Đãi anh sui

Tranh minh họa: PHẠM CÔNG HOÀNG

Tranh minh họa: PHẠM CÔNG HOÀNG

Lần này ông Ba quyết không đi bẫy chim cu nữa. Ai nói, bỏ cả mấy ngày trời mới được năm con chim dính bẫy, làm món rô ti thơm ngon bá cháy mà cũng chỉ dọn lên bàn có anh sui Năm Trường ngồi, vậy mà phải nghe chả “giảng”: Bẫy chim là làm xâm hại môi trường tự nhiên đó nghen anh sui. Thì, ai chẳng biết chả vừa nói thiệt, vừa nói vui vậy thôi, chớ chẳng phải dạy đời gì. Nhưng nghĩ tới cũng tức lộn ruột. Đã vậy còn khoe kinh nghiệm đi ăn se sẻ ở nhà hàng trên thành phố cho chả nghe, rằng muốn biết se sẻ thiệt hay chim cút làm giả, chỉ nhai cái đầu là biết liền: Chim sẻ nhỏ con nhưng “già đầu” nên nhai cứng, khác xa với chim cút “xương sọ mềm èo”.

Vậy đãi món gì đây? Cha Năm này không phải người sành ăn, chỉ giỏi nói. Nghe thằng rể kể là chả nghiên cứu về ẩm thực, đọc tài liệu nhiều chớ có được ăn thực tế hết đâu!

Ngồi bên hiên nhà anh Hai Nhiêu uống mấy ve vừa thấm, ông Ba nói với anh mình vụ đãi khách trước Tết. Hai Nhiêu vừa gật vừa lắc đầu:

- Vụ này khó đa! Phải nghĩ nhiều ngày may lắm mới ra.

Nói vậy, chớ sau khi thêm mỗi người một ve cho dứt hai cái hột vịt lộn cuối cùng, Hai Nhiêu đã vỗ đùi đánh đét:

- Có rồi! Không phải một mà tới hai món lận! Nhưng thằng Ba mày phải bỏ công nhiều ngày, cực cặp giò đó! Tao rảnh cũng đi kiếm phụ cho…

***

Hai Nhiêu quả là số một! Vậy mà không chịu mở quán nhậu bình dân như nhiều người xúi. Khó vậy mà ảnh cũng nghĩ ra.

Mà đúng là khó thiệt! Cực cặp giò thiệt chớ chẳng!

Thứ nhứt, các vườn bưởi trái vụ trước Tết nhà vườn tranh thủ hái trái bán cho có giá, lấy tiền rủng rỉnh làm mâm cúng ông bà thịnh soạn, lì xì con cháu xôm tụ cho tụi nó mừng. Vậy mà ông Ba phải xin vô vườn, banh con mắt tìm trên cành bưởi mấy con ốc bươu. Ốc bươu thì đầy trời, mùa mưa tụi nó vừa tới “tuổi” trưởng thành, bò ra khắp chốn. Tội cho mấy cây non bị tụi nó ăn, qua một đêm là tang thương trên mặt đất. Chủ nhà có tìm mấy con ốc cũng khó vì tụi này ẩn nấp kỹ lắm, không như lũ ốc sên ngu. Vậy đó, lúc này mà tìm được một con leo cao trên nhánh bưởi thì “lòi con mắt”. Nhiều đầu bếp hàng quán lóng rày có làm món ốc bươu hấp lá bưởi kèm sả được khen ăn vừa béo ngậy vừa thơm miệng. Nhưng sao bằng mấy con ốc bươu bưởi! Cầm nó trên tay đã ngửi thấy mùi thơm của lá bưởi trong bụng nó rồi!

Đó là một món độc lạ của Hai Nhiêu bày cho.

***

Món thứ nhì còn trần ai khoai củ hơn gấp bội. Mà chỉ để ăn tráng miệng.

Ông Ba nhớ lại hồi mình còn con nít, vườn bưởi nào cũng có trồng vài ba cây bưởi ổi. Bên Tân Triều chủ yếu trồng bưởi đường lá cam, chịu đất không chưn, trái có núm vẹo, múi trắng nõn, vị thanh, một thời mang tên “Bưởi Biên Hòa”, khiến xứ này thành “Xứ bưởi”. Hầu như các nhà vườn hồi đó đều trồng bưởi ổi để ăn lấy thơm lấy thảo, không bán vì cây ra trái ít, lại bị người ta chê nhìn mã xấu. Thấy tội cho giống bưởi này. Trái bưởi hái xuống để lăn lóc nền nhà vài ba tháng, ngoài vỏ quắt lại như da tay mấy ông bà lão, nhưng lột ra bên trong các múi vẫn mọng nước, ăn vẫn thơm mùi ổi đặc biệt.

Bây giờ thì khác. Phía nhà ông Ba, đất có chưn, chỉ trồng được bưởi da xanh, ruột đỏ ăn ngọt lưỡi, thì đã đành. Mà ngay bên Tân Triều, bưởi ổi cũng hầu như tuyệt giống.

May sao, cuối cùng ông Ba cũng tìm được một nhà vườn nọ với cây bưởi ổi mà chủ nhà cười cười nói: “Nhà ăn rồi liệng hột, nó mọc lên tự nhiên, lười không nhổ bỏ nên nay mới có. Nhưng cây trồng hột thì sao giữ được hương vị cây gốc! Ăn đỡ vậy!”.

Lúc tiễn khách, ông chủ vườn còn nói thêm:

- Mà sao ông cầu kỳ quá vậy. Đãi khách bằng bưởi đường lá cam, rặt Tân Triều cũng đã quý lắm rồi…

***

Chỉ ông Ba biết vì sao. Như đã kể là bởi vụ bị chê món chim cu rô ti. Dịp đón Tết năm nay, Năm Trường sẽ biết món ăn quê ông “bắt” cỡ nào. Ông nói với vợ:

- Bà nấu toàn món quê cho tui. Vịt nấu chao nè. Rau càng cua vắt chanh chớ đừng bóp dấm, thêm ít tôm khô, đậu phộng vô. Bắp luộc dọn lên bàn luôn cùng các món khác, cho chả biết bắp mới hái, luộc củi rừng ngon cỡ nào, chớ không phải như mấy đứa bất lương luộc bắp với lõi pin. Mà bắp luộc rồi nhớ cắt khoanh vừa cầm tay nghen…

Bà Ba khẽ lắc đầu:

- Toàn món quê vậy, ông không sợ anh sui cười cho hả?

- Tui chấp! Mà cười sao được!

Bà Ba ngần ngại:

- Hay là mua thêm ký ốc hương, con gà nướng lu mà lần nào đãi mình, tiệc nhà ảnh cũng có!

- Dẹp! Mấy món đó chả ăn quen miệng rồi.

- Vậy là… cứ làm theo lời ông dặn hả?

- Dĩ nhiên phải có mì xào, cơm chiên cho mấy đứa cháu của tui ăn chớ!

Bà Ba càu nhàu:

- Cái ông này, thiệt hết biết!

***

Quê, những ngày tháng Chạp, sáng thấy lạnh. Ông Ba mời anh Hai Nhiêu qua nhà mình uống cà phê, chuyện vãn. Nhà có hai anh em là trai, còn thì toàn gái. Hồi nhỏ, hai anh em chơi thân với nhau, giờ già khú đế, vẫn thân. Mà vẫn lai rai được, càng thân hơn.

- Có mời mấy cô không?

- Không. Bữa nay chỉ có anh chị sui Năm Trường với gia đình con Hai thôi. Mấy cô thì trưa ba mươi, về làm cơm đón ông bà luôn…

- Hà hà… Năm Trường sẽ ngạc nhiên lắm đây!

- Nếu anh Hai chơi mấy câu vọng cổ “Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà”, chả còn há miệng mà nghe quên ăn luôn chớ!

- Cái vụ đó tao phải có ít nhứt năm ve mới có hứng…

- Cả hai ba thùng bia sẵn trong nhà đó, lo gì!

- Nè Ba, hay là anh em mình lai rai trước khi Năm Trường tới đi…

- Thôi! Đợi! Chả tới mới nhập tiệc cho lịch sự. Người thành phố ưa bắt bẻ lắm. Thấy mình có nước chưn rồi, giả đánh giá mình!

***

Mười giờ trưa.

Ông Ba sốt ruột goi điện cho con rể. Nó không bắt máy mà là con Hai, gái cưng của ông. Giọng nó mếu máo:

- Ba ơi! Ông nội tụi nhỏ nhập viện rồi. Chồng con mới đưa ông đi chừng nửa tiếng. Con gửi mấy đứa nhỏ cho bà nội rồi cũng vô trỏng luôn…

- Anh sui bị sao?

- Dạ… bác sĩ nói là đột quỵ… Nhưng qua cơn nguy kịch rồi. Là do mình đưa đến bệnh viện kịp thời…

- Trời đất ơi! Sao lại trúng dịp tết nhứt này chớ… Thôi, bây lo việc nhà đi. Để tao kêu xe lên bệnh viện thăm anh sui liền…

Cô Hai nghe trong điện thoại văng vẳng tiếng của bác Hai Nhiêu: “Tao đi luôn nghen Ba”.

***

Vậy mà đã một năm qua đi.

Những ngày tháng Chạp lại tới. Lại một ngày trời lạnh từ sớm tới trưa. Trong phòng khách nhà ông Ba lại có mặt ông Năm Trường.

Xe Grap Car chạy vô tận sân trước. Hai đứa cháu ngoại xuống xe là chạy tới ôm ông ngoại, bà ngoại, chào tíu tít. Con gái ông đi kè bên bà Năm Trường. Thằng rể thì dìu ba nó.

Ông Ba ngoái đầu hỏi vợ:

- Mấy cái món của tui xong hết cả chưa?

Anh sui của ông Ba hai tay nắm tay ông Hai Nhiêu và ông Ba, mỉm cười hỏi:

- Có món chim cu rô ti không anh sui?

- Không, món đó tui nghe lời anh bỏ rồi.

- Tui nói vui thôi mà…

- Nói phải thì củ cải cũng phải nghe, anh sui à… Thay cho mấy con chim, bữa nay tui đãi anh hai món đặc biệt cùng mấy món quê nghèo…

Ông Hai Chiêu chen vô:

- Hai cái món đặc biệt là để dành từ tháng Chạp năm ngoái đó…

- Anh Hai nói gỡn thôi. Đúng là năm ngoái hai món đó làm chờ đãi khách, nhưng khách không tới được, tui với anh Hai mần hết sạch rồi. Bữa nay làm mới hoàn toàn…

Ông Năm Trường phấn khởi lắm:

- Anh sui đã có công làm thì tui sẽ có công ăn. Một năm trị bệnh, dưỡng bệnh, tui khỏe rồi. Tui phải ăn để bổ sung bài mới cho cuốn sách về ẩm thực sắp in của mình chớ!

- Úy trời! Anh sui viết sách nữa hả?

Khi mấy người đàn ông ngồi cả vô bàn, ông Hai Nhiêu chợt khà một tiếng rồi nói:

- Nghĩ mà phục tui quá. Món độc vậy mà cũng nhớ ra. Hổng chừng qua Tết, tui bàn với tụi nhỏ mở quán nhậu bình dân cũng nên…

Truyện ngắn của Khôi Vũ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/dai-anh-sui-f183bcd/