Điểm giao dịch xã - ngân hàng lưu động của người nghèo

Với phương châm 'thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ', Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Nguyên Bình luôn duy trì hiệu quả hoạt động giao dịch tại các xã, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền bố trí địa điểm tại trụ sở UBND xã phục vụ công tác giải ngân, thu nợ, nộp lãi. Tại các điểm giao dịch gắn bảng công khai các văn bản quy định chính sách tín dụng ưu đãi, các biển chỉ dẫn, bảng thông tin về các chương trình TDCS, địa chỉ đường dây nóng, công khai dư nợ của các hộ được vay và nội quy giao dịch, hòm thư góp ý, ngày, giờ giao dịch, quy trình giao dịch... để người dân nắm, tiếp cận thông tin.

Trước mỗi phiên giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ giao dịch thực hiện kiểm tra, đối chiếu sổ sách từng khách hàng về các khoản tiền vay, dư nợ…; họp giao ban với lãnh đạo UBND, tổ chức chính trị - xã hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nắm bắt những chính sách mới, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới để hoạt động hiệu quả. Tổ trưởng Tổ TK&VV thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách mới phổ biến cho các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng bám địa bàn, bám dân; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn TDCS.

Mỗi phiên giao dịch có 4 - 5 cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi. Điểm giao dịch được lắp đặt camera giám sát, máy tính, máy đếm tiền... Việc đặt điểm giao dịch tại xã, thị trấn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiết giảm chi phí đi lại, thời gian, tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi. Sau khi giao dịch với người dân, tổ giao dịch họp giao ban với chính quyền, các đơn vị nhận ủy thác và tổ trưởng các tổ TK&VV để hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách, triển khai các chủ trương, chính sách mới, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến vấn đề thu nợ gốc, lãi... Ngoài ra, khi hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn mà đã qua ngày giao dịch cố định hằng tháng, Phòng Giao dịch bố trí mở phiên giao dịch phụ sau đó từ 3 - 5 ngày để giải ngân nhằm giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi sớm nhất.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nguyên Bình thực hiện giải ngân, thu lãi, nợ hằng tháng tại điểm giao dịch xã.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nguyên Bình thực hiện giải ngân, thu lãi, nợ hằng tháng tại điểm giao dịch xã.

Anh Đặng Phụ Chòi, xóm Khuổi Mỵ, xã Ca Thành cho biết: Từ khi NHCSXH triển khai giao dịch tại xã tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân. Kết quả được công khai ngay tại phiên giao dịch, qua đó người dân biết được hộ nào được vay mới, theo chương trình gì; hộ nào đã trả hết nợ; số lãi mỗi hộ phải nộp tháng tới… Năm 2024, tôi vay 50 triệu đồng mua 3 con bò cái sinh sản. Nếu không có nguồn vốn vay của NHCSXH với thủ tục đơn giản, thuận tiện nhiều hộ gia đình không biết đến bao giờ mới thoát nghèo.

Nhờ tổ chức tốt phiên giao dịch cố định tại xã, thị trấn, công tác TDCS phát huy hiệu quả, chất lượng TDCS được nâng lên, tăng tỷ lệ thu nợ, thu lãi tại các xã, thị trấn, nợ quá hạn được kiểm soát tốt, chất lượng ủy thác, hoạt động của các tổ TK&VV ngày càng được cải thiện, giúp đem nguồn vốn ưu đãi đến tay người dân nhanh, hiệu quả, đây cũng là “điểm tựa” để nhiều hộ gia đình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, các học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn tiếp tục thực hiện ước mơ đến trường…

Theo Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Nguyên Bình Lương Thanh Hiếu, đến nay, huyện có 17 điểm giao dịch tại 17 xã, thị trấn và 189 tổ TK&VV; mỗi xã có một phiên giao dịch cố định. Các cán bộ NHCSXH được trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc cần thiết để đi giao dịch phục vụ cho người nghèo và các đối tượng chính sách từ giải ngân, thu nợ, thu lãi, huy động tiết kiệm... Hoạt động của các điểm giao dịch trên địa bàn huyện ngày càng ổn định, hiệu quả với tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã, thị trấn đạt 94,7%, thu nợ đạt trên 95%, thu lãi đạt 99,9%. Trong 7 tháng đầu năm, Phòng Giao dịch thực hiện 126 phiên giao dịch tại các xã, thị trấn. Hiện có 5.442 hộ đang sử dụng vốn vay với tổng dư nợ 406 tỷ 404 triệu đồng.

Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân. Lồng ghép hiệu quả hoạt động vay vốn NHCSXH với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, thoát nghèo bền vững.

Ngọc Dung

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/diem-giao-dich-xa-ngan-hang-luu-dong-cua-nguoi-ngheo-3172362.html