bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: “Khách du lịch người ta cũng thấy là bản sắc của dân tộc Thái, họ cũng hài lòng, mình thì cũng vui vui. Có thêm cọn nước, khách du lịch vào họ thấy suối Chiến như thế nào. Mình rất tự hào vì mình sinh ra ở Ngọc Chiến”.
Trước đây, khi đến xã Ngọc Chiến tham quan du lịch, du khách muốn tìm một nơi để nghỉ ngơi, ăn uống là điều rất khó khăn, do người dân ở đây vốn chỉ quen với việc khách du lịch đến tắm suối nước nóng rồi về luôn trong ngày. Nhưng hiện nay, khi Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, tại đây đã xuất hiện những cơ sở lưu trú tổ chức theo hình thức du lịch xanh, sinh sống cùng với người dân (homestay) để phục vụ du khách.
Anh Nguyễn Văn Thịnh, Quản lý Homestay Ngọc Chiến Pearl: “Khi mình làm thì mình hướng tới giá trị gần gũi thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, cho người ta có thời gian trải nghiệm. Đặc biệt, Đây là mảnh đất thiên thời địa lợi nhân hòa, thời tiết, con người, tín ngưỡng, một mảnh đất thiêng, hiền hòa, và con người có tính cộng đồng cao. Khi xây dựng Homestay này được đón nhiều đoàn khác, người ta đến đây có cảm giác gần gũi thiên nhiên, những món ăn dân tộc, được giao lưu với bà con”…
Ngọc Chiến từ xưa còn nổi tiếng với những cánh đồng trồng giống lúa nếp tan thơm, dẻo. Nhưng qua thời gian, diện tích trồng giống lúa này ngày càng ít đi vì năng suất thấp. Hiện nay, chính quyền và người dân đã xác định sản phẩm nếp tan là một đặc sản địa phương. Nghị quyết của Đảng ủy xã Ngọc Chiến đã đề ra chủ trương giao cho các tổ chức mặt trận, đoàn thể vận động, tuyên truyền nhân dân quy hoạch và phát triển 300 ha nếp tan. Bởi loại nếp này có giá trị kinh tế cao hơn các loại lúa khác nhiều lần.
Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: “Lại khôi phục lại cái giống lúa - cá chép ruộng để phát triển kinh tế và đặc biệt là làm đặc sản. Vì giờ cây nếp tan được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, là sản phẩm để phát triển du lịch”.
Bà con nhân dân xã Ngọc Chiến giờ đã không còn bỏ ruộng hoang hóa, từng diện tích đất đều được tận dụng tối đa để trồng lúa nếp tan. Hiện nay, giá trung bình của giống nếp này khoảng 60.000/kg, gấp 4 lần so với giống nếp khác. Vì vậy, việc khôi phục giống nếp tan sẽ giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định. Với những nghị quyết sát với cuộc sống, đi vào lòng dân, những tiềm năng, lợi thế của vùng đất Ngọc Chiến đã từng bước được phát huy. Nhờ đó, xã Ngọc Chiến ngày càng phát triển, vươn lên, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, ổn định hơn.
Chị Quàng Thị Yên - Bản Khau Vai, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La: “Trước đây chúng tôi làm một vụ, trồng lúa nếp tan, giống địa phương nhưng năng suất không cao, không cho thu hoạch nhiều. Sau khi thu hoạch là đất sau để hoang. Bây giờ thì đảng ủy chính quyền tuyên truyền và phục tráng giống lúa nếp tan, cho năng suất cao hơn, ít sâu bệnh. Bây giờ bà con trồng một năm hai vụ, nếu chăm chỉ còn làm thêm được 1 vụ rau màu ngắn ngày nữa. Đời sống bà con bây giờ khá hơn nhiều rồi”.
Ông Nguyễn Văn Bắc - Chủ tịch UBND huyện Mường La, Sơn La: Phát huy việc bà con xã Ngọc Chiến tích cực xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch, trong thời gian tới huyện sẽ tổ chức sơ kết 1 năm triển khai phát động nhân dân xd nông thôn mới để cán bộ toàn huyện đến học hỏi và đúc rút ra kinh nghiệm để nhân rộng toàn huyện”.
Mảnh đất Ngọc Chiến xinh đẹp, đáng yêu. Con người Ngọc Chiến hài hòa mến khách, cần cù, yêu lao động. Trong giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm xã giảm được 8,87% hộ nghèo. Năm 2021, xã còn 16% hộ nghèo; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; phấn đấu năm 2022 còn 12% hộ nghèo; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Ngọc Chiến đang nỗ lực chung tay xây dựng một miền quê đáng sống giàu đẹp và trù phú, bằng câu chuyện sinh động và thực tế, khi Nghị quyết được bàn hành sát thực tiễn, ăn sâu bám dễ trong lòng dân, thì “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Thực hiện : Thúy Hà