Điểm hẹn Vĩnh Cửu vào Xuân

Trước ngưỡng cửa xuân Ất Tỵ, huyện Vĩnh Cửu tổ chức Lễ hội “Hương bưởi Tân Triều” với nhiều hoạt động phong phú; trong đó, bức tranh cát của nghệ sĩ Nguyễn Thế Nhân là tác phẩm đặc sắc thu hút sự quan tâm của công chúng.

Vườn bưởi đặc sản đường lá cam xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Bình Nguyên

Vườn bưởi đặc sản đường lá cam xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Bình Nguyên

Cùng với những hình ảnh đẹp tinh lọc từ thực tế, lời lẽ của tranh cát như như đôi cánh nghệ thuật khiến ta hiểu Vĩnh Cửu nhiều hơn.

Vùng đất thơ mộng và anh hùng

Vĩnh Cửu sớm có tên trong lịch sử hơn 300 năm hình thành, phát triển đất phương Nam. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới, huyện Vĩnh Cửu ngày nay là bộ phận máu thịt của tỉnh Đồng Nai, có 1 thị trấn và 9 xã. Huyện Vĩnh Cửu có đặc điểm: Đa dạng sinh thái, đa nguồn văn hóa, đa tôn giáo tín ngưỡng, đa thành phần kinh tế và tổ chức xã hội; diện tích hơn 1.095 hécta (rộng nhất tỉnh Đồng Nai), ở thượng nguồn hữu ngạn sông Đồng Nai, khí hậu ôn hòa, rừng thẳm, sông dài, đất giàu tài nguyên, thuận giao thông nội tỉnh và ngoại tỉnh, người tứ xứ hội về chung sống đoàn kết trong môi trường sống “THIÊN THỜI - ĐỊA LỢI - NHÂN HÒA”.

Dòng mạch văn hóa bưởi là tài nguyên văn hóa du lịch giàu tiềm năng và nhiều kỳ vọng. Đang có Dự án Xây dựng làng Tân Triều thành làng du lich sinh thái mang đậm dấu ấn văn hóa bưởi. Theo đó, các loại bưởi, các sản phẩm từ bưởi cần được phát triển đa dạng hơn, chất lượng hơn, hiệu dụng hơn, vươn cao, bay xa, trở thành văn hiệu của xứ bưởi Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Trong kháng chiến chống quân xâm lược, huyện Vĩnh Cửu là vùng trọng yếu của các lực lượng kháng chiến, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Biên Hòa (năm 1935), địa bàn của chiến khu Đ huyền thoại, căn cứ chỉ huy của Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1961-1962) và Khu ủy miền Đông; địa chỉ khởi đầu của nhiều cơ quan lãnh đạo cách mạng Đông Nam Bộ. Quân dân Vĩnh Cửu đã tạo nhiều kỳ tích anh hùng, 9 tập thể và 2 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 715 cá nhân và tập thể được nhận huân huy chương các loại. Huyện Vĩnh Cửu cũng là nơi mang nhiều vết thương chiến tranh, nhiều hy sinh, mất mát; 654 liệt sĩ, 86 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Từ sau ngày 30-4-1975, huyện Vĩnh Cửu cùng cả tỉnh và toàn quốc sống trong không khí hòa bình, thống nhất, đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực vượt khó, chung tay xây dựng quê hương.

Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, huyện Vĩnh Cửu đã phát triển toàn diện, hạ tầng đồng bộ, xã hội văn minh, chất lượng cuộc sống được nâng cao, nông thôn đổi mới, công nghiệp phát triển, dịch vụ đáp ứng nhu cầu; việc học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể dục thể thao nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, huyện Vĩnh Cửu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần huy động lòng dân, sức dân để vượt qua, vươn đến mục tiêu phát triển bền vững.

Điểm hẹn du lịch Vĩnh Cửu

Vĩnh Cửu giàu truyền thống cách mạng, nhiều thành tích anh hùng, cũng rất giàu tài nguyên văn hóa và nhiều điểm hẹn của du lịch. Nhân dân huyện Vĩnh Cửu kiên cường, anh dũng trong chống giặc ngoại xâm; cần cù, chịu khó trong lao động; hiền hòa, mến khách trong giao tiếp. Đó là chủ thể đồng thời là tài nguyên vô giá của điểm hẹn du lịch. Hiện trên địa bàn huyện có 5 điểm du lịch đang khai thác phục vụ du khách: Điểm du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều, điểm du lịch sinh thái Cao Minh, điểm du lịch cộng đồng Hiếu Liêm, điểm du lịch đảo Ó - Đồng Trường và điểm du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Chiến khu Đ.

Các di tích lịch sử văn hóa là điểm hẹn để tìm hiểu về văn hóa lịch sử kháng chiến của “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Trên địa bàn huyện có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia và 4 di tích lịch sử cấp tỉnh. Đặc biệt là các di tích mang giá trị giáo dục truyền thống cách mạng: Di tích Trung ương cục miền Nam giai đoạn 1961-1962; Di tích Khu ủy miền Đông Nam Bộ giai đoạn 1962-1967; Di tích thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều, tại xã Tân Bình.

Từ bưởi Tân Triều, nhiều sản phẩm được tác tạo làm đẹp, làm khỏe, làm ngon: Hoa bưởi tạo dầu thơm, lá bưởi xông giải cảm, rễ bưởi nấu nước tắm chống ghẻ, hạt bưởi trị chốc đầu, còn để làm đèn soi sáng, vui chơi. Nhiều món ngon được tạo từ bưởi: Rượu bưởi, gỏi bưởi, nem bưởi, mứt vỏ bưởi…

Tại xã Hiếu Liêm có Nhà máy Thủy điện Trị An được thành lập ngày 2-12-1987 với 4 tổ máy, sản lượng điện thiết kế trung bình hàng năm: 1,76 tỷ kWh. Nhà máy Thủy điện Trị An với phong cảnh hữu tình là điểm thu hút khách du lịch; cũng là nơi giáo dục trực quan cho du khách hiểu về nguồn điện từ thủy lực đang dùng hàng ngày.

Thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Cửu nhiều giá trị sinh thái, cảnh quan kỳ mỹ, đủ sắc thái của mây gió, nắng mưa, rừng, hồ, thác, động thực vật… để bảo tồn, phục vụ du khách. Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, đa phần diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (hơn 60 ngàn hécta) là bộ phận dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, có hệ sinh thái đa dạng sinh học cao, phong phú cả về chủng loại lẫn số lượng, hệ động - thực vật có hơn 3.300 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ thế giới.

Sông Đồng Nai ở địa phận huyện Vĩnh Cửu là tài nguyên du lịch giàu tiềm năng. Hồ cũng là tài nguyên du lịch đặc sắc. Hồ Trị An có diện tích mặt nước lớn nhất, với khoảng 32.400 hécta, trên hồ có khoảng 70 đảo lớn nhỏ, đa dạng về loại hình, các đảo có diện tích từ 2-10 hécta như đảo Xanh, đảo Đá, đảo Năm Bầu, đảo Tây Ninh 2…; lớn nhất là đảo Ó - đảo Đồng Trường với diện tích khoảng 23 hécta, đang được công ty Cường Thuận IDICO đầu tư khai thác. Đảo Ó - Đồng Trường đang tiếp tục được đầu tư, phát triển, trở thành hòn ngọc xanh giữa mênh mông hồ xanh làm say lòng du khách.

Với tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên vốn có, huyện Vĩnh Cửu định hướng phát triển du lịch sinh thái: rừng, sông, hồ và du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, sản xuất nông sản sạch để phục vụ du khách (du lịch sinh thái xanh).

Hương bưởi Tân Triều

Trong tài nguyên du lịch ở huyện Vĩnh Cửu, bưởi là sản vật đặc thù đã trở thành “văn hiệu” âm vang trong tâm thức dân gian: “Biên Hòa có bưởi thanh trà. Thủ Đức nem nướng, Điện Bà Tây Ninh”. Nói bưởi Biên Hòa, thực ra là bưởi từ Tân Triều.

Đất nước Việt Nam nhiều nơi có bưởi, nhiều giống bưởi nổi tiếng được bình chọn tốp 10: Bưởi Năm Roi (miền Tây), bưởi Tân Triều (Tân Bình, Vĩnh Cửu), bưởi da xanh (Bình Lợi), bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi đỏ Luân Văn (Thanh Hóa), bưởi Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), bưởi Thanh Trà (xứ Huế), bưởi Hoàng ở Văn Giang (Hưng Yên). Trong đó, bưởi Tân Triều được bình chọn ở vị trí thứ hai.

Trời đất hữu tình tạo cho vùng đất cù lao Ngô Châu/Tân Triều có duyên với bưởi, sản sinh bưởi có hương vị thơm ngon, thành bản sắc riêng, được thực khách yêu thích, nhớ đời. Kỳ lạ, cùng giống ấy, cùng kỹ thuật chăm sóc như thế, nếu ra khỏi Tân Triều bưởi sẽ mang hương vị khác.

Bưởi Tân Triều không rõ nguồn gốc có tự bao giờ, nguồn giống đến từ đâu; chỉ biết rằng, hiện nay, hội tụ gồm nhiều loại bưởi, đáng kể là bưởi đường, bưởi thanh, bưởi da xanh, bưởi xiêm, bưởi ổi; riêng bưởi đường, có đường da cam, đường láng, đường da xanh, đường núm… mỗi loại có hương vị riêng. Riêng bưởi đường có vị ngọt thanh, mọng nước, dễ bóc tép bưởi, càng để lâu càng ngon, càng chín càng nhỏ hạt nên được ưa chuộng.

Bưởi không chỉ là loại trái cây để ăn, mà còn là sản vật tạo nhiều giá trị trong đời sống. Dường như có một dòng mạch văn hóa bưởi. Các thôn nữ thường khiêm nhường ví phẩm chất mình như đặc tính của bưởi “Thân em cam quýt bưởi bòng. Đắng the ngoài vỏ mà lòng ngọt thanh”. Bưởi đã đi vào thơ nhạc: “Gói một chùm hoa trong chiếc khăn tay… Hương bưởi thơm cho lòng bối rối… Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu…”. Làng bưởi Tân Triều đi vào thơ của Lê Đình Thảo: “Quê em làng bưởi Tân Triều. Yêu em! Anh bắc cầu kiều anh sang… Em như hoa bưởi trên cành. Ong vờn, bướm lượn, em dành tặng anh…”.

Huỳnh Văn Tới

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/diem-hen-vinh-cuu-vao-xuan-7305505/